Những luận điệu xuyên tạc, phản động của Lê Bá Vận trong bài viết “Tư tưởng Hồ Chí Minh ra đười là một kỳ tích- Phần II” đăng trên trang quyenduocbiet.com ngày 19/11/2022 và một số trang mạng xã hội khác về bản chất cũng chỉ là sự suy diễn mông muội, thiển cận từ sự cắt cúp theo chủ ý để phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi nhọ đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Trước hết, cần phải khẳng định với Lê Bá Vận rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, luôn thống nhất giữa nói và làm
Người không bàn nhiều về lý luận chung chung, mà tập trung bàn và đưa lý luận vào thực tế cuộc sống để giải quyết thành công những vấn đề dân tộc Việt Nam cần, nhân dân Việt Nam cần. Đó là sự vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để thành lập, xây dựng và chỉnh đốn Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh xứng đáng với vị thế tiền phong, lãnh đạo; là xây dựng và tổ chức hoạt động Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân để chăm lo, phụng sự nhân dân; là xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân…) trung với Đảng, hiếu với nhân dân…
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu có chọn lọc các yếu tố tích cực, tinh hoa văn hóa nhân loại và lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin để làm giàu và xây dựng một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về con đường cách mạng Việt Nam, mà còn phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam để đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Điều này đúng như tinh thần “học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội… Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”[1] mà Người từng nhấn mạnh.
Thực tế là minh chứng cho thấy tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành, bổ sung và phát triển phù hợp tiến trình cách mạng Việt Nam; đáp ứng yêu cầu của cách mạng Việt Nam và được khẳng định tại Đại hội IX của Đảng (2001), đó là: Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…
Do đó, việc Lê Bá Vận trích dẫn một vài câu nói trong phần “tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê qua các danh ngôn”, để rồi cho rằng: “HCM không viết luận văn, luận thuyết. Các lãnh đạo cộng sản: Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông ngược lại trước tác nhiều công trình đồ sộ về các chủ đề này. Họ là những nhà tư tưởng lớn, độc đáo. Có sự cách biệt rõ giữa họ và Chủ tịch HCM” thật ngớ ngẩn. Vì rằng, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh là không thể phủ nhận, bởi cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng và là kim chỉ nam cho hành động của Đảng!
Thứ hai, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là cần thiết, quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn 50 năm, song cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn luôn là tài sản tinh thần to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Một Hồ Chí Minh luôn hết lòng yêu thương nhân dân, vì Tổ quốc và nhân dân phụng sự với tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn sống một cuộc đời thanh bach, chẳng vàng son, không có gia tài riêng… sống mãi trong tâm khảm của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế; song lại luôn bị những đối tượng phản động như Lê Bá Vận suy diễn, bịa đặt, vu khống, bôi nhọ.
Tuy nhiên, đã là vầng thái dương thì luôn sáng tỏ! Bất chấp mọi sự bẻ cong hay bôi đen thì Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là Người sống bình dị chứ không phải “tiết kiệm trở nên tằn tiện bất thường” như Lê Bá Vận chụp mũ. Những sự kiện như: bữa cơm dưa cà và chút thịt cá thường ngày; đôi hòn đá để tập tay được Người dùng qua nhiều thời kỳ; việc Người không hề giấu chuyện không có gia đình riêng của mình; cũng đã chân thành nhận khuyết điểm của mình và Chính phủ trước những vấn đề còn tồn tại trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất những năm 1954-1956 ở miền Bắc; cũng cho rằng mình hút thuốc lá là không tốt và khuyên mọi người không nên hút thuốc có hai cho sức khỏe hay việc Người sang Trung Quốc chữa bệnh… đều là sự thật. Và sự thật này đã được đăng tải công khai trong các công trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nên kiểu thô thiển trong suy nghĩ và nói lấy được của Lê Bá Vận rằng “về đạo đức Chủ tịch HCM có mặt tốt, mặt xấu”, để cho rằng “CS lại không hở môi về các mặt tiêu cực” của Người là cố tình kích động nhằm bẻ cong sự thật.
Hơn nữa, việc Lê Bá Vận dẫn sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn ông Suzuki Toshiichi, phóng viên thông tin hãng thông tấn truyền hình Nhật Bản Nihon Denpa News (NDN) đầu tháng 4/1966 với những bình luận suy diễn không thiện chí, thậm chí là chế giễu, bịa đặt, quy chụp để nhằm hạ bệ “thần tượng” Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn là một chiêu trò không mới. Chỉ là, việc viện dẫn sự kiện này của Lê Bá Vận để kết luận Người là “thế gian tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, HCM là vị nguyên thủ quốc gia mà cũng là người phàm trần duy nhất, khi được hỏi phỏng vấn, thay vì trao đổi trực tiếp, đã cầm giấy để đọc lên những câu trả lời được chép sẵn” thì thật phẫn nộ!.
Bản lĩnh, trí tuệ, nhân cách Hồ Chí Minh… và nghệ thuật ứng xử của Nhà văn hóa kiệt xuất được UNESCO vinh danh như thế nào thì không cần và không phải chờ Lê Bá Vận kích động để gây rối. Nói về Người, Báo Chiến sĩ – Cơ quan Trung ương của Mặt trận giải phóng dân tộc Angiêri, số ra ngày 5/9/1969 trong bài viết “Người sẽ còn sống mãi” đã khẳng định: “Những kẻ thù xấu xa nhất cũng bắt buộc phải tôn trọng Người. Những nhà văn, nhà báo dù có ác ý nhất cũng không thể tìm thấy một chút thiếu sót nhỏ nhặt nào trong cuộc đời gần 80 năm của Người. Đây cũng là một trong những bài học mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: người ta không thể là nhà cách mạng trong những việc lớn mà lại thiếu sót trong những việc nhỏ”[2].
Thế nên, cái sự hiểu biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Lê Bá Vận chỉ đạt đến tầm thô sơ như vậy, thì Vận tư cách gì mà cho rằng “nghĩ lại, học vấn chính qui của HCM về văn hóa chỉ ngang cấp tiểu học, về chính trị thì sơ bộ tại trường Lao động Đông phương của QTCS, sở tri còn hạn hẹp”. Đọc vài luận điệu này, người ta sẽ hiểu được ngay đằng sau sự suy diễn, bịa đặt này là gì? Đó là âm mưu phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh “về tư tưởng thì Bác chỉ có tư tưởng Mác-Lê chí cương và bá đạo mà Bác là đệ tử kiên cường”; là bôi nhọ đạo đức, phong cách của Người; là Bác “có lúc được khen ngợi là thấy sống tằn tiện chứ không phải là vĩ nhân văn hóa, trí tuệ siêu phàm, thần thánh phương nào cả”; là xuyên tạc việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” khi cho rằng “giảng dạy đạo đức, phong cách chắc chắn không phải là công việc của một chính phủ dân cử” và “chỉ độc nhất ở nước Việt Nam CNXH toàn đảng… toàn dân đã phải học tập tư tưởng và nhất là đạo đức, phong cách của vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu! Nhưng chắc rằng họ cũng chẳng học được gì từ lãnh đạo cầm giấy đọc để trả lời phỏng vấn”…
Cuối cùng thì, dù những người như Lê Bá Vận điên cuồng xuyên tạc và phủ nhận thì việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị trong từng cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị vẫn ngày càng đi vào thực chất, trở thành nhu cầu tự thân, góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa./.