Say mê, trân quý những giá trị văn hóa truyền thống, nghệ nhân Hà Văn Nguyện ở thôn Kiên Lao, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên luôn đau đáu một nỗi niềm trăn trở về việc bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Tày.
Với năng khiếu trời cho, ông Nguyện không chỉ giỏi hát then, sưu tầm các bài cúng, bài thơ nôm, các điệu múa mà còn có khả năng chế tác ra những cây đàn tính. Từ hàng chục năm nay, ông làm ra hàng trăm cây đàn và đưa đến nhưng người yêu thích nó. Ông Nguyện chia sẻ: "Bây giờ, ít người biết và quan tâm tới nhạc cụ dân tộc. Tôi muốn giữ gìn điều gì đó cho con cháu sau này nên chọn cách chế tạo đàn tính và truyền dạy lại cho những người yêu thích nó. Sau khi thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật truyền thống xã Kiên Thành, tôi đã làm đủ cho các thành viên mỗi người có một cây đàn tính”.
Theo ông Nguyện, từ xưa cách mà các cụ lên dây đàn tính gọi nôm na một là dây "tồng” và một dây "tiên”, việc học sẽ rất khó và mất rất nhiều thời gian. Do học đàn tính từ nhỏ và được học thêm đàn ghi-ta sau này nên ông đã áp dụng các cao độ của cây đàn tính so với nốt bấm trên đàn ghi-ta và đặt vị trí tên các nốt trên từng cung bậc đàn tính để mọi người dễ học, dễ nhớ và các bài đàn tính cũng được ứng dụng theo đó. Trò chuyện cùng ông Nguyện được biết, điều quan trọng nhất của cây đàn tính chính là cần đàn. Tuy rất đơn giản, thô sơ nhưng loại gỗ được chọn phải là loại gỗ nhẹ như cây thừng mực.
Tuy nhiên hiện nay, do khan hiếm nên ông thường lấy lõi cây quế để làm và điều quan trọng là cần đàn phải thẳng, không được cong, vênh. Một bộ phận khác không kém phần quan trọng chính là bầu đàn. Bầu đàn là những quả bầu già, hình dáng bên ngoài tròn đẹp, quả bầu không quá to, cũng không quá nhỏ, miệng phải tròn, vỏ dày, gõ vào phải kêu đanh, như thế đàn mới có âm sắc chuẩn.
"Nhiều người rất lo bản sắc văn hóa của người Tày không được gìn giữ nhưng bây giờ nhiều người thích hát then, đàn tính kể cả các em học sinh. Từ khi hát then, đàn tính được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại đã động viên tôi tiếp tục công việc gìn giữ, truyền dạy cho mọi người” - ông Nguyện bộc bạch.
Hiện nay, nghệ nhân Hà Văn Nguyện làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật truyền thống xã Kiên Thành. Được biết, từ khi thành lập CLB đến nay, ông đã truyền dạy nghệ thuật hát Then đàn tính cho 3 lớp với gần 60 học viên từ các em học sinh đến những người trên 50 tuổi. Mỗi lớp có thời gian học khoảng trên 3 tháng. Đặc biệt, năm 2023, ông tự đứng ra vận động mở lớp dạy hát then, đàn tính, hát nôm, các điệu múa, điệu dậm với gần 20 học viên.
Ông Phạm Huy Mai - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trấn Yên cho biết: "Huyện hiện có 12 người được phong tặng nghệ nhân. Trong đó, 2 nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng và 10 nghệ nhân văn hóa phi vật thể được tỉnh Yên Bái công nhận. Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo và có nhiều giải pháp để bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn thông qua việc thành lập các CLB. Qua đó, khai thác giá trị văn hóa truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương. Ông Hà Văn Nguyện là một trong số các nghệ nhân tiêu biểu của huyện và có đóng góp tích cực trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc Tày tại xã Kiên Thành nhiều năm qua”.
Với những người đang miệt mài giữ hồn dân tộc như nghệ nhân Hà Văn Nguyện, giữ hồn dân tộc không phải chỉ vì tình yêu, tâm huyết mà còn là trách nhiệm với cộng đồng để mạch chảy văn hóa truyền thống của người Tày mãi được giữ gìn đến muôn đời sau.