• Loading...
 
Yên Bái sôi nổi phong trào Đoàn trường học
Ngày xuất bản: 28/09/2017 10:12:00 SA
Lượt xem: 703

Cùng với Phong trào "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, các phong trào: "Sáng tạo trẻ”, "Sinh viên 5 tốt”, "Học sinh 3 rèn luyện”, "Khi tôi 18”… đã được các cấp bộ Đoàn triển khai với hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng ĐVTN. 

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái trong giờ học thực hành về công nghệ ô tô.

Thời gian qua, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên trường học đã đi vào thực tiễn, bám sát yêu cầu nhiệm vụ của năm học. Bên cạnh làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng tổ chức Đoàn, tham gia xây dựng Đảng, các phong trào do Đoàn phát động như "Xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã được đông đảo đoàn viên thanh niên (ĐVTN) hưởng ứng.

Xác định tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống trong ĐVTN, học sinh sinh viên (HSSV), các cấp bộ Đoàn tích cực triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Năm học 2016 - 2017, tổ chức Đoàn trong các trường đã tổ chức trên 100 hoạt động tập huấn, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tổ chức các hội thi, hội thảo, các diễn đàn, sinh hoạt chuyên đề thu hút trên 5.000 ĐVTN, học sinh tham gia.

 Do chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho ĐVTN, các Đoàn trường đã tập trung nâng cao nhận thức cho HSSV về truyền thống đạo đức, văn hóa ứng xử, giao tiếp, ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phê phán những thói hư, tật xấu, những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức và hành vi của đoàn viên, HSSV.

Năm học 2016 - 2017, Đoàn các trường đã tổ chức 102 hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục pháp luật thông qua các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt dưới cờ, các cuộc thi, hội thi cho trên 20.000 ĐVTN, HSSV. 100% Đoàn các trường THPT tổ chức "Lễ tri ân trưởng thành Khi tôi 18”, đưa nội dung Luật Giao thông đường bộ vào học tập trong các giờ ngoại khóa, tuyên truyền về phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. Qua đó, phát huy vai trò của cán bộ, giáo viên trẻ, HSSV trong các hoạt động của Đoàn, hỗ trợ hoạt động các câu lạc bộ, các môn học, các cuộc thi, đề xuất ý tưởng, sáng kiến, các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học.

Trong Phong trào "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, Đoàn Thanh niên các trường học đã tham mưu với nhà trường, hội cha mẹ học sinh xây dựng, duy trì và mở rộng các loại quỹ khuyến học, khuyến tài, quỹ hỗ trợ HSSV nghèo vượt khó, các quỹ tài năng trẻ, học bổng, cho sinh viên vay vốn hỗ trợ học tập… Năm học 2016 - 2017, khối trường học trong toàn tỉnh có 578 HSSV được trao quỹ học bổng, giải thưởng, tạo điều kiện cho vay vốn, trao hàng trăm suất học bổng "Tiếp sức đến trường" cho ĐVTN là HSSV, trị giá gần 500 triệu đồng.

Cùng với đó, Đoàn các trường học đã tổ chức các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh lựa chọn trường, ngành nghề phù hợp được triển khai rộng rãi với nhiều phương thức đổi mới, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế như: tổ chức tham quan, thực tế tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp uy tín; giao lưu truyền thông, tư vấn trực tiếp bởi các giảng viên của các trường đại học, trung tâm đào tạo tài năng trẻ với học sinh…, giúp học sinh lựa chọn trường, ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện gia đình và nhu cầu của xã hội.

Năm học vừa qua, Đoàn các trường tổ chức 82 buổi tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề cho trên 11.000 ĐVTN, học sinh khối trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Cấp tỉnh tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở với sự tham gia của 80 đồng chí; tổ chức 12 buổi định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối các trường THPT tại các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, thu hút trên 14.000 học sinh tham gia.

Cùng với Phong trào "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, các phong trào: "Sáng tạo trẻ”, "Sinh viên 5 tốt”, "Học sinh 3 rèn luyện”, "Khi tôi 18”… đã được các cấp bộ Đoàn triển khai với hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng ĐVTN. Trong Phong trào "Sáng tạo trẻ” đã có hàng trăm mô hình sáng tạo, tham gia thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật.

Tiêu biểu như Dự án"Bếp hữu ích LT2" của học sinh Nguyễn Đăng Huy Hoàng và học sinh Tống Khánh Hưng - Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên - đoạt giải Nhất cấp tỉnh, giải khuyến khích cấp quốc gia; sản phẩm giá trồng cây thông minh của học sinh Lê Thu Phương và học sinh Vũ Thanh Loan lớp 12 Văn - Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành; Đoàn Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Trung học phổ thông Miền Tây, thị xã Nghĩa Lộ tham gia đoạt giải Ba Hội thi Khoa học kỹ thuật tại giải thưởng cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; Đoàn Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú thị xã Nghĩa Lộ tham gia hội thi tay nghề HSSV tại tỉnh Yên Bái với các nghề may thời trang, điện công nghiệp, hàn đoạt giải Nhất toàn đoàn…

Tỉnh đoàn cũng tổ chức thành công Triển lãm sản phẩm Sáng tạo trẻ gắn với Chương trình Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ sáng tạo và tuyên dương "Sinh viên 5 tốt”, "Học sinh 3 rèn luyện”, "Học sinh tiêu biểu”…

Thông qua đó, đã có 967 em đăng ký tham gia, trong đó 32 sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt” cấp trường, 6 sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh, 725 học sinh đạt danh hiệu "Học sinh 3 rèn luyện” cấp trường, 18 học sinh đạt danh hiệu "Học sinh tiêu biểu" cấp tỉnh.
Mặc dù tổ chức rất nhiều hoạt động nhưng công tác Đoàn trong trường học chưa xuất hiện nhiều mô hình mới, sáng tạo từ cơ sở. Nhiều đơn vị còn lúng túng trong triển khai các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên, học sinh, công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn mới chỉ tập trung chủ yếu vào các ngày lễ lớn. Việc nắm bắt dư luận thanh niên trường học chưa thường xuyên.

Mặt khác, số lượng HSSV ngày càng giảm do các trường khó khăn trong tuyển sinh, dẫn đến việc thu hút, đoàn kết tập hợp HSSV và việc triển khai phát động các phong trào ở trường học gặp nhiều khó khăn.

Một số trường vùng cao, do điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nên việc trao đổi, nắm bắt thông tin chỉ đạo của Đoàn cấp trên còn chậm. Đa số ĐVTN trường học là con em người dân tộc thiểu số, nhiều em do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên phải vừa học vừa phụ giúp gia đình đã ảnh hưởng đến chất lượng học tập và hiệu quả của các buổi sinh hoạt Đoàn... Do đó, các hoạt động của Đoàn hiệu quả chưa cao...

Thành Trung