“Không được chậm trễ! Không được nghỉ nhé!” - câu nói sâu sắc, nhiều ý nghĩa của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười (khi đó là Phó Thủ tướng kiêm Trưởng ban Ban Phụ trách xây dựng Lăng Bác) đã đi sâu vào ký ức những người có vinh dự tham gia buổi họp tối ngày 29/01/1973.
Lịch sử dân tộc mãi ghi nhớ buổi sáng ngày 02/9/1969, đồng hồ điểm 9 giờ 47 phút, trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh ngừng đập. “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn…”. Tin Bác qua đời như một tiếng sét đánh dữ dội, làm xáo trộn tất cả sinh hoạt của đất nước. Những dòng nước mắt đau thương của đồng bào cả nước không ngừng rơi vĩnh việt con người vĩ đại nhất. Thấu hiểu sâu sắc và thể theo nguyện vọng rất thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người”.
Vì vậy, sau ngày Bác qua đời, việc xây dựng Lăng trở thành một vấn đề cấp bách. Việc chuẩn bị thi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiến hành khẩn trương.
Câu nói truyền quyết tâm
Ngày 19/01/1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký (tại Quyết định số 16/CP ngày 19/01/1970).
Ngày 30/11/1971, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định chính thức thành lập Ban Phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm:
- Đồng chí Đỗ Mười - Phó Thủ tướng - Trưởng ban.
- Đồng chí Bùi Quang Tạo - Bộ trưởng Bộ Kiến trúc - Phó ban.
- Đồng chí Phùng Thế Tài - Phó Tổng tham mưu trưởng - Ủy viên.
Lực lượng chủ lực, nòng cốt xây dựng công trình Lăng là Bộ Quốc phòng và Bộ Kiến trúc.
Nhận nhiệm vụ cao cả này, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười (khi đó đang giữ chức Phó Thủ tướng - Trưởng ban Ban Phụ trách xây dựng Lăng) cùng toàn Ban đã hạ quyết tâm sẽ sớm khởi công và khánh thành Lăng Bác. Đồng chí đã chỉ định một Ban Chỉ huy công trường gồm các đồng chí: Kiến trúc sư Vương Quốc Mỹ, Chỉ huy trưởng; Thượng tá Phạm Bá Đặng (Công binh), Phó Chỉ huy thứ nhất; Trung tá Lương Soạn (Công binh), Phó Chỉ huy phụ trách vật tư; đồng chí Nguyễn Nhi, Phó Chỉ huy kiêm Bí thư Đảng ủy công trường; đồng chí Nguyễn Văn Bé, Phó Chỉ huy phụ trách kỹ thuật. Cùng với đó, đồng bào cả nước cũng sôi nổi để bắt tay vào chuẩn bị xây Lăng Bác.
Nhưng đúng lúc công việc đang tiến hành thì ngày 16/4/1972, Mỹ đã cho máy bay bắn phá miền Bắc, trọng điểm là Hà Nội và Hải Phòng. Tình thế này buộc Bộ Chính trị quyết định dừng việc xây dựng Lăng, để nhân dân cả nước dồn sức đánh bại kẻ thù. Với tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm, trong 12 ngày đêm từ 18 - 30/12/1972, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Chỉ hơn ba tuần sau trận đại thắng B52, các cán bộ trong Ban Phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả Ban Chỉ huy công trường 75808 (ký hiệu công trường xây Lăng Bác có từ năm 1971) đã nhận được giấy triệu tập họp của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười. Giấy mời họp vào buổi tối ngày 29/01/1973. Tất cả các thành viên được mời họp đều rất mừng và biết ngay là việc gì rồi.
Những cán bộ được triệu tập hôm ấy vẫn nhớ như in về buổi tối ngày 29/01/1973, dù thời tiết rét khá đậm nhưng trong lòng người ai ai cũng rất ấm. Tất cả tề tựu quanh chiếc bàn họp lớn, dưới ánh đèn sáng choang. Đồng chí Đỗ Mười với gương mặt rất tươi vui, với giọng nói sang sảng, chính thức truyền đạt lại quyết định của Bộ Chính trị về việc tiếp tục xây dựng Lăng Bác. Rồi đồng chí truyền đạt tiếp những chỉ thị cụ thể của đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị - người đã được phân công trực tiếp chỉ đạo công trình xây Lăng. Đồng chí Trường Chinh vẫn nhắc và nhấn mạnh lại ý nghĩa rất to lớn của Công trình Lăng Bác: “Đây sẽ là công trình kiến trúc vĩ đại mà trong lịch sử xây dựng của Việt Nam chưa từng có, đòi hỏi chất lượng rất cao, sử dụng nhiều loại vật liệu rất quý hiếm và mới... Lăng Bác sẽ được xây dựng không phải chỉ bằng bàn tay, khối óc của những người trực tiếp tham gia xây dựng mà còn bằng cả trái tim và công sức đóng góp của toàn dân tộc... Công trình này phải được hoàn thành với thời gian sớm nhất. Các chuyên gia hàng đầu tính toán mọi mặt về cả chính trị, cả khoa học, kỹ thuật trình lên, đã được Bộ Chính trị duyệt...".
