• Loading...
 
Cố tình đi ngược lại sự thật nhằm xuyên tạc, chống phá chế độ
Ngày xuất bản: 03/03/2023 7:45:00 SA

Hà Tùng Dương - TCT

Thủ đoạn chống phá của “đám dân chủ” trong và ngoài nước thường là đưa ra những thông tin ly kỳ kiểu “ba thực, bảy hư”. Tức là từ một sự kiện có thật chúng xuyên tạc, bịa đặt, bẻ lái ra hàng chục “thuyết âm mưu” khác nhau. Chẳng hạn như tên DongPhungViet blog nào đó đã trắng trợn bịa ra những thông tin liên quan đến vụ nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xin từ nhiệm. Trong bài viết “Tình nghĩa cộng sản và ‘cao quý’ có …thời” tung trên mạng xã hội mấy ngày gần đây, hắn viết đại khái là nhà nước Việt Nam đã ứng xử “không đẹp” với ông Nguyễn Xuân Phúc và gia đình sau khi ông này từ nhiệm. Sự thực là thế nào?

Trước khi làm Chủ tịch nước hồi tháng 4/2021, ông Nguyễn Xuân Phúc có một nhiệm kỳ làm Thủ tướng từ 2016 đến 2021, được đánh giá “đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng”. Tuy nhiên ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã được phê chuẩn cho thôi nhiệm vụ theo nguyện vọng cá nhân. Ba Bộ trưởng cũng bị đánh giá là có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng là ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế), ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch Hà Nội) và ông Mai Tiến Dũng (nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ). Ông Thanh Long và Ngọc Anh đã bị bắt, ông Dũng bị Ban Bí thư cảnh cáo.

“Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, tôi đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu. Trong cuộc họp Bộ Chính trị, Hội nghị bất thường của Trung ương và phiên họp bất thường của Quốc hội, tôi đã nêu vấn đề này một cách dứt khoát và rõ ràng”, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ trong bài phát biểu chia tay các cán bộ của văn phòng Chủ tịch nước đồng thời bàn giao công việc cho Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Căn cứ quy định của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng, Đảng, Nhà nước đã đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc được thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021- 2026 và thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XV. Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ nhưng hoàn toàn chặt chẽ về mặt quy trình và phù hợp với các quy định của Đảng và Nhà nước. Đây là một minh chứng rõ nét nhất cho nhận định: “Ở Việt Nam, việc đấu tranh chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể họ là ai, đã và đang đảm nhiệm chức vụ gì, dù nghỉ hưu hay đang đương nhiệm, từ Trung ương đến địa phương… là để làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị”.

Việc ông Nguyễn Xuân Phúc và gia đình có dính líu đến “đại án Việt Á” hay không sẽ được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Nhưng việc ông Nguyễn Xuân Phúc chủ động nhận thức được trách nhiệm chính trị của người đứng đầu và xin từ nhiệm được đánh giá là một tư duy mới, một cách làm quyết liệt, rõ ràng, sòng phẳng. Ít nhất là trong môi trường chính trị Việt Nam. Hành động của ông Phúc là đáng ghi nhận khi dũng cảm nhận lỗi trước Đảng trước Nhân dân.

Về phía đại diện của Đảng cũng đã có những phát biểu ghi nhận, đánh giá cao những công lao của ông Nguyễn Xuân Phúc khi còn công tác. Ông Võ Văn Thưởng, thường trực ban bí thư, phát biểu: “Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc là người con của Quảng Nam trung dũng, kiên cường, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. 12 tuổi đồng chí đã thoát ly gia đình lên chiến khu tham gia cách mạng, được Đảng, Bác Hồ đưa ra miền Bắc học tập rồi lại trở về miền Nam công tác. Đồng chí được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao nhiều nhiệm vụ quan trọng…Ở mỗi cấp, mỗi cơ quan, đồng chí luôn được anh em, đồng nghiệp yêu quý, trân trọng bởi sự chân thành, dễ gần, tấm lòng nhiệt huyết và sự quan tâm tới mọi người; bạn bè quốc tế yêu mến, bày tỏ tình cảm thân thiết”. Thường trực Ban Bí thư mong muốn nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với bề dày thực tiễn và kinh nghiệm phong phú của mình tiếp tục có những đóng góp tích cực cho Đảng, cho đất nước, góp ý cho các cán bộ đương chức những ý kiến thẳng thắn, chân tình.

Sau khi từ nhiệm, ông Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện như vào viếng lăng Bác Hồ, gặp mặt các cựu lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ. Ở những sự kiện đó hình ảnh của ông lúc nào cũng xuất hiện trong tâm thế đàng hoàng và có những chia sẻ, góp ý rất đáng quan tâm. Thậm chí một số kẻ chống phá còn xuyên tạc ra những thuyết âm mưu khác khi dù đã từ nhiệm nhưng ông vẫn đứng ở hàng cao nhất trong số các lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào lăng viếng Bác Hồ.

Những chi tiết đó có thể là những minh chứng rõ nét nhất để đánh tan các luận điểm lếu láo của tay DongPhungViet blog nào đó luyên thuyên về cái gọi là “tình nghĩa cộng sản”. Dù không còn tại chức nhưng với kinh nghiệm và thực tế lãnh đạo cộng với trách nhiệm của một Đảng viên ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Vậy đó, chỉ một chuyện như vậy thôi mà những kẻ cơ hội chính trị như DongPhungViet blog vẫn cố tình đi ngược lại sự thật, cố tình thổi phồng, bịa chuyện với mục đích không có gì khác ngoài kích động, chia rẽ nội bộ, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc để chống phá chế độ ta. Những kẻ như DongPhungViet blog đáng bị trừng trị nghiêm theo pháp luật.