• Loading...
 
Tìm hiểu thông tin về di tích lịch sử Chiến khu Vần – xã Việt Hồng – huyện Trấn Yên
Ngày xuất bản: 06/11/2023 1:37:00 CH
Lượt xem: 1276

 1. Lịch sử của Chiến Khu Vần:

Nếu như nhắc về Yên Bái, hẳn bạn sẽ thường nghĩ đến những địa điểm du lịch thiên nhiên hấp dẫn như Di tích ruộng bậc thang Mù Cang Chải hay Hồ Thác Bà Yên Bái phải không nào? Tuy nhiên, ở Yên Bái vẫn có những địa điểm lịch sử rất đặc biệt mà bạn nhất định phải ghé thăm đấy. Lật lại những trang sử kháng chiến vàng son, tại vùng đất Yên Bái - Tây Bắc này, nơi mà “xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng” đã thành lập nên một trong bảy căn cứ cách mạng quan trọng trong cả nước, gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử, mang tên Chiến khu Vần... 

Chiến khu Vần là một căn cứ địa Cách mạng, là đầu não chỉ huy của Việt Minh và là địa bàn hoạt động của Đội du kích Âu Cơ, tại đây ngày 30/6/1945 đã công bố Quyết định xứ uỷ Bắc kỳ về thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái – Phú thọ và đồng chí ngô Minh Loan được chỉ định làm Bí thư. Sự ra đời của Đảng bộ và các dân tộc Yên Bái, từ đây phong trào cách mạng của tỉnh Yên Bái được đặt dưới sự đùm bọc che trở của nhân dân các dân tộc trong khu vực.

Có vị trí địa lý chiến lược đặc biệt quan trọng, có nhiều địa hình núi cao hiểm trở thuận lợi cho việc thực hiện chiến tranh du kích, cùng với việc giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái - Phú thọ, Chiến khu Vần có rất nhiều thuận lợi để Trung ương Đảng chọn làm nơi xây dựng căn cứ địa Cách mạng.

Chiến khu Vần có vai trò quan trọng trong, cuộc vận động cách mạng tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở hai tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và huyện Phù Yên của tỉnh Sơn La; Đồng thời Chiến khu Vần là căn cứ đảm bảo cho công cuộc chuẩn bị về lực lượng để tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong chiến dịch đông xuân 53 -54 và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Vào ngày 14 tháng 5 năm 1945, tại chùa Hiền Lương đội du kích Âu Cơ với khu căn cứ Vần - một trong những chiến khu đã được thành lập theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, làm nên bàn đạp chiến thắng cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Trước năm 1945, Chiến khu Vần nằm ở địa bàn Giới Phiên (Trấn Yên), Đại Lịch (Văn Chấn) và Lương Ca, hợp lại thành 3 tổng. Theo dòng lịch sử biến động, địa danh địa giới cũng đã có nhiều thay đổi, giờ đây Chiến khu Vần thuộc huyện Trấn Yên về phía Nam và Đông Nam Huyện Văn Chấn.

Tuy đã có nhiều thay đổi về mặt địa giới, nhưng trung tâm của Chiến khu Vần vẫn là xã Minh Phú, nay gồm ba xã Việt Cường, Việt Hồng, Vân Hội. Trong đó phải nhắc đến hai điểm là làng Vần xã Việt Hồng và làng Đồng Yếng thuộc xã Vân Hội có vai trò rất lớn cho sự kiện lịch sử này, một bên là trung tâm chỉ huy của Chiến khu, một bên là trung tâm huấn luyện quân sự của căn cứ cách mạng Chiến khu.

Một lý do khác để Chiến khu Vần trở thành một trong những căn cứ quan trọng nhất của cả nước vì nơi đây chính là nơi tiếp đón an toàn cho các đồng chí cách mạng đã dũng cảm vượt ngục từ nhà tù Sơn La trở về, hoặc khi các hoạt động cách mạng ở miền xuôi bị lộ sẽ được đưa lên đây và tiến hành. 

Ngoài ra, Chiến khu Vần còn có những địa điểm đã diễn ra các sự kiện lịch sử quan trọng, được người dân tại đây gìn giữ và trân trọng như: Đình Làng Dọc, Đình Làng Vần, cây gạo, cây sữa, cây vải của ông Đình Trung hay khu nhà của ông Trần Đình Khánh,...

2. Những điều cần biết về Chiến khu Vần:

2.1 Tọa độ của Chiến khu Vần cùng các di tích lịch sử tại đây:

Chiến khu Vần hiện nay nằm ở phía Nam của tỉnh Yên Bái, nếu đi từ Thành phố Yên Bái lên di tích cách mạng này theo đường chim bay sẽ dài 16km, còn khi bạn đi theo đường nhựa lộ tỉnh đoạn đường này tổng cộng 30km.

