Những năm gần đây, phong trào thanh niên khởi nghiệp có sức lan tỏa mạnh trên địa bàn huyện Văn Yên. Nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, truyền cảm hứng cho những người trẻ vươn lên làm giàu.
Nỗ lực lập nghiệp, khơi nguồn cảm hứng
Hợp tác xã (HTX) thanh niên Q&C do hai thanh niên trẻ Phạm Văn Cường và Trần Văn Quân ở thôn 6, xã Đại Phác được đánh giá là mô hình điểm trong phong trào lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ Văn Yên. Với mong muốn lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình, năm 2017, Cường và Quân đã mạnh dạn tập trung chuyển những diện tích trồng màu sang chuyên canh sản xuất mô hình rau an toàn.
Mạnh dạn học hỏi, tìm hiểu thị trường sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận bình quân mỗi năm đạt trên 100 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương. Không dừng lại ở đó, Quân và Cường đã đăng ký thành lập HTX để tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô sản xuất nâng cao thu nhập, khẳng định chất lượng và uy tín sản phẩm rau an toàn của HTX Q&C không những ở thị trường trong huyện mà còn ở các thị trường trong tỉnh và trong nước.
Anh Phạm Văn Cường cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo cho nhu cầu của thị trường về thực phẩm sạch, an toàn. Đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thanh niên trên địa bàn xã”.
Sẵn có diện tích đồi rừng và đất đai rộng của gia đình, song vì thiếu vốn, con giống để phát triển kinh tế nên đoàn viên Hoàng Văn Vĩnh ở thôn Đại Thắng, xã Đại Phác chỉ biết trồng lúa, ngô và trồng rừng, thu nhập cũng chỉ tạm ổn.
Khi Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh được triển khai, đầu năm 2021, Vĩnh chủ động đăng ký phát triển mô hình nuôi dê dưới tán quế với quy mô từ 30 con trở lên. Được hỗ trợ con giống, dồn vốn liếng của gia đình, Vĩnh quy hoạch lại khu vực chăn nuôi, xây dựng chuồng trại nuôi dê và đã có nguồn thu nhập đáng kể sau 1 năm đầu tư.
Hoàng Văn Vĩnh cho biết: "Cuối năm 2021 vừa bán giống và bán bớt vài con dê thương phẩm tôi cũng thu về khoảng 50 triệu đồng. Hiện tại tôi đang tiếp tục nhân đàn, mở rộng quy mô để duy trì đàn dê thương phẩm từ khoảng 100 con trở lên. Tôi cũng sẽ phát triển thêm mô hình nuôi gà để tăng thu nhập cũng như tạo thêm động lực cho các đoàn viên thanh niên (ĐVTN) khác trong thôn, trong xã học tập và làm theo”.
Mô hình nuôi cá lồng và kinh doanh nhà nổi ẩm thực của ĐVTN Nguyễn Tuấn Anh ở thôn Khe Dứa, xã Yên Phú được đánh giá là mô hình khởi nghiệp mạnh dạn, tiêu biểu của tuổi trẻ Văn Yên. Nhận thấy tiềm năng của đập thủy lợi Khe Dứa, năm 2015, Tuấn Anh đã bắt tay vào nuôi cá lồng với quy mô 5 lồng. Trừ các khoản chi phí anh thu về gần 100 triệu đồng/năm.
Đầu năm 2019, Tuấn Anh vay thêm 55 triệu đồng từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn, cộng thêm vốn của gia đình đầu tư hệ thống nhà nổi tại khu nuôi cá trên đập để kinh doanh dịch vụ ẩm thực. Vạn sự khởi đầu mới mẻ, Tuấn Anh đã lập website giới thiệu quảng bá mô hình của mình để mọi người biết đến và liên hệ tham quan, trải nghiệm ẩm thực.
Nguyễn Tuấn Anh cho biết: "Hiện nay, tôi đã phát triển 15 lồng cá, cùng hệ thống nhà nổi ẩm thực, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Từ mô hình của mình, tôi mong muốn nhiều bạn trẻ nỗ lực vươn lên cùng nhau lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình. Từ đó, khẳng định bản thân đồng thời giúp đỡ thêm nhiều ĐVTN khác có việc làm ổn định”.
