• Loading...
 
Cho vẹn tròn đêm hội trăng rằm
Ngày xuất bản: 13/09/2019 3:34:00 CH
Lượt xem: 5305

Để hấp dẫn được các em nhỏ, các anh chị phụ trách phải là những người hướng dẫn, còn các em nhỏ là người thực hiện như: cắt giấy, làm hoa, làm đèn ông sao, đèn kéo quân, làm bánh Trung thu...

Tết Trung thu ý nghĩa được Tỉnh đoàn tổ chức cho thiếu nhi trên địa bàn.

Tết Trung thu là dịp để mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội thể hiện sự quan tâm, chăm sóc cả về vật chất và tinh thần cho trẻ em. Nhân dịp này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với đồng chí Đinh Tiến Hùng - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh về công tác tổ chức vui tết Trung thu cho các em thiếu nhi trên địa bàn.

P.V: Thưa đồng chí, Tỉnh đoàn có những hoạt động thiết thực nào để tổ chức cho các em thiếu nhi vui tết Trung thu, nhất là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn?

Đồng chí Đinh Tiến Hùng: Thời gian qua, Tỉnh đoàn Yên Bái phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là đối tượng trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, trẻ tàn tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. 

Có thể khẳng định, tết Trung thu không chỉ là sự chờ mong, háo hức của các em thiếu nhi mà còn là mối quan tâm của các bậc phụ huynh, các cơ quan, ban, ngành và toàn xã hội. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tết Trung thu cho thiếu nhi, ngay từ đầu tháng 7/2019, Tỉnh đoàn đã có kế hoạch cụ thể triển khai tổ chức "Đêm hội trăng rằm” năm 2019 cho thiếu nhi trên địa bàn toàn tỉnh. 

Theo đó, Tỉnh đoàn chỉ đạo 100% các cơ sở Đoàn trực thuộc và các liên đội trên địa bàn tổ chức vui tết Trung thu cho thiếu nhi, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa; vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân xã hội hóa các nguồn lực, quyên góp tiền, lồng đèn, bánh kẹo, vở viết tặng cho các em thiếu nhi dân tộc, thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... 

Đồng thời, Tỉnh đoàn cũng vận động các đoàn viên, thanh niên đóng góp ủng hộ kinh phí để tặng quà cho các em đội viên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn, con em gia đình chính sách...; chỉ đạo cơ sở Đoàn đẩy mạnh hoạt động tình nguyện tại chỗ để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo, trẻ mồ côi vui đón tết Trung thu.

P.V:  Những hoạt động nào sẽ được triển khai trong dịp tết Trung thu năm nay? 

Đồng chí Đinh Tiến Hùng: Đối với các hoạt động của tỉnh, Tỉnh đoàn - Hội đồng Đội tỉnh phối hợp với UBND thành phố Yên Bái tổ chức "Đêm hội trăng rằm” cấp tỉnh với chủ đề "Trung thu nhớ Bác” cho thiếu nhi. 

Ngoài chương trình nghệ thuật "Sự tích Trung thu”, trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì trước đó sẽ diễn ra màn diễu diễn Hội thi Đêm hội đèn lồng với chủ đề "Ngàn hoa dâng Bác” với 17 mô hình đèn lồng của 17 xã, phường trên địa bàn thành phố tham dự hứa hẹn một đêm Trung thu đầy ý nghĩa với các em thiếu nhi. 

Cùng đó, Tỉnh đoàn cũng phối hợp tổ chức khánh thành công trình "Con đường em đến trường” gắn với tổ chức tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi tại huyện Lục Yên. 

Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch và có văn bản hướng dẫn các đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi an toàn, tiết kiệm, lành mạnh thông qua các hoạt động như: văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, vui hội trăng rằm, thi làm đồ chơi truyền thống… phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. 

Các đơn vị cũng tích cực tổ chức các hoạt động truyền thông với các nội dung thiết thực như: ý nghĩa của tết Trung thu; thông tin về hoạt động tổ chức đón tết Trung thu cho trẻ em ở địa phương; biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt đã giúp đỡ, ủng hộ trẻ em...

P.V:  Cuộc sống càng hiện đại, nét đẹp truyền thống trong tết Trung thu càng có nguy cơ mai một. Những người làm công tác Đoàn, Đội làm thế nào để góp phần gìn giữ nét đẹp văn hoá Tết Trung Thu?

Đồng chí Đinh Tiến Hùng: Mỗi dịp tết Trung thu lại gợi về trong ký ức của nhiều người những cảm xúc khó quên, sự hồi hộp, phấp phỏng chờ đợi tự tay làm những món đồ chơi hay sự háo hức, mong đợi trăng lên để đi rước đèn, phá cỗ... 

Song, ngày nay, khi cuộc sống càng hiện đại thì những nét đẹp truyền thống trong tết Trung thu càng có nguy cơ mai một. Đây cũng chính là điều trăn trở của những người làm công tác Đoàn, Đội. Do vậy, các cấp bộ Đoàn cố gắng để mỗi trò chơi trong dịp tết Trung thu ngoài tiêu chí là vui, hấp dẫn còn phải mang đậm nét truyền thống của dân tộc. 

Để hấp dẫn được các em nhỏ, các anh chị phụ trách phải là những người hướng dẫn, còn các em nhỏ là người thực hiện như: cắt giấy, làm hoa, làm đèn ông sao, đèn kéo quân, làm bánh Trung thu... Ngoài ra, tăng cường tổ chức thi các trò chơi dân gian như: kéo co, ném còn, múa lân... 

Đặc biệt, khuyến khích các em phát huy tính sáng tạo, dàn dựng các tiết mục văn nghệ, trò chơi mang đậm nét văn hóa truyền thống. Qua nhiều lần tổ chức vui Trung thu cho các em thiếu nhi, những người làm công tác Đoàn, Đội nhận thấy các trò chơi dân gian, truyền thống vẫn thực sự hấp dẫn các em. 

Có thể khẳng định, việc duy trì những nét đẹp truyền thống trong lễ hội trăng rằm không khó, song để thực hiện được đòi hỏi phải có sự định hướng của người lớn, thể hiện ở ngay trong cách mua sắm đồ chơi cho con trẻ, các bậc phụ huynh cũng nên hướng con em mình vào việc chọn lựa các đồ chơi truyền thống như: đèn lồng, đèn kéo quân, đèn ông sao... 

Với sự quan tâm của các cấp, ngành và các bậc phụ huynh thì các trò chơi dân gian, nét đẹp truyền thống tết Trung thu luôn là niềm mong chờ, háo hức đối với trẻ em. 

PV:  Xin cảm ơn đồng chí!

Theo Báo Yên Bái