Nếu bạn đến thăm Làng Vần xã Việt Hội, bạn sẽ ấn tượng bởi địa hình nơi đây: là thung lũng có chiều dài 4,5km, bao quanh là các dãy núi với độ cao trung bình từ 200 đến 500m. Địa thế của làng ngày xưa hiểm trở, chỉ có một con đường duy nhất để đến được làng và phải qua đèo. Tuy vậy “trong cái rủi có cái may”, dù đường đi khó khăn nhưng lại gần các trung tâm chính trị (tỉnh lỵ 2 tỉnh Yên Bái- Phú Thọ), tạo nên địa hình vừa hiểm trở nhưng cũng không kém phần kín đáo, vì thế Xứ ủy Bắc Kỳ đã chọn nơi này để thuận lợi lập nên căn cứ Cách mạng, dần dà phát triển thành mô hình Chiến khu. Ngày nay, may mắn rằng đường đi đến Làng Vần cũng đã được cải tiến, kết cấu bằng những chân ruộng bậc thang, được đồng bào khai phá kể từ sau Các mạng và gọi là Đồng Cây Gạo, Đồng Trỏ.

Đi từ Làng Vần về phía Đông khoảng 4km hoặc đi từ Hiền Lương hơn 3km về phía Tây, bạn sẽ đến được Làng Đồng Yếng. Năm xưa, nhờ vào địa hình hình mâm xôi, vị trí thuận lợi nên đội du kích  u Cơ đã chọn Đồng Yếng làm nơi trung tâm huấn luyện quân sự, phát triển lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Các mạng ở Yên Bái và Phú Thọ.

2.2 Các di tích lịch sử nằm trong chiến khu Vần:

Với ý nghĩa, vai trò và đóng góp to lớn của Chiến khu Vần,  ngày 4/9/1995 Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số: 2861/QĐ -BVHTT xếp hạng Chiến khu Vần là Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia, với 4 quần thể Di tích gồm:

Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh (điểm di tích tiêu biểu nhất trong quần thể di tích lịch sử cách mạng Chiến khu Vần)

Ông Trần Đình Khánh là quan chức của chính quyền thời Pháp thuộc được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh tổng Lương ca, tổng Lương ca là vùng rộng lớn gồm các xã Việt Hồng, Việt Cường, Vân Hội, Lương Thịnh, Hưng Khánh và Hồng Ca ngày nay, đây chức danh người đứng đầu một tổng gồm nhiều xã. Chánh tổng được lựa chọn qua bầu cử và là người thay mặt cho tổng về mặt hành chính và pháp lí .truyền lệnh của chính quyền cấp trên xuống làng xã thuộc phạm vi tổng và giám sát việc thực hiện những lệnh đó.

- Chánh tổng Trần Đình Khánh có lòng yêu nước, thương dân bất mãn với chế độ bù nhìn thuộc pháp, được giác ngộ cách mạng ông đã vận động nhân dân trong vùng tham gia Đội du kích Âu cơ, quyên góp ủng hộ lương thực thực phẩm, tiền vàng, vũ khí cho căn cứ cách mạng.

- Nhà ông Trần Đình Khánh trở thành địa điểm tiếp nhận sự quyên góp của nhân dân trung vùng, là nơi tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của đội du kích Âu cơ và căn cứ địa cáh mạng. Ngày 7/5/1945 Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Yên Bái được thành lập trụ sở đầu tiên đặt tại Nhà ông Trần Đình Khánh.

- Với công lao đóng góp tích cực của mình cho Cách mạng ông Trần Đình Khánh được bầu làm chủ tịch Uỷ ban kháng chiến tỉnh Yên Bái. Năm 1946 ông vinh dự được bầu làm Đại biểu Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

Sau khi được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, Năm 2009 được sự quan tâm của Bộ văn hóa thể thao và Du kịch và UBND tỉnh Yên Bái Nhà ông Trần Định Khánh được phục dựng cơ bản theo nguyên gốc trước đây.

- Nhà ông Trần Đình Khánh hiện nay đã được phục dựng do các nghệ nhân và các công nhân lành nghề có tay nghề cao của Công ty CP tu bổ Di tích và thiết bị Văn hóa Trung ương thực hiện, Khởi công ngày 24/12/2009, hoàn thành bàn giao 8/12/2011, vật liệu phục dựng lại từ gần 200M2 gỗ trò chí nguyên khối được vận chuyển từ nước bạn lào, công trình nhà chính gồm 5 gian 2 trái cột tròn 4 hàng chân, Nhà bếp là nhà sàn 3 gia 2 trái 4 hàng chân, phần mái được thết kế theo kiểu chồng bồn kể chuyền, mái lợp cọ, có hành lang phía trước, sàn nhà và ván lịa bằng gỗ, tổng số cột của nhà chính và nhà bếp là 52 cột. Có thể khẳng định Nhà ông Trần Đình Khánh là một ngôi nhà sàn có diện tích to nhất tỉnh Yên Bái tính đến thời điểm này. Đây là nơi được các cơ quan đơn vị lựa chọn làm điểm sinh hoạt truyền thống, tổ chức Lễ kết nạp Đảng.

