• Loading...
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật
Ngày xuất bản: 19/08/2019 12:00:00 SA

 Trong kho tàng di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về khoa học và kỹ thuật là khá đậm nét và có giá trị lâu dài, nhất là trong điều kiện đất nước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật VIệt Nam

Hồ Chí Minh đã nhận rõ vai trò của khoa học và kỹ thuật đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) là hết sức quan trọng. Người đã coi khoa học kỹ thuật là một lực lượng sản xuất. Người viết: "Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Nǎng suất lao động còn thấp kém... Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó... Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao nǎng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb CTQG, 1996, tr.77-78). Như vậy, Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định vai trò của khoa học, kỹ thuật đối với sự thắng lợi của CNXH, mà còn chỉ rõ nhiệm vụ và định hướng cho khoa học và kỹ thuật.

Người cho rằng: Khoa học, kỹ thuật không những là lực lượng sản xuất trực tiếp, mà còn là động lực của tiến bộ xã hội. Quan điểm đó của các nhà kinh điển được Hồ Chí Minh lĩnh hội và diễn đạt theo cách nói vừa mang tính lý luận, vừa mang tính phổ cập: "Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận". Cho nên, muốn có tiến bộ, ấm no, hạnh phúc thì phải xây dựng CNXH và phát triển khoa học, kỹ thuật. Người nói: "Cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn liền với sự phát triển khoa học và kỹ thuật, với sự phát triển vǎn hóa của nhân dân"( Sđd, t.9, tr.586). Mối quan hệ biện chứng giữa CNXH và khoa học, kỹ thuật mà Hồ Chí Minh nêu lên chứng tỏ CNXH là môi trường phát triển của khoa học và kỹ thuật, còn khoa học và kỹ thuật lại là động lực đẩy nhanh xã hội lên CNXH. Khoa học, kỹ thuật không những giải phóng con người về mặt cơ bắp, mà còn nâng con người lên về mặt trí tuệ, thúc đẩy vǎn hóa, vǎn minh của nhân loại phát triển. 

Tiếp thu những tư tưởng của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác về khoa học, kỹ thuật, Hồ Chí Minh đã có những lời dạy cụ thể đối với chúng ta. Người nói: "Muốn cải tiến kỹ thuật, phải biết kỹ thuật. Muốn cải tiến tổ chức lao động cũng phải biết phương pháp tổ chức và có kinh nghiệm tổ chức. Về mặt này và mặt kia, hiện nay chúng ta đều còn kém. Cho nên phải "học, học nữa, học mãi" như Lê-nin đã dạy" (Sđd, tr.103). Vấn đề Hồ Chí Minh nói đến ở đây có ý nghĩa khởi xướng cho chủ trương phát triển khoa học, kỹ thuật đi đôi với giáo dục và đào tạo, Người đã chỉ rõ, phải tạo mọi điều kiện cho nhân dân lao động có thể nắm được những hiểu biết khoa học, kỹ thuật, ra sức đào tạo thật nhiều cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý cần thiết cho sản xuất phát triển. Muốn khoa học, kỹ thuật phát triển thì đòi hỏi con người phải có trí tuệ, có trình độ vǎn hóa và tri thức nhất định đủ khả nǎng làm chủ được các phương tiện và quy trình kỹ thuật cũng như có khả nǎng sáng tạo và có những phát minh mới. Người nói: "Máy móc ngày càng tinh xảo, nếu không có trình độ vǎn hóa và kỹ thuật thì không thể điều khiển được. Trước đây làm việc theo lối thủ công, nhưng bây giờ làm bằng máy móc tinh xảo cả, nên việc học tập vǎn hóa, nâng cao trình độ kỹ thuật là rất cần thiết" (Sđd, tr.50). Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng, chỉ cần chúng ta có đầy đủ ý thức làm chủ, tinh thần tập thể, kỷ luật và ra sức học tập, nâng cao trình độ vǎn hóa, kỹ thuật, có tinh thần sáng tạo, tìm tòi cái mới, học tập cái mới, ủng hộ cái mới, thực hiện cái mới thì việc gì cũng làm được. Theo Người, tình hình trong nước và thế giới luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn, muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng vô tận, thì chúng ta phải không ngừng nghiên cứu, học tập lý luận và kỹ thuật. Tư tưởng cầu tiến, khoa học của Hồ Chí Minh còn thể hiện qua chủ trương của Người về mở rộng giao lưu, hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Người nhắc nhở cán bộ và nhân dân ta phải tranh thủ học tập kinh nghiệm các nước anh em và các chuyên gia. Tư tưởng của Người đã định hướng cho chủ trương của Đảng ta trong các thời kỳ và đặc biệt là trong thời mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay.

Một vấn đề cần lưu ý là khi chỉ đạo cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn vấn đề khoa học - kỹ thuật với vấn đề cải tiến quản lý và cải tiến tổ chức. Người đã sớm nhìn thấy mối quan hệ giữa các yếu tố này, xem xét khoa học - kỹ thuật trong một chỉnh thể kinh tế - xã hội thống nhất. Người đã ví công tác quản lý, cải tiến kỹ thuật và cải tiến tổ chức như cái kiềng ba chân, nếu hai chân dài, một chân ngắn thì không thể nào đứng vững được. Cho nên, chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và quản lý khoa học, kỹ thuật mà Đảng ta đề ra là một bước tiến quan trọng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Một nội dung đặc biệt quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật là: Người đã chỉ ra tầm quan trọng của vấn đề dân chủ trong việc thực hiện cải tiến khoa học và kỹ thuật. Người nói: "Muốn làm tốt các việc này phải thực hiện dân chủ" (Sđd, tr.51). Đó là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát huy nǎng lực trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật. Dân chủ ở đây trước hết là bảo đảm cho tất cả mọi người đều được tham gia hoạt động khoa học và kỹ thuật, học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Theo Người, vấn đề là phải phát huy sức mạnh của tất cả mọi người, mười người không làm được thì một trǎm người góp ý kiến lại nhất định sẽ làm được. Dân chủ trong hoạt động khoa học kỹ thuật còn là bảo đảm tính khách quan, công bằng, công khai trong mọi sinh hoạt khoa học.

Tiếp thu tư tưởng của Người, trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là từ Đại hội VI, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó rất chú trọng lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Trong nhiều văn kiện của Đảng, quan điểm khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu luôn được khẳng định. Tư tưởng đổi mới hoạt động khoa học công nghệ được cụ thể hóa rõ nét nhất trong Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ của Chính phủ ban hành ngày 17/4/2014. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, khoa học công nghệ đã có những bước phát triển mạnh mẽ góp phần quan trọng mang lại nhiều thành tựu cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học và kỹ thuật vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều cơ chế, chính sách cần  phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để cho khoa học và kỹ thuật thực sự là động lực của sự phát triển. Do vậy, việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng nền khoa học, kỹ thuật theo tư tưởng của Người là việc làm rất cần thiết và cấp bách.

Nguồn theo Webste:https://www.bqllang.gov.vn