Các nội dung đã quan trọng lại được truyền đạt một cách hăng say và sôi nổi của đồng chí Phó Thủ tướng kiêm Trưởng ban Phụ trách xây dựng Lăng, làm mọi người càng thêm phấn chấn.
Phổ biến xong mọi việc, đồng chí Đỗ Mười lại vui vẻ vừa như động viên vừa như ra lệnh: "Các đồng chí đã rõ cả rồi đấy, phải hết sức quan trọng và cũng hết sức phải khẩn trương”.
Mọi người cùng tươi cười thể hiện sự đồng tình và quyết tâm của mình, rồi cùng đi vào bàn thảo những nội dung cụ thể phải tiến hành ngay trước mắt và lịch làm việc tổng quát. Tuy rất vui, rất phấn chấn, nhưng trong thâm tâm không phải không có người vẫn có phần thầm lo: Thời gian 2 năm là căng! Không hiểu dốc sức dốc của ra, rồi có kịp không?... Không riêng các ủy viên mà cả đồng chí Tổng Tham mưu phó quân đội Phùng Thế Tài và đồng chí Bộ trưởng Bộ Kiến trúc Bùi Quang Tạo cũng ít nhiều cùng tâm trạng như vậy. Tuy vậy không khí bao trùm vẫn là sự hào hứng và niềm tin tưởng.
Khuya, cuộc họp mới kết thúc với những cái bắt tay rất chặt như để thay thế cho những lời hứa hẹn cam kết, và cũng để bày tỏ niềm tin to lớn, mạnh mẽ...
"Không được chậm trễ! Không được nghỉ nhé!" - Nụ cười lại nở rộng, đồng chí Đỗ Mười lại sang sảng đứng trên thềm vui vẻ nói theo mọi người đang khẩn trương ra về trong cái rét diêu diêu cuối năm. Câu nói ấy không chỉ là mệnh lệnh, cũng không chỉ là lời động viên, nhưng ai cũng thấy vui ở cái ý, cái tình, mọi người cùng ngoái đầu lại cười theo. Sự đồng cảm làm ấm lòng mọi người.
Câu nói của đồng chí Đỗ Mười trong cuộc họp ấy như sưởi ấm lòng người giữa đêm giá rét, truyền ngọn lửa quyết tâm hành động tới tất cả mọi người. Để rồi, 8 giờ sáng ngày 18/6/1973, đã diễn ra lễ tháo dỡ lễ đài Ba Đình cũ và ngày 02/9/1973 đã diễn ra lễ khởi công xây dựng Lăng Hồ Chủ tịch.
Một số cán bộ kỹ thuật tham gia xây Lăng Bác chụp ảnh kỷ niệm với đồng chí Đỗ Mười - Trưởng ban Ban Phụ trách xây dựng Lăng. Ảnh: http://www.qdnd.vn
Quyết tâm hoàn thành Công trình đúng kế hoạch
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi việc được tiến hành nhanh chóng, cẩn trọng. Ngày đêm trên công trường xây dựng Lăng Bác nhộn nhịp tiếng búa, tiếng máy, tiếng cười, mọi người đều mong sao Lăng sớm được khánh thành để được gặp lại Bác sau thời gian Người đi xa.
Và sức mạnh của tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, quân dân một lòng, với tất cả tình yêu, sự kính trọng, nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ngày 29/8/1975, Công trình Lăng chính thức khánh thành. Lễ khánh thành được tổ chức ở Hội trường Ba Đình, đối diện với Lăng Bác. Có thể nói, chưa bao giờ Hà Nội có một buổi lễ đặc biệt như thế này. Mọi người đến dự đều trào dâng một niềm xúc động lạ thường.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kỳ đài lịch sử của thế kỷ XX, là công trình của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô và Liên bang Nga ngày nay; công trình của “Lòng dân - ý Đảng”; là biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; một kỳ quan vĩ đại của thế hệ hôm nay tặng lại cho muôn đời con cháu mai sau… như lời Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh phát biểu tại Lễ khánh thành Lăng ngày 29/8/1975: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Người; xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
23 giờ 12 phút ngày 01/10/2018, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từ trần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nhớ về những năm tháng công tác của cố Tổng Bí thư, mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhớ về những đóng góp quan trọng của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười với Công trình Lăng. Đặc biệt, trong một lần về thăm Ban Quản lý Lăng, cố Tổng Bí thư đã nói: Công trình Lăng Bác là công trình tượng trưng lòng kính yêu không bờ bến của nhân dân cả nước đối với Bác Hồ, là công trình kiến trúc vĩ đại nhất, từ công trình Lăng Bác mà ta có những công trình vĩ đại của đất nước. Không một thế lực nào có thể chia rẽ khối đại đoàn kết của toàn dân tộc mà Đảng ta là ngọn cờ lãnh đạo, là hạt nhân đoàn kết.
Với những người có vinh dự được tham gia thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng xây dựng Lăng Bác