Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, những năm qua, Đoàn Thanh niên xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế - xã hội, khởi nghiệp, lập nghiệp gắn với chuyển đổi số (CĐS). Qua đó, góp phần phát huy ý chí tự lực, tự cường vươn lên xây dựng thế hệ trẻ Đào Thịnh “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.
Khi Bộ tiêu chí nông thôn mới có bổ sung các yêu cầu CĐS gắn với xây dựng thôn, xã thông minh, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) xã Đào Thịnh đã triển khai thực hiện Chủ đề: "Thanh niên Đào Thịnh với phát triển kinh tế - xã hội, khởi nghiệp, lập nghiệp gắn với CĐS”, tích cực tham gia với vai trò tiên phong trong tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng các ứng dụng trên nền tảng số để đáp ứng yêu cầu về công dân số; vận động các mô hình kinh tế của thanh niên tham gia CĐS, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; tiếp tục triển khai các công trình, phần việc thanh niên...
Chị Phạm Thị Cẩm Vi - Bí thư Chi đoàn thôn 4 cho biết: "Hiện nay, CĐS là nội dung được triển khai nhiều trong các cuộc họp, các hoạt động của các cấp bộ Đoàn. Đoàn xã càng nhận thức được CĐS mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó xác định sẽ vào cuộc quyết liệt để hiện thực hóa CĐS trong ĐVTN và nhân dân trên địa bàn”.
Được biết, cơ sở hạ tầng về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin đã được cấp ủy, chính quyền xã củng cố và đầu tư; 100% các thôn có đường truyền mạng Internet, sóng 3G, 4G…; tiến hành lắp đặt đường truyền mạng Internet, Wifi miễn phí tại các nhà văn hóa thôn, để phục vụ nhân dân. Bí thư Đoàn xã Đào Thịnh - Nguyễn Thị Phương cho biết: "Thực tế cho thấy, CĐS đang mở ra nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với tuổi trẻ trong sáng tạo khởi nghiệp.
Hiện nay, nhiều phong trào của tổ chức Đoàn lan tỏa mạnh mẽ, thiết thực, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn như: "Thanh niên tình nguyện”, "Tuổi trẻ sáng tạo” và các chương trình "Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, "Đồng hành trong học tập, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ”…”.
Trong đó, Đoàn xã Đào Thịnh đã được Dự án EU xét duyệt hỗ trợ 5 sáng kiến với tổng số vốn hỗ trợ hơn 300 triệu đồng; mỗi nhóm từ 5 - 7 ĐVTN tham gia, tiêu biểu như: ý tưởng sản xuất các sản phẩm từ gỗ quế Mộc Việt do đoàn viên Nguyễn Văn Dũng ở thôn 7 làm chủ; nhóm ươm cây kim khôi giống do đoàn viên Trần Mạnh Tiến làm chủ; nhóm sản xuất dăm sinh khối do đoàn viên Nguyễn Xuân Lượng làm chủ… Thông qua các ý tưởng khởi nghiệp đã giúp ĐVTN mạnh dạn, tự tin phát triển kinh tế, đồng thời áp dụng CĐS vào quá trình giới thiệu và quảng bá các sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Với mục tiêu chủ yếu là nâng cao thu nhập cho ĐVTN và người dân, cấp ủy, chính quyền xã còn tập trung quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung phù hợp với điều kiện sản xuất và lợi thế của địa phương như: hình thành vùng trồng quế hữu cơ 970 ha, giá trị năm 2022 đạt hàng tỷ đồng; đã có 2 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử VOSO, Posmart là sản phẩm "Quế điếu thuốc Đào Thịnh”, "Tinh dầu quế Đào Thịnh”.
Ngoài ra, xã cũng duy trì có hiệu quả 4 hợp tác xã, trong đó có mô hình của đoàn viên, đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho ĐVTN địa phương. Hiện, mô hình kinh tế của ĐVTN xã cơ bản đã áp dụng ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và chăn nuôi để tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm đều có sự liên kết của doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm một cách bền vững.
Có thể khẳng định, để khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, tuổi trẻ xã Đào Thịnh có nhiều sự lựa chọn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các mô hình ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất… Song, bắt nhịp với xu thế mới thì việc triển khai các mô hình kinh tế trang trại, các xưởng sản xuất gắn với CĐS sẽ là nền tảng vững chắc trong lập thân, lập nghiệp và hội nhập của tuổi trẻ xã Đào Thịnh thời gian tới.