• Loading...
 
Có phải ngoại giao Việt Nam “quá cứng nhắc”?!
Ngày xuất bản: 30/07/2023 1:35:00 CH

Trong khi dư luận quốc tế tập trung phân tích và đánh giá cao chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn thể hiện chủ trương “đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế” thể hiện rõ nét trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã và đang diễn ra ở Cộng hòa Áo, Cộng hòa Italia, nhất là cuộc gặp Giáo hoàng Vatican, mà ai cũng thừa hiểu rằng, Việt Nam sẽ khẳng định cho phép Vatican đặt đại diện thường trú ở Việt Nam, sau nhiều năm hai bên đàm phán về vấn đề này. Ấy vậy mà vẫn có tiếng nói lạc lõng cho rằng “Việt Nam làm như vậy vì không thể cưỡng nổi đòi hỏi chính đáng của giáo dân Việt Nam”; rằng “sự cứng nhắc trong chính sách ngoại giao của Việt Nam đã bị thực tiễn lịch sử bẻ gẫy”!; v.v và v.v… Trong bài này, người viết không bàn đến nội hàm khái niệm “cứng” và “mềm”, chỉ muốn nhấn mạnh rằng, quốc gia nào cũng vậy, vì lợi ích chính đáng của dân tộc mình, trong khi giải quyết vấn đề đối nội, nhất là đối ngoại cần thể hiện sự “cương”, “nhu” tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể – như ông Hồ Chí Minh đã tổng kết “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tháng 5/2019, trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam đã nêu rõ cái “bất biến” trong chính sách “4 không”: không tham gia các liên minh quân sự; không liên minh với các nước này để chống nước kia; không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống nước khác; không sử dụng sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Trong các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Việt Nam ở nhiều nước cũng như ở các hội nghị quốc tế, chính sách “4 không” đó được nhiều quốc gia tán đồng và hoan nghênh, trái ngược với sự lu loa của thế lực xấu nhận định rằng “sự cứng rắn ấy, Việt Nam sẽ bị quốc tế cô lập”(!) Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Áo vừa qua, đề cập các vấn đề quốc tế thời sự hiện nay, như quan hệ với Nga – Ukraina, Chủ tịch Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh rằng, Việt Nam luôn thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và chủ trương giải quyết các mối quan hệ đó theo nguyên tắc song phương và đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo đảm hòa bình và ổn định không chỉ cho các quốc gia đó, mà cho cả thế giới. Vì vậy Việt Nam cũng như các nước khác cùng chung tay hành động vì mục tiêu cao cả này.

Theo hướng đó, vào tháng 5/2023, như trang mạng forpost-sevastopol.ru thông tin: bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi “giải quyết mọi tranh chấp một cách hòa bình”, trong khi các nước phương Tây tăng cường tiếp xúc với Hà Nội, tìm cách lôi kéo nước này về phía mình”. Cần lưu ý rằng, trong bối cảnh đó, Việt Nam đón Chủ tịch Đảng “Nước Nga thống nhất” cầm quyền, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-23/5/2023. Theo báo chí Nga, tuyên bố chung sau cuộc gặp, lãnh đạo cao cấp hai nước nhấn mạnh rằng “sẵn sàng tiếp tục hợp tác để bảo vệ và củng cố các nguyên tắc, chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc”. Các báo Nga lưu ý tuyên bố của thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp rằng “Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin”. Nên nhớ đây là một chuỗi hoạt động ngoại giao của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay, mở đầu bằng chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc, tiếp sau là Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ở châu Á, châu Mỹ La-tinh; và hiện nay là chuyến thăm 3 nước ở châu Âu của Chủ tịch Võ Văn Thưởng. Cùng với các chuyến “xuất ngoại” của “tứ trụ”, Việt Nam cũng dang rộng vòng tay đón các nguyên thủ ở nhiều nước trên thế giới thăm Việt Nam. Báo chí quốc tế chú ý sự kiện Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nối nhau thăm Việt Nam. Như vậy, hoạt động ngoại giao của Việt Nam trong 7 tháng qua vô cùng sôi động, chứ đâu phải là bị “cô độc” vì “quá cứng nhắc” như ai đó bình luận?! Thiết nghĩ, cũng cần nhấn thêm một khía cạnh nhạy cảm trong quan hệ Việt – Mỹ: sau chuyến thăm của hai vị Bộ trưởng Mỹ đến Việt Nam, báo chí quốc tế đưa tin Tổng thống Mỹ đã mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Mỹ vào năm nay; và cả hai phía đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm này. Nếu diễn ra, thì đây là lần thứ hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ theo lời mời chính thức của hai tổng thống Hoa Kỳ. Ai cũng biết rõ, Mỹ là “cựu thù” của Việt Nam và mang hệ tư tưởng đối lập, nhưng những người lãnh đạo cao nhất nước Mỹ lại mời người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam – đảng cầm quyền thăm chính thức với nghi thức đón nguyên thủ quốc gia! Điều đó cho thấy, sức mạnh của sự nhất quán phương châm: “gác lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, hướng tới tương lai”. Và ai cũng còn nhớ một chi tiết rất văn hóa là, các Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam, đều có lịch đi thăm các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là Văn Miếu – Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên ở Việt Nam ra đời trước khi hình thành nước Mỹ 7 thế kỷ! Trong phát biểu chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ năm 2015, Phó tổng thống Mỹ nhắc lại câu Kiều của đại thi hào Nguyễn Du: “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.

Thưa các vị hay “nói ngược” với mục đích xuyên tạc, hạ thấp vị thế quốc tế của Việt Nam: các ngài nghĩ gì và bình phẩm thế nào về hiện tượng những người đứng đầu Nhà Trắng khi thăm Việt Nam cũng như khi đón các nguyên thủ Việt Nam thăm Mỹ đều “lẩy Kiều”?! Chẳng phải ngẫu nhiên vị đại tướng Mắc-na-ma-ra từng chỉ huy “chiến tranh đặc biệt” ở Việt Nam đã phải thừa nhận trong cuốn hồi ký nhiều trang của ông rằng: “Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại ở Việt Nam là Mỹ đã không hiểu hết sức mạnh văn hóa của Việt Nam!”. Và cũng chẳng ngẫu nhiên khi một chuyên gia bình luận quốc tế có uy tín – ông Gust đã đánh giá vị thế cao của Việt Nam khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Cộng hòa Áo trong các ngày 23-24/7/2023 vừa qua: “Việt Nam và Áo có lợi ích nhất định trong việc duy trì trật tự quốc tế dự trên luật lệ”, rằng “sự ủng hộ ấy không chỉ do mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ, mà còn vì tầm quan trọng địa chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam”…

Mong các ngài “thích nói ngược” hãy suy nghĩ thấu đáo!