• Loading...
 
Không phải là “thanh trừng” Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam
Ngày xuất bản: 12/01/2023 8:00:00 SA

Bài viết “Chung quanh vụ thanh trừng Phạm Bình Minh – Vũ Đức Đam” đăng trên Bureau CTM Media – Âu Châu của Hiếu Chân và bài viết “Chuyện thanh trừng nội bộ” của Lâm Bình Duy Nhiên đăng trên Viettan.Org cùng ngày 1/1/2023 thật ra chỉ là những suy diễn và xuyên tạc bản chất vấn đề Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII theo kết quả biểu quyết tại phiên họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 30/12/2022.

Điểm mới trong công tác cán bộ

Trước hết, cần phải khẳng định với Hiếu Chân và Lâm Bình Duy Nhiên rằng, trong Đảng Cộng sản Việt Nam không có chuyện thanh trừng nội bộ, càng không có chuyện đấu đá nội bộ hay việc thực hiện công tác cán bộ phải tuân theo ý kiến chỉ đao của “một nước ngoài” nào đó.

Thực tế cho thấy rằng, là năm thứ hai cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, một trong những dấu ấn nổi bật trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng của năm 2022 chính là việc Đảng đã kịp thời ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết quan trọng, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra và nhanh chóng triển khai trong thực tiễn. Năm 2022 là năm lần đầu tiên tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Ban chấp hành Trung ương đã cho thôi tham gia Ban Chấp hành đối với 3 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đương nhiệm (do bị kỷ luật, cảnh cáo, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút), mà không chờ hết nhiệm kỳ hay thời hạn bổ nhiệm. Gần đây nhất, ngày 30/12/2022 vừa qua, tại kỳ họp bất thường, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã biểu quyết, thống nhất để ông Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, ông Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Thứ hai, những sự kiện này chính là dấu ấn đặc biệt, có tính đột phá trong công tác cán bộ đúng như Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh: Việc cho thôi chức đối với các cán bộ cấp cao như vừa rồi là bước tiến rất lớn trong công tác cán bộ; không chỉ đảm bảo đúng phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra” trong công tác cán bộ, mà còn cho thấy đó là một xu hướng tốt trong quá trình xây kết hợp với chống, vừa xây vừa chống nhuần nhuyễn để làm cho Đảng mạnh hơn. Và đó cũng chính là hiện thực hóa Thông báo kết luận số 20-TB/TW ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, để “từ chức” dần trở thành một lựa chọn trong sự nghiệp của mỗi cá nhân khi đã có những hạn chế, khuyết điểm (thậm chí là cả đối với những người thấy mình không còn phù hợp với vị trí công tác được đảm nhiệm…).

Sự thật là vậy, chứ không phải việc cho “thôi chức” và sau đó là tại kỳ họp bất thường diễn ra vào chiều 5/1/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 (Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam) theo nguyện vọng của cá nhân là “sự thanh trừng nội bộ”. Đồng thời, sự miễn nhiệm này càng không phải “là kết quả một vụ tranh chấp phe nhóm trong nội bộ hay có bàn tay của ông bạn “bốn tốt 16 chữ vàng” nhằm lũng đoạn chính trường Việt Nam” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch nói chung, của Hiếu Chân và Lâm Bình Duy Nhiên nói riêng.

Không thể mượn cớ để quy chụp

Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực gắn liền với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng và những kết quả trong đấu tranh chống tham nhũng là không thể phủ nhận. Do đó, việc cho rằng “chống tham nhũng, đốt lò chỉ là những khẩu hiệu rỗng tuếch, những chiêu bài để triệt hạ lẫn nhau mà vụ thanh trừng Minh và Đam là trường hợp mới nhất” chỉ là sự xuyên tạc của các phần tử cơ hội, phản động, thù địch. Đảng là một khối thống nhất trong nhận thức, ý chí và hành động, nên ở đó không có sự “triệt hạ lẫn nhau”, cũng không có “sự thanh trừng nội bộ”, mà là mọi cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát, tuân thủ Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, Hiến pháp, pháp luật để hoàn thành nhiệm vụ của mình. 

Thực tế, không phải do Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo nên mới có tham ô, tham nhũng và sự thật là đại đa số cán bộ, đảng viên của Đảng đều luôn nỗ lực tu dưỡng về đạo đức cách mạng và phấn đấu để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cũng còn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… và đó là những cành cây sâu mọt trong một rừng cây tươi tốt, chứ sự thật không phải là “tìm được một quan chức trong sạch trong đảng cộng sản có khi còn khó hơn tìm kim đáy bể” như sự xuyên tạc và bịa đặt trong hai bài viết này.

Không dừng ở đó, để bôi đen chế độ, xuyên tạc bản chất cuộc đấu tranh chống tham nhũng và công tác xây dựng Đảng, Lâm Bình Duy Nhiên đã suy diễn rằng “thực chất là hai ông đã bị Bộ Chính trị thanh trừng”; còn Hiếu Chân thì phản động chụp mũ rằng “môi trường độc tài độc đảng của Việt Nam có tác dụng làm biến chất, tha hóa con người rất kinh khủng, người thiện lương không tồn tại được trong thể chế độc hại đó”. Thực tế là, việc vu khống rằng “trong 18 ông bà ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 của đảng CSVN hiện nay, người nào không tham nhũng, không lợi dụng chức quyền để trục lợi?” và cho rằng “vô số vụ tham nhũng lớn khác” vẫn được Đảng “bao che cho nhau, thỏa hiệp với nhau để duy trì ách thống trị trên đầu trên cổ gần một trăm triệu dân” của Hiếu Chân chính là sự bịa đặt, bôi xấu cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và bôi đen chế độ.

Vì thế, có thể khẳng định rằng: Những nhận định mang tính suy diễn, quy chụp, bôi đen sự thật trong hai bài nêu trên của Hiếu Chân và Lâm Bình Duy Nhiên đều là phản động. Đặc biệt, việc mượn sự kiện liên quan đến công tác cán bộ nêu trên để tung những thông tin xấu độc, những nhận định mang tính suy diễn, xuyên tạc như: “liệu Minh và Đam đã là “trùm cuối” của các vụ án này hay chưa, lý do chính xác của vụ thanh trừng hai ông này là gì” hay “chung quy lại là ở thể chế độc tài. Thay đổi các cá nhân mà thể chế cộng sản vẫn giữ nguyên thì không làm cho đất nước tiến bộ hơn mà có khả năng tạo ra thêm mầm mống cho các cuộc thanh trừng tương lai” và thậm chí là “sau Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam hẳn sẽ có thêm nhiều cán bộ cao cấp khác của đảng CSVN biến thành “củi””… ẩn giấu phía sau nó là sự kích động, gây tâm lý bất an trong xã hội; là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm vu khống và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

Vì thế, mọi cán bộ, đảng viên và người dân đều phải cảnh giác với những luận điệu phản động nêu trên; đều phải chủ động đấu tranh và bác bỏ sự vu khống cho rằng công tác cán bộ của Đảng chính là “cuộc thanh trừng của đảng CSVN có bàn tay sắp xếp của Bắc Kinh”. Đặc biệt, phải nhận diện đúng một loại thuyết âm mưu mới của Hiếu Chân khi cho rằng “không có nhiều hy vọng cho đất nước dù năm 2023 đã tới!” và “tương lai đất nước này vẫn sẽ “tối đen như mực, đen như cái tiền đồ” của chị Dậu” của Lâm Bình Duy Nhiên để vững tin trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam!.