Quan tâm, đồng hành, hỗ trợ
Năm 2017, sau khi Trung ương Đoàn phát động phong trào khởi nghiệp quốc gia, Huyện đoàn Văn Yên đã bám sát nội dung của chương trình tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại, Huyện đoàn Văn Yên đã phối hợp xây dựng thành công 192 mô hình thanh niên phát triển kinh tế, trên 50 tổ hợp tác, 20 hợp tác xã và 15 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ. Các mô hình kinh tế đang từng bước phát triển ổn định, mang lại lợi ích kinh tế cho chủ mô hình, tạo việc làm cho lao động và thanh niên địa phương.
Cùng với đó, Huyện đoàn chủ động tham mưu và phối hợp với các phòng ban của huyện, tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về khởi nghiệp, chủ động làm đầu mối trong việc hỗ trợ, tư vấn về Luật Kinh doanh, Luật Doanh nghiệp, Luật HTX; kết nối định hướng đầu ra sản phẩm cho các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển kinh tế tại 20 xã với tổng dư nợ trên 116 tỷ đồng; giúp đỡ, tư vấn cho các mô hình có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Tỉnh đoàn, của Liên minh HTX và nhiều nguồn vốn khác; hỗ trợ, giúp đỡ 4 thanh niên lập dự án, vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh theo nguồn vốn 120 kênh Trung ương Đoàn.
Từ năm 2016 đến nay, Huyện đoàn đã tổ chức gần 70 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 3.000 lượt ĐVTN giúp thanh niên tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng hiệu quả vào các mô hình sản xuất, kinh doanh; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; hỗ trợ xây dựng mô hình điểm thanh niên làm kinh tế giỏi để nhân rộng các mô hình hay tại địa phương, cơ sở.
Đến nay trên địa bàn huyện có gần 300 mô hình thanh niên làm chủ với nhiều hình thức đa dạng như: nuôi gà thả vườn, trồng cây ăn quả, trồng rừng, VAC, trồng rau sạch, các loại hình kinh doanh dịch vụ, bán hàng tạp hóa.
Các mô hình tiêu biểu như: sản xuất bếp Huỳnh Phát của ĐVTN Nguyễn Văn Huỳnh, xã An Thịnh với lợi nhuận trung bình 170 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 18 ĐVTN tại địa phương; mô hình HTX Cơ khí Quân Hiếu, xã Đông Cuông với thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm...
Anh Vũ Tùng Lâm - Bí thư Huyện đoàn Văn Yên cho biết: "Huyện đoàn đã tích cực phối hợp với các phòng ban chức năng của huyện để tìm cơ chế, chính sách cho thanh niên phát triển kinh tế; tổ chức cho ĐVTN tham quan, học tập mô hình, kinh nghiệm các điển hình phát triển kinh tế trang trại trong và ngoài huyện; hàng tháng tổ chức giao ban định kỳ các cơ sở đoàn, qua đó nắm bắt tình hình tại cơ sở và tăng cường chỉ đạo các cơ sở đoàn quan tâm đến thanh niên, hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế”.
Để phong trào khởi nghiệp của ĐVTN phát huy hiệu quả, tạo sức lan tỏa lớn, các cấp bộ đoàn huyện Văn Yên cần đẩy mạnh các phong trào, vận động, khuyến khích thanh niên phát huy sức trẻ trong việc thực hiện các phong trào; thường xuyên động viên, cổ vũ để khích lệ những ĐVTN mạnh dạn, dám nghĩ dám làm.
Cùng với đó, huyện đoàn cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về việc tiếp cận nguồn vốn vay để khởi nghiệp. Có như vậy, phong trào khởi nghiệp trong ĐVTN trên địa bàn huyện sẽ ngày càng phát triển vững mạnh và nhân rộng, phát huy hiệu quả tích cực.