Di tích Đình Trung (Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia)

Đình Trung nằm tại bản Vần xã Việt Hồng huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái. Đình Trung cũng như bao ngôi đình khác trong văn hoá người kinh là 1 thiết chế Văn hoá là nơi thờ Thành Hoàng làng đó là những người có công lớn với bản làng. Ngoài ra ngôi đình còn là nơi để người dân hội họp giải quyết các công việc của làng xã tương đương với ngày nay chúng ta có nhưng nhà văn hoá đó còn là nơi vui chơi sinh hoạt cho trẻ em.

Tại ngôi đình này từ khi đội du kích Âu cơ thành lập trước khi xuất quân tiến về giải phóng Trấn Yên, Văn Chấn, Nghĩa Lộ của Yên Bái, Phù yên của Sơn La, Than Uyên, Văn Bài của Lai Châu thường tập chung tại đây để làm lễ tế cờ nguyện đồng tâm đồng lòng đuổi bọn xâm lăng ra khỏi bờ cõi. Đồng thời cầu mong các vị tổ tiên phù hộ cho đội du kích chân cứng đá mềm tránh được đường đạn, mũi tên của địch.

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử ngôi đình đã không còn. Hiện nay tại nền móng cũ nhân dân xã Việt Hồng đã xây dựng lên 1 ngôi trường khang trang để con em các dân tộc được học hành kế bước ông cha góp phần xây dựng đất nước. Chứng tích duy nhất còn xót lại chứng kiến bao đổi thay của quê hương bản Vần là cây Vải già đã hơn 100 năm tuổi.

Hang dơi và Gò Cọ Đồng Yếng (Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia)

Hang Dơi nằm trên ngọn núi Nả ở phần lưng trừng núi cách mặt đường khoảng 03 km lòng hang rộng hàng nghìn m2 và có thể chứa hàng nghìn người. Trong chiến tranh Hang Dơi là khu căn cứ bí mật. Mỗi khi giặc có những chiến dịch càn quét Bộ đội và đội du kích Âu Cơ lại rút vào hang để đảm bảo an toàn ngoài ra Hang Dơi còn là nơi để đón và che dấu các chiến sĩ Cách mạng từ nhà tù Sơn La và từ dưới xuôi lên đợi sự phân công của lãnh đạo.

Gò Cọ Đồng Yếng là mảnh đất nằm trên địa phận xã Vân Hội nơi đây là một vùng đất rộng có địa hình bằng phẳng là nơi đội du kích Âu Cơ tập luyện và cũng là nơi trồng cấy để tăng gia lương thực thực phẩm cho đội du kích.

Đình làng Dọc (Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh)

Đình làng dọc được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005. Làng Dọc có tên gọi cổ là bản Guộc hay bản lọc nghĩa tiếng tày là rừng rậm. Nơi đây ngày xưa mọc nhiều cây Dọc quả được người dân ép làm dầu thắp sáng.

 Đình làng Dọc được xây dựng từ đầu thế kỷ 19. Đời vua Khải Định ( Triều Nguyễn) Đình đã được vua ban sắc phong. Theo lời kể của các bậc cao niên ở đây thì các đời vua khác cũng có sắc phong cho đình nhưng do chiến tranh loạn lạc nên các sắc phong này đã bị mất bị giặc đốt cháy nay chỉ còn một bản.

Đình thờ thành hoàng làng họ Phạm và 6 dòng họ khác đó là tổ tiên khai hoang vùng đất này di chuyển từ dưới xuôi lên. Điều này giải thích vì sao hiện nay người tày nơi đây mang họ người Kinh như họ Phạm, họ Nguyễn và gần như không biết tiếng Tày.

Đình làng mang kiến trúc nửa nhà sàn của người tày, nửa nhà đất của người Kinh bao gồm 5 gian 2 trái theo kiểu chữ Đinh, gian trước dùng để thờ. Điều này thể hiện sự giao lưu văn hoá sâu sắc giữa miền xuôi và miền ngược.

Trong cuộc chiến tranh nơi này trước kia đặt đài quan sát của du kích nhằm báo động các cuộc càn quét của địch. Năm 1947 khi giặc pháp quay lại chiến khu cách mạng Vần - Dọc chúng đóng đồn cách đình 500m. Chúng đốt phá làng mạc nhưng tuyệt nhiên không giám đụng đến ngôi đình.

Hội đình làng dọc được tổ chức 2 kỳ trong năm là tháng Giêng và tháng bảy. Lễ hội có sự pha trộn giữa nghi thức tế lễ của người Kinh với các điệu múa xoè then của dân tộc Tày. Phần hội cũng được tổ chức rất đa dạng phong phú với các trò chơi truyền thống của các dân tộc như: Ném còn, kéo co, đẩy gậy. Hiện nay còn đưa vào các trò chơi mang tính hiện đại như bóng chuyền, bóng đá.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh lễ hội đình làng Dọc vẫn mang đậm giá trị văn hoá truyền thống. Đây cũng là dịp thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc Tày, Kinh, Thái. Thắt chặt tình làng nghĩa xóm và tưởng nhớ đến công ơn tổ tiên đã có công khai khẩn ra mảnh đất này./.

Hoàng Dương