• Loading...
 
Sinh viên Cao đẳng Nghề Yên Bái và sáng tạo thiết bị hỗ trợ nông dân tra hạt rau
Ngày xuất bản: 24/07/2023 10:01:00 SA

Máy tra hạt rau của em Hoàng Thị Liếng – sinh viên Lớp Kế toán Doanh nghiệp A-K30, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã xuất sắc vượt qua 446 hồ sơ dự án của thanh niên trên cả nước, lọt vào top 135 dự án được lựa chọn vào vòng bán kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức.

Xuất phát từ nhu cầu của bà con nông dân nhằm giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân công, nhân lực, em Hoàng Thị Liếng – sinh viên Lớp Kế toán Doanh nghiệp A-K30, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã sáng tạo máy tra hạt rau – một thiết bị tự động phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. 

Dự án này đã xuất sắc vượt qua 446 hồ sơ dự án của thanh niên tại 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước, lọt vào top 135 dự án được lựa chọn vào vòng bán kết của Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức.

Chia sẻ về ý tưởng của mình, em Hoàng Thị Liếng cho biết: "Qua việc nghiên cứu thực tế tại thị trường hiện nay em nhận thấy rằng bà con nhân dân  phải gieo hạt rau thủ công và mất rất nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, em đã  suy nghĩ và tạo ra một sản phẩm là máy tra hạt rau để giúp cho người dân giảm sức lao động, đồng thời giảm chi phí thuê nhân công phục vụ sản suất. 

Máy tra hạt rau hoạt động như một con rô-bốt tự động, tự gắp từng hạt giống đưa vào phễu, sau đó hạt giống tự động rơi và gieo thành hàng. Máy có thể gieo được nhiều loại hạt,từ hạt nhỏ nhất như hạt rau cải hay những loại hạt to hơn như hạt rau muống... Qua đó, giúp việc sản suất nông nghiệp nhanh chóng và đem lại năng suất cao”. 

Để tạo ra máy tra hạt rau, Liếng đã tái tận dụng lại những thiết bị cơ khí đã bỏ đi để tạo ra sản phẩm, vừa giúp giảm lượng rác thải cũng như giảm được giá thành của sản phẩm. Liếng cũng đã sử dụng dụng động cơ điện cùng với hệ thống bánh lò xo di chuyển trên mặt luống, trang bị hệ thống nguồn ATM chống giật kết hợp cùng thiết bị thông minh điều khiển từ xa để người dùng sử dụng yên tâm hơn. 

Cách vận hành máy cũng rất đơn giản: người dùng chỉ cần đọc qua hướng dẫn sử dụng và thực hiện các thao tác đơn giản là máy có thể hoạt động một cách chính xác và hiệu quả. Cụ thể, người dùng chỉ cần đóng hệ thống nguồn ATM chống, ấn nút điều khiển từ xa (start) thì máy sẽ bắt đầu hoạt động với hệ thống động cơ 28W chuyển động. Máy có hệ thống nhông xích giảm tốc giúp hoạt động một cách vừa tầm, an toàn và năng xuất cao. 

Hiện tại, Hoàng Thị Liếng đã hoàn thành dự án cho bà con thử nghiệm và cũng nhận được nhiều sự đóng góp của các hộ gia đình. Liếng cho biết: "Sản phẩm tiện dụng tích hợp nhiều tính năng phục vụ cho sản xuất vì vậy em thấy khả năng ứng dụng và nhân rộng của sản phẩm rất cao. Hiện em đang sản xuất thủ công với giá thành bán ra thị trường là 5 triệu đồng/máy. Nếu sản phẩm của em có thể đưa vào sản xuất hàng loạt với sự hỗ trợ của máy móc thiết bị thì giá thành sẽ giảm so với sản xuất thủ công như hiện tại, phù hợp với giá cả thị trường và đem lại hiệu quả cho người tiêu dùng”.

Xưởng sản xuất của em Hoàng Thị Liếng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng và đã cung cấp được một số sản phẩm ra thị trường, qua đó tạo việc làm cũng như đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. 

Dự định trong thời gian tới của Liếng là sẽ hoàn thiện xưởng sản xuất chuyên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ máy móc phục vụ cho nông nghiệp; tạo dựng được một trang fanpage của xưởng và các thông tin về máy móc phục vụ nông nghiệp. Qua đó, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của xưởng đến khách hàng mục tiêu tại khu vực nông thôn và thành phố Yên Bái. 

Ngoài giá trị về kinh tế, Liếng mong muốn dự án của mình còn mang tới giá trị xã hội như: Tạo ra việc làm cho người lao động, tái sử dụng các thiết bị đã cũ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khơi dậy tính sáng tạo, tư duy đổi mới của người nông dân nhằm nâng cao năng suất lao động…