• Loading...
 
Không thể xuyên tạc Nghị quyết số 21-NQ/TW
Ngày xuất bản: 12/09/2022 10:32:00 SA

 Bài viết “Đỏ hóa Việt Nam” của Vũ Ngọc Mai trên RFA, ngày 30/7/2022 là sự xuyên tạc Nghị quyết số 21-NQ/TW “về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” (Nghị quyết 21) ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương. Với những luận điệu suy diễn, xuyên tạc trong bài viết này, cần phải khẳng định rằng:

Một là, việc ban hành Nghị quyết 21 là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chứ không phải vì có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, phạm vào tham ô, tham nhũng bị xử lý theo pháp luật/phải“vào lò” nên Đảng mới ban hành Nghị quyết quan trọng này. Những nội dung quan trọng của Nghị quyết 21 cho thấy việc đánh giá đúng những ưu điểm, hạn chế của đội ngũ đảng viên, để từ đó đưa ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

 

Trên cơ sở nhận thức rõ vị trí, vai trò của đảng viên, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định rõ: Đảng viên “là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân”. Đồng thời, chú trọng và công tác xây dựng, phát triển đội ngũ đảng viên của Đảng, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng nhấn mạnh: “Công tác phát triển đảng viên được chú trọng; số lượng đảng viên nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo, chủ doanh nghiệp tư nhân tăng; chất lượng đội ngũ đảng viên chuyển biến tích cực, trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị được nâng cao hơn… Phần lớn đội ngũ đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình, tiên phong, gương mẫu, xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân”…

Cùng với đó, công tác xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và những kết quả đạt được đã góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Tổ chức cơ sở đảng từng bước được củng cố, kiện toàn, sắp xếp phù hợp; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy cơ sở được quan tâm; công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được đẩy mạnh; công tác phát triển đảng viên được chú trọng… Vai trò của đảng viên là rất quan trọng, song không có nghĩa là phấn đấu vào Đảng là chỉ để làm lãnh đạo, chỉ để tham nhũng như Vũ Ngọc Mai xuyên tạc!

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng, Đảng nhận thấy rõ công tác phát triển đảng viên ở một số nơi còn chạy theo số lượng; chưa quan tâm công tác giáo dục lý tưởng cách mạng và rèn luyện, thử thách đối với quần chúng phấn đấu vào Đảng… Trong khi đó, năng lực, trình độ của một bộ phận đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Một bộ phận đảng viên phai nhạt lý tưởng, thiếu bản lĩnh chính trị, tự phê bình và phê bình yếu; chưa gương mẫu, chạy theo lối sống thực dụng, đã suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật…

Vì thế, từ những kết quả đạt được và hạn chế cần phải khắc phục, Nghị quyết 21 ra đời nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; đồng thời, xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy đủ năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị và nâng cao chất lượng phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đây mới là sự thật,  chứ không phải Nghị quyết 21 ra đời là vì “giai đoạn mới”, vì “là điểm “vào lò”” của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái vì tham ô, tham nhũng, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật như Vũ Ngọc Mai đã suy diễn và nhận định không khách quan.

Hai là, việc ban hành Nghị quyết 21 không phải là nhằm “Đỏ hóa Việt Nam” và “nếu mỗi đảng viên là một chấm đỏ” và Nghị quyết 21 được thực hiện “thì gần như toàn bộ Việt Nam sẽ đỏ chon chót… và đỏ lan sang cả nước ngoài” như Vũ Ngọc Mai kích động, mà bản chất của vấn đề  là Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực hiện phương châm “ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”. Phương châm này không chỉ khẳng định vị trí, vai trò của cán bộ, đảng viên là cầu nối giữa Đảng và nhân dân; cán bộ, đảng viên phải luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, mà đội ngũ đảng viên còn “là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng”. Cho nên, việc không để địa bàn trắng đảng viên, chú trọng công tác phát triển đảng viên đi liền với tăng cường, củng cố tổ chức cơ sở đảng luôn là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Hơn nữa, đấu tranh chống tham nhũng được đẩy mạnh thời gian qua đã góp phần làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị. Cuộc đấu tranh này cam go, quyết liệt, không ngừng, không nghỉ này ngoài việc đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách, xử lý bằng sự nghiêm minh của pháp luật…, thì mục đích nhân văn chính là nhằm cảnh tỉnh, ngăn chặn để cán bộ, đảng viên không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng. Vì thế, việc quy kết “đảng viên muốn tham nhũng thì phải làm lãnh đạo” như Vũ Ngọc Mai diễn giải theo chủ kiến cá nhân về sự ra đời của Nghị quyết 21 là phản động.

Đặc biệt, những nội dung quan trọng về việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; đổi mới, hoàn thiện tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng; nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên gắn với đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên; thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng… chính là  yêu cầu và tuân theo tính Đảng, kỷ luật của Đảng Một Đảng Mácxít – Lêninnít. Chứ tuyệt nhiên đó không phải là “mục tiêu mơ mộng, không tưởng và trái quy luật vận động của xã hội nhất” như Vũ Ngọc Mai cắt cúp, suy diễn, kích động.

Đảng là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc và điều này được khẳng định trong Hiến pháp, nên luận điệu cố tình gây rối “một tổ chức đảng cũng chỉ là một nhóm người có cùng ý nguyện và mục đích. Họ không thể đại diện cho tất cả nhân dân, cho cả đất nước, lại càng không thể “cài” người của mình vào mọi tổ chức, doanh nghiệp để định hướng và lãnh đạo người ta” của Vũ Ngọc Mai là chủ ý nhằm chống phá Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Hơn nữa mẹ đẻ của tham nhũng là quyền lực, chứ không phải “mẹ đẻ của tệ nạn tham nhũng chính là toàn bộ cái cơ chế hiện hành” ở Việt Nam, nên không thể nói chủ trương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đẩy mạnh chống tham nhũng “bề ngoài thật mãnh liệt, nhưng bên trong thì thật đáng thương” như Vũ Ngọc Mai quy kết ngớ ngẩn.

Hơn nữa, không phải chỉ khi có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái sa vào vòng lao lý thì công tác tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên mới được chú trọng. Mà mấu chốt chính là, nội dung toàn diện của Nghị quyết 21 có mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030; có các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được triển khai toàn diện, đồng bộ sẽ góp phần khắc phục những hạn chế để nâng cao chất lượng công tác quan trọng này và việc đưa Nghị quyết 21 vào cuộc sống sẽ được triển khai từ Trung ương đến địa phương, trong cả hệ thống chính trị. Vì thế, tính khả thi của Nghị quyết này là không thể phủ nhận, chứ không phải như Vũ Ngọc Mai cho rằng Nghị quyết này “mục đích thì tốt quá”, song vì đó là “sản phẩm” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với “phong cách nói vần ca dao tục ngữ.. và nhất là các giải pháp đậm màu đạo đức lương tâm”, nên nó “cũng không tưởng như lý thuyết Chủ nghĩa xã hội”.

Cuối cùng, mỗi cấp ủy, cán bộ, đảng viên và người dân đều cần phải nhìn rõ dã tâm thâm độc của Vũ Ngọc Mai trong việc xuyên tạc nội dung, mục đích và ý nghĩa của Nghị quyết 21. Việc bôi đen sự thật về cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam, để từ đó bôi xấu đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng “không ăn hối lộ, không tham nhũng thì cạp đất mà ăn à?” chính là nhằm chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chống phá chế độ nói chung, nói xấu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng./.