Người xưa có câu: “Danh chính ngôn thuận”. Nhưng thực tế có những trường hợp dù “danh” không chính, “ngôn” vẫn tạo được hiệu ứng truyền thông; thậm chí, có những “loạn ngôn” không có tính xây dựng, sai trái, xấu, độc, do chưa kịp thời ngăn chặn, xử lý, đã lây lan và gây tác hại không nhỏ.
Vấn đề xã hội “nổi cộm” hiện nay là, trên các nền tảng truyền thông mới, không ít người huyễn hoặc, ảo tưởng, cuồng vọng, tự phong mình là những người “có sức ảnh hưởng trong cộng đồng”, tùy tiện bình phẩm, phán xét về người khác và các vấn đề xã hội. Nực cười hơn, có những kẻ với tư tưởng chống đối, thù địch, tự may vá cho mình cái áo “đại diện của dân chủ, nhân quyền”(?!) để truyền bá thông tin xấu, độc; dù chẳng đại diện cho bất cứ nhóm, tầng lớp xã hội nào, nhưng vẫn thao thao bất tuyệt phán xét, nói xấu nhân dân, đất nước Việt Nam. Cùng với đó, là tình trạng tin giả (fakenews) nở rộ. Điểm chung của mấy hiện tượng này là: Lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của một “không gian xã hội mới”, thực - ảo lẫn lộn, cùng với việc luật pháp có thể còn chưa kín kẽ, có thể có lúc còn xử lý duy tình; bất chấp hành vi phản cảm, phản văn hóa, coi “tai tiếng” là nổi tiếng; không ít kẻ có động cơ ẩn sau là những toan tính, âm mưu thấp hèn, phản động,...
Nhưng tình trạng không tuân thủ kỷ luật phát ngôn, dù mức độ nguy hiểm tức thì có thể không lớn, không nóng, không rõ như những trường hợp trên, song lại là mối họa âm ỉ từ bên trong, nếu kéo dài có thể gây ra hậu quả khôn lường.
Vẫn có những câu chuyện rằng: Có người khi muốn nâng đỡ, tán dương hoặc hạ bệ, “đánh” ai đó, thường mượn danh tập thể, với những nhận xét mang “vỏ bọc” tập thể, như “chúng tôi nhận thấy”, “dư luận cho rằng”,... Khi có “bổng lộc”, “mồi ngon” thì cá nhân tự quyết, nhưng nếu gặp vấn đề khó khăn, phức tạp lại “đặt lời vào mồm người” để nếu rủi ro thì dễ dàng né tránh. Một số người tùy tiện phát ngôn về các vấn đề chẳng phải trách nhiệm của mình; lại có người, dù có quyền và trách nhiệm phát ngôn, nhưng thường “mũ ni che tai”, “im lặng là vàng”. Vẫn còn những biểu hiện của việc thấy đúng không lên tiếng bảo vệ; thấy sai không lên tiếng đấu tranh,... Ở chiều nhận: Có người ít tiếp nhận thông tin chính thống của những người chịu trách nhiệm phát ngôn, mà lựa chọn các nguồn khác, kể cả “thông tấn xã vỉa hè”; không lắng nghe, tìm hiểu số đông mà chỉ nghe những người lân la tìm đến mình để “nhỏ to tâm sự”; thích nghe những gì “giật gân”, “sốc”, “lề trái”;... Có cả việc buông lỏng quản lý, kiểm soát, khiến lời đồn lan truyền trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng, để đến khi mọi việc sáng tỏ thì sự đã rồi.
Đáng lẽ, chỉ cần nhận thức rõ: danh không chính - ngôn không thuận, thì tất cả những hiện tượng trên sẽ khó xảy ra, hoặc không thể lan rộng. Điều canh cánh là: không phải tất cả chúng ta đều có tâm thế không tin những loại người, loại phát ngôn không chính danh. Vẫn có người nhẹ dạ cả tin; có người nhận thức “chưa tới”; có nhiều người thích nghe những cái khác lạ, thậm chí sai trái với thực tế cuộc sống; có cả người tự đưa chân vào bẫy rồi lu loa mình là nạn nhân của truyền thông “bẩn”, thông tin xấu, độc,... Tư tưởng, nhận thức của chính một bộ phận chúng ta tạo ra mảnh đất dung dưỡng hiện tượng danh không chính mà ngôn như vẫn thuận(?!).
Hiện nay, một yêu cầu thân thuộc, giản dị mà rất nghiêm khắc, của người đứng đầu Đảng ta là: mỗi cá nhân, đơn vị, tổ chức phải “đúng vai, thuộc bài”. Đồng thời, mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên, cần có trách nhiệm trong kỷ luật phát ngôn, quyền phát ngôn và lương tâm phát ngôn. Quy chế, quy tắc ứng xử, hệ thống quy định về kỷ luật phát ngôn đã được ban hành. Quyền, trách nhiệm, kỷ luật phát ngôn có thể được điều chỉnh, định hướng bởi một đội ngũ cán bộ, đảng viên thực tài, thực đức, sẵn sàng nêu gương. Tuy nhiên, việc thực hiện “danh chính ngôn thuận” trong một xã hội dân chủ, văn minh chỉ thành công trên cơ sở đồng thuận, trí tuệ mỗi người và toàn cộng đồng, cùng với tinh thần “thượng tôn pháp luật”./.