Thấy khách tới chơi, cụ Đích đon đả: "Ngồi uống nước đi để tôi vào lấy Huy hiệu Chiến thắng Điện Biên và cái ca "Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”. Toàn kỷ vật 70 năm đấy!”. Cụ là Nguyễn Văn Đích ở xóm Soi, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái - người cựu chiến binh chống Pháp năm nay đã ngoài 90 tuổi, vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn kể về những tháng năm lịch sử hào hùng.
"Tôi sinh năm 1933. Dòng họ nhà tôi sống nhiều đời trên mảnh đất Giới Phiên này. Cuộc đời binh nghiệp và chuyện chiến đấu của tôi thì dài lắm, kể sao cho hết. Xin kể lại những câu chuyện ấn tượng nhất, đáng nhớ nhất thôi nhé!”.
Rồi cụ Đích đưa chúng tôi về những năm 50 của thế kỷ trước: "Năm 1951, chưa đầy 18 tuổi, tôi vào bộ đội, đóng quân ở Cầu Hai - Trạm Thản, Phú Thọ, trực tiếp tham gia nhiều trận phá đồn, diệt Pháp ở Yên Bái, Lào Cai, Sơn La và Phú Thọ; trong đó, có những trận hết sức ác liệt dọc tuyến đường từ Phú Thọ đi Đoan Hùng, trận đánh mà đồng chí Cù Chính Lan dùng lựu đạn phá tan xe tăng địch. Cù Chính Lan hy sinh. Anh là một trong 7 chiến sĩ đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Sang năm 1953, chiến sĩ Nguyễn Văn Đích cùng với đồng đội được bổ sung về Sư đoàn 308, E102, D54, C271, đóng quân tại Bờ Đậu, Đại Từ, Thái Nguyên. Khi Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, cả đơn vị tạm biệt Việt Bắc, hành quân lên Tây Bắc, qua đèo Khế, Bình Ca, sang Tuyên Quang, Yên Bái hành quân bằng đôi chân mang dép lốp; trên vai trĩu nặng bởi súng, đạn, lương thực và tư trang.
"Tới bến Âu Lâu, màn đêm đã buông xuống, cả đơn vị vượt sông bằng thuyền nan của anh chị em dân công. Khi đơn vị tập kết dưới bóng tre thuộc làng Cửa Ngòi để nghỉ ngơi, tôi được chỉ huy cho phép về thăm nhà. Đây là lần đầu tiên tôi được về thăm gia đình sau mấy năm đi chiến đấu nên sung sướng lắm! Chạy bộ từ Âu Lâu về Giới Phiên quãng đường mấy cây số, qua bãi lúa, ruộng ngô, lội qua ngòi Lâu nước sâu ngập đầu người, về nhà chào thầy mẹ, uống bát nước rồi quay lại đơn vị luôn, thế mà không thấy mệt!” - ông Đích nhớ lại những ngày tháng cách đây gần 2/3 thế kỷ.
Rồi đơn vị tiếp tục hành quân vào Ba Khe, qua đèo Lũng Lô lên Quang Huy, Tuần Giáo, Mộc Châu, Nà Sản… Đêm đi, ngày nghỉ dưới tán rừng, bộ đội chủ lực đồng hành với bộ đội địa phương và những đoàn xe thồ của dân công hỏa tuyến. Lên đến Điện Biên, Sư đoàn 308 được lệnh tiến quân sang Lào để giúp bạn đánh địch, từ Mường Khoa, Mường Sài, Phông Xa Lì đến Nậm Hu, cuối cùng là Sầm Nưa…
Quân ta đi tới đâu là địch bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh tới đó. Ngày 18/2/1954, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 được lệnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, trực tiếp đánh đồi A1. Đây là điểm cao, là căn cứ quan trọng và khó đánh chiếm nhất tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
"Chiếm được đồi A1, khống chế được cánh đồng Mường Thanh, yếu tố quyết định để bắt sống tướng Đờ-Cát, công đầu thuộc về Sư đoàn 308. Song, để có được thắng lợi ấy, mất mát, hy sinh rất lớn. Riêng Sư 308, chỉ sau 3 ngày đã mất đến 800 anh em. Tôi ước ao được một lần nữa quay trở lại chiến trường xưa, để thắp cho đồng đội nén hương” - cụ Đích nói trong nghẹn ngào, dòng lệ trắng đục đã lăn trên khuôn mặt đã hằn nếp thời gian.
Thoang thoảng mùi mộc hương trong gió xuân, tiếng gà gáy trưa phá tan bầu không khí tĩnh lặng, sau giây phút bồi hồi, xúc động, cụ Đích hồ hởi trở lại khi kể về ngày chiến thắng, khi tướng Pháp và đám binh lính ra hàng, lòng chảo Mường Thanh, Điện Biên vang lời ca, tiếng hát của bộ đội, dân công và đồng bào các dân tộc. Chiến sĩ Nguyễn Văn Đích được trao tặng giấy khen, Huy hiệu và chiếc ca uống nước mang dòng chữ "Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”. Đó là những kỷ vật vô giá của người lính Điện Biên.
Khói lửa trên chiến trường Điện Biên còn chưa tắt, đồng chí Nguyễn Văn Đích cùng đồng đội nhận lệnh hành quân gấp về Bắc Giang để đánh địch. Nhận lệnh, cả Trung đoàn 102 cùng hành quân trên tuyến đường mới hôm nào đã đi qua, từ Nà Sản, Mộc Châu, Lũng Lô, Ba Khe rồi qua bến Âu Lâu - Yên Bái để sang Tuyên Quang, đèo Khế, Thái Nguyên, trước khi về đánh địch Cầu Lồ - Bắc Giang, Pháp đã thua ở Điện Biên như thế và lực của chúng còn mạnh, tới ngày 20/7/1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chúng mới thực sự buông súng, xuống tàu, về Pháp.
"Hành quân gấp quá, lần thứ hai qua bến Âu Lâu mà tôi không được về thăm nhà. Biên mấy chữ nhờ bác lái đò gửi cho gia đình. Biết vợ sẽ buồn và giận tôi lắm nhưng yêu cầu nhiệm vụ, không thể khác được” - ông lão cười hóm hỉnh.
Dẹp xong địch ở Bắc Giang, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 tiến qua ô Cầu Giấy vào tiếp quản thủ đô đúng ngày 10/10/1954 trong niềm vui chiến thắng.
Tại sân bay Bạch Mai, đồng chí Nguyễn Văn Đích và đồng đội vinh dự được gặp Bác Hồ kính yêu. Tiếp đó, trong buổi mít tinh đón chào Hồ Chủ tịch và Chính phủ về Hà Nội ngày 1/1/1955, đồng chí Nguyễn Văn Đích là 1 trong số 100 chiến sĩ đứng trong đội hình danh dự.
"Còn nhiều chuyện chiến đấu, hy sinh, gian khổ nhưng cũng vẻ vang của đời lính mà tôi không thể kể hết; giờ về nghỉ chỉ biết: Phát huy truyền thống anh hùng năm xưa/Khuyên con, dạy cháu sớm trưa/Tấm gương người lính Bác Hồ sáng trong”.