• Loading...
 
Câu hỏi: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ra đời như thế nào?
Ngày xuất bản: 07/03/2017 9:52:02 SA

 Trả lời:

Giữa năm 1925, chỉ trong một thời gian ngắn tại Quảng Châu - Trung Quốc đã hình thành tổ chức cách mạng Việt Nam đầu tiên có xu hướng Cộng sản: Hội nghị Việt Nam Cách mạng Thanh niên với 9 hội viên là những thanh niên Việt Nam đầu tiên được Nguyễn ái Quốc trực tiếp giác ngộ, kết nạp đưa vào tổ chức. Sự xuất hiện của nhóm thanh niên cách mạng với 9 hội viên này tuy còn nhỏ bé trên con đường dựng Đảng, lập Đoàn, nhưng đó là thời điểm khai sinh ra một thế hệ thanh niên mới, một sự kiện quan trọng mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển các tổ chức thanh niên cách mạng theo xu hướng Cộng sản chủ nghĩa ở Việt Nam. Đồng thời với sự ra đời của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đặt nền móng cho sự ra đời của Đảng vào năm 1930 sau này, thì sự xuất hiện của nhóm thiếu nhi Cộng sản của Việt Nam vào năm 1926, với 8 thiếu niên đầu tiên là quá trình chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức, lực lượng để hình thành tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương vào tháng 03/1931, sau khi Đảng ra đời một năm. Vào cuối năm 1929, ở Việt Nam xuất hiện ba tổ chức Cộng sản, cùng với nó là xuất hiện nguy cơ chia rẻ, mất đoàn kết, vì vậy để phong trào tiếp tục phát triển cần phải tập hợp lực lượng, có một tổ chức Cộng sản chân chính đủ sức lãnh đạo cách mạng.

Đầu tháng 01/1930, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn ái Quốc đã tổ chức Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản tại Hương Cảng - Trung Quốc. Hội nghị đã nhất trí thành lập một đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt trọng đại của lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối lãnh đạo và giai cấp lãnh đạo ở nước ta.

Tháng 10 năm 1930, đã diễn ra một sự kiện quan trọng của cách mạng Việt Nam và phong trào thanh niên nước ta, đó là Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất thảo luận và thông qua nhiều văn kiện có ý nghĩa lịch sử, trong đó có "án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động" của Trung ương, toàn thể hội nghị đã nêu bật “Phải kéo họ ra khỏi ảnh hưởng quốc gia, phong kiến, đế quốc. Muốn được như vậy, chỉ có tổ chức ra một đoàn thể của thanh niên mới được. Đồng thời nghị quyết cũng khẳng định “Việc tổ chức ra Cộng sản Thanh niên Đoàn là một việc cần thiết - quan trọng như việc của Đảng vậy”. Từ đó Đảng chỉ thị “ Thanh niên phải có một đoàn thể độc lập, có cơ quan chỉ huy riêng”.Thực hiện án nghị quyết tháng 10/1930 về công tác thanh niên của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất, các cơ sở Đoàn đã được xây dựng trên khắp cả nước từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên hệ thống của Đoàn chưa được thống nhất và Đoàn chưa có sinh hoạt riêng. Hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng lần thứ hai tại Sài Gòn từ ngày 20 đến 26/03/1931, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã dành nhiều thời gian để bàn về công tác xây dựng Đảng và xây dựng Đoàn. Trên cơ sở nghiên cứu bức thư của Ban Chấp hành Quốc tế Thanh niên Cộng sản gửi cho Đảng ta, Hội nghị đã nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện nghị quyết lần thứ nhất (tháng 10/1930), trong đó có nêu rõ: “Tổ chức ra Cộng sản thanh niên Đoàn là một nhiệm vụ thâu phục một bộ phận quan trọng của giai cấp vô sản, là một vấn đề cần kíp mà Đảng phải giải quyết. Tuy nhiên, đến nay không ở đâu tiến lên được bước nào. Trái lại thái độ trong Đảng lại rất hờ hững về vấn đề Đoàn. Từ đó, trong án nghị quyết của Trung ương toàn thể Hội nghị lần thứ hai, phần nhiệm vụ cần kíp ghi rõ: “Cần kíp tổ chức ra Cộng sản Thanh niên Đoàn, Đảng cần kíp đánh tan cái thái độ lững lờ, lãnh đạm với vấn đề đó. Lập tức các đảng bộ địa phương phải mau mau tổ chức những ủy viên tổ chức ra Đoàn, đốc xuất cho chi bộ tổ chức. Đảng bộ các địa phương phải gây ra cơ sở của Đoàn”.

Là người theo dõi sát sao tình hình xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức Đoàn, trong thư gửi Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 20/04/1931, Nguyễn ái Quốc đề nghị: “Đảng phải trước tiên phải thống nhất tổ chức thanh niên và Công hội và những tổ chức đó phải có sinh hoạt độc lập của mình”.

Đến tháng 03/1931, sau một quá trình chuẩn bị, được sự lãnh đạo và tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng Đông Dương, của Đảng Cộng sản Đông Dương, cũng như sự lãnh đạo, trực tiếp bồi dưỡng đào tạo của Nguyễn ái Quốc, tổ chức cơ sở ở nước ta “từ bắt đầu hiếm hoi” với một nhóm nhỏ 8 thiếu niên do Bác Hồ trực tiếp chăm sóc, dìu dắt, sau 5 năm đã phát triển và trưởng thành vượt bậc. Lúc này, trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam của nước ta đã xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với hơn 1.500 đoàn viên. ở một số địa phương đã hình thành Đoàn từ cơ sở huyện, tỉnh, dần dần đã trở thành lực lượng hùng hậu, lực lượng xung kích của Đảng, cống hiến hết mình trong cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam quang vinh.

Thể theo nguyện vọng và đề nghị của tuổi trẻ khắp cả nước và Bí thư trung ương Đoàn, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Bác Hồ kính yêu, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đoàn (tháng 03/1961) đã ra nghị quyết lấy ngày 26/03/1931, một trong những ngày cuối của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai họp tại Sài Gòn, do đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì bàn về công tác xây dựng Đoàn, làm ngày kỷ niệm thành lập Đoàn. Ngày 26/03 hàng năm đã đi vào lịch sử vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam.