• Loading...
 
Yên Bái tiên phong khởi động mô hình “Bình dân học AI”
Ngày xuất bản: 12/10/2023 9:26:00 SA
Lượt xem: 506

Tỉnh Yên Bái đã chính thức khởi động mô hình “Bình dân học AI” nhằm giúp cán bộ và người dân trên địa bàn toàn tỉnh nắm được công nghệ số hiện đại để ứng dụng vào thực tiễn.

 

Nhờ ứng dụng công nghệ AI, quảng cáo trên các nền tảng số thông minh, quảng cáo trên các trang mạng xã hội, các kênh truyền thông số mà Khu nghỉ dưỡng “Niềm mơ Campsite” cũng các điểm du lịch trên đỉnh núi mờ sương Suối Giàng được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến.

Công nghệ AI (Artifical Intelligence), còn được gọi là trí tuệ nhân tạo, là một trong những công nghệ đang được quan tâm và ứng dụng nhất hiện nay. Tại tỉnh Yên Bái, công nghệ này cũng dần phổ biến và đang góp phần thay đổi phương thức làm việc và trở thành công nghệ nền tảng quan trọng dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực. 

 

Trí tuệ nhân tạo, trước kia chỉ dành riêng cho các tập đoàn lớn, giờ đây đã trở nên gần gũi hơn bao giờ hết với cuộc sống. AI không còn chỉ giới hạn trong phạm vi nghiên cứu phát triển hoặc trong các doanh nghiệp lớn, mà bắt đầu lan rộng tới từng góc cạnh của xã hội, tới cả điện thoại của những người lao động phổ thông. 

 

Những ngày đầu khi tiếp xúc với Google, Facebook, YouTube hay TikTok chính là mỗi người đã giao tiếp với AI ngay trên chiếc điện thoại của mình. Và mới đây, các dạng AI hiện đại như ChatGPT, Bard, Midjourney… đã mở ra khả năng tương tác đặc biệt, cho phép người sử dụng không còn chỉ giao tiếp bị động mà đã có thể đưa ra quyết định, điều khiển và tạo ra những giá trị mới với AI một cách dễ dàng.

 

Minh chứng rõ nét, chỉ sau 2 tháng ra mắt, phần mềm ChatGPT cho phép người sử dụng giao tiếp với AI bằng chính ngôn ngữ thường ngày, truy cập kho tri thức rộng lớn của nhân loại mà AI học được, đã thu hút tới 100 triệu người đăng kí sử dụng. AI đang bắt đầu thay đổi môi trường làm việc của chúng ta, nhờ khả năng hỗ trợ cho người dùng trong hầu hết các công việc trên máy tính. Bởi vậy, AI không chỉ dành cho các nhà lập trình hay kỹ sư mà từ các nhà quản lý, nhân viên văn phòng, đến người nông dân, thậm chí là các bạn học sinh đều cần biết đến AI và tìm hiểu cách sử dụng chúng.

 

Để công nghệ AI đến gần với người dân, tỉnh Yên Bái đã chính thức khởi động mô hình "Bình dân học AI” nhằm giúp cán bộ và người dân trên địa bàn toàn tỉnh nắm được công nghệ số hiện đại để ứng dụng vào thực tiễn.

 

Dự án "Bình dân học AI" được triển khai nhằm phổ biến kiến thức điều khiển, sử dụng AI cho thật nhiều người lao động Việt Nam. Dự án này hướng tới những sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và sự tương tác cộng đồng. "Bình dân học AI" noi gương phong trào "Bình dân học vụ”, nhưng thay vì chữ cái, Dự án vận động mọi người học và chia sẻ cách "đọc", cách "viết" trong thế giới số của AI. 

 

Dự án đặt ra mục tiêu phổ biến những kiến thức cơ bản về điều khiển AI, giúp mọi người có thể tương tác và điều khiển AI một cách tự tin và hiệu quả.

 

Điểm đặc biệt của mô hình "Bình dân học AI" nằm ở việc tập trung vào dữ liệu đa phương tiện: hình ảnh, giọng nói, và văn bản. Việc học không còn giới hạn mà mỗi người dân, ở bất kỳ đâu, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính cá nhân, đều có thể truy cập vào kho tàng kiến thức về AI.  

 

Đối với tỉnh Yên Bái, mô hình "Bình dân học AI” nhằm khuyến khích mọi người tham gia học tập, chia sẻ, lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm về AI để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Thông qua các nền tảng AI giúp tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động, hiệu lực, hiệu quả công tác, tăng doanh thu, lợi nhuận kinh doanh và nâng cao chỉ số hạnh phúc của tổ chức và cá nhân. 

 

Anh Nguyễn Duy Khiêm - Chủ khu nghỉ dưỡng "Niềm mơ Campsite”, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn - người đã ứng dụng hiệu quả công nghệ AI để phát triển bản thân, phát triển kinh tế du lịch từ năm 2021 thì việc ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo đã tạo cho anh những giá trị mới có tính chất khác biệt. 

 

Anh Khiêm chia sẻ: "Từ việc sử dụng AI mà tôi có thể học tập, làm việc, tiếp cận được khách hàng và tạo ra doanh số bán hàng thực sự, việc ứng dụng AI giúp cho hiệu quả công việc tăng lên một cách đáng kể mà thời gian làm việc lại được rút gọn rất nhiều, tạo ra nhiều những kết quả tích cực và góp phần nâng cao đời sống của chúng tôi lên rất nhiều. 

 

Khi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phát động phong trào "Bình dân học AI”, bằng những gì mình đã trải qua, tôi thấy đây là một việc rất ý nghĩa đối với người dân và doanh nghiệp. Bản thân tôi sẽ tích cực tham gia, trước tiên tôi sẽ hướng dẫn cho những người dân tại xã Suối Giàng, rộng hơn nữa sẽ là trên địa bàn huyện Văn Chấn và tỉnh Yên Bái. Tôi rất mong mọi người tích cực tham gia phong trào đầy ý nghĩa này để thông qua AI và các công nghệ số khác giúp cho tỉnh Yên Bái chuyển đổi số theo chiều sâu, thiết thực, hiệu quả”. 

 

Là một trong những người sáng lập mô hình "Bình dân học AI”, anh Lê Công Thành - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chọn lọc thông tin (INFORE) cho hay: "Yên Bái là tỉnh đầu tiên khởi động mô hình này. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng với mục tiêu, cách làm như kế hoạch đề ra, phong trào "Bình dân Học AI” sẽ thành công trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Cam kết đồng hành với tỉnh để triển khai phong trào "Bình dân học AI”, tôi mong cán bộ, người dân tỉnh Yên Bái sẽ tích cực tham gia, học hỏi, chia sẻ, ủng hộ và lan tỏa phong trào "Bình dân học AI" trong cộng đồng để cùng nhau nắm bắt cơ hội đột phá của AI và đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số toàn diện tại tỉnh Yên Bái”.

BYB