• Loading...
 
Yên Bái đồng hành, hỗ trợ sản phẩm OCOP của thanh niên
Ngày xuất bản: 25/12/2023 1:51:00 CH
Lượt xem: 1539

Tỉnh đoàn đã hỗ trợ, hướng dẫn, xây dựng hồ sơ và được đánh giá đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và tạo thêm việc làm cho nhiều thanh niên.

 

Sản phẩm rượu dâu Việt Thành của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Việt Thành, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên.

"Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị cho sản phẩm. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. 

Xác định rõ tầm quan trọng và lợi ích của thanh niên khi có sản phẩm đạt chuẩn OCOP, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thường xuyên quan tâm, động viên, tuyên truyền về nội dung Đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm”; hướng dẫn, hỗ trợ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) hoàn thiện hồ sơ xét công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP; giới thiệu về  OCOP bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, khơi dậy tinh thần, thúc đẩy các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên gắn với chương trình... 

Tỉnh đoàn đã huy động lực lượng cán bộ Đoàn, ĐVTN, chủ các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi tích cực tham gia các hội nghị, lớp bồi dưỡng, tập huấn về sản phẩm OCOP nhằm nâng cao hiểu biết của ĐVTN, hỗ trợ thanh niên phát triển sản phẩm của mình. 

Anh Nguyễn Văn Quỳnh, thôn Phú Lan, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên từ lâu luôn ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp bằng sản phẩm rượu dâu - "đặc sản” của mảnh đất quê hương. 

Sau 1 năm nghiên cứu và xây dựng mô hình, với tư cách là thành viên của Hợp tác xã Việt Thành, anh đã tham gia đề xuất ý kiến và vận động các thành viên tham gia phát triển dự án. Từ khi dự án của Quỳnh được thực hiện, sản phẩm đã bước đầu tạo sự tin tưởng của các thành viên; đề xuất sản phẩm rượu dâu tham gia đánh giá sản phẩm OCOP. 

Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng đó của anh Nguyễn Văn Quỳnh, Đội Thanh niên tình nguyện cơ quan Tỉnh đoàn đã đến hỗ trợ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ xét công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, hỗ trợ tham gia vào quá trình sản xuất, đóng gói và tổ chức tuyên truyền về sản phẩm. 

Vài năm trở lại đây, tận dụng diện tích đất dưới tán rừng, đất vườn tạp, nhiều hộ ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã trồng cây khôi nhung vừa bảo vệ tài nguyên rừng vừa phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. 

Sau khi thấy được lợi ích của lá trà khôi nhung, chị Trần Thị Hiền, thôn 6, xã Đào Thịnh đã tìm hiểu tài liệu trên sách báo và sang tỉnh Thái Nguyên học tập kinh nghiệm trồng cây lá khôi của người dân ở đó để mang về áp dụng tại gia đình. Hơn nữa, chị đã kêu gọi các thành viên trong hợp tác xã liên kết với nhau trong sản xuất, trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch. 

Đồng thời, chị cũng đề xuất xây dựng sản phẩm OCOP Trà Khôi nhung sản xuất từ lá khôi nhung trồng tại địa phương. Sản phẩm Trà Khôi nhung đã dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến. 

Đến đầu năm 2023, chị quyết định đăng ký tham gia chương trình đánh giá sản phẩm OCOP của huyện. Nhờ có sự trợ giúp của đội thanh niên tình nguyện Tỉnh đoàn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và thiết kế bao bì, sản phẩm Trà Khôi nhung đã được đánh giá đạt chất lượng sản phẩm OCOP.

Đồng chí Hà Đức Hải - Bí thư Tỉnh đoàn khẳng định: "Tạo ra các sản phẩm chất lượng mang bản sắc địa phương, thu hút người tiêu dùng, tạo đầu ra cho sản phẩm, mang lại việc làm ổn định cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương… là những lợi ích có được khi phát triển sản phẩm đạt chuẩn chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”. 

Anh Nguyễn Văn Quỳnh và chị Trần Thị Hiền chính là 2 trong số các ĐVTN tiêu biểu, có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế được Tỉnh đoàn hỗ trợ, hướng dẫn, xây dựng hồ sơ và được đánh giá đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và tạo thêm việc làm cho nhiều thanh niên, đặc biệt trở thành tấm gương sáng để ĐVTN trên địa bàn tỉnh học tập và noi theo”.

Bên cạnh đó, với xu thế ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, mọi mặt trong đời sống đã đem đến lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số trong marketing và tiêu thụ sản phẩm. Việc đưa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, bán hàng trên mạng xã hội sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nông dân, hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp OCOP trên địa bàn tỉnh…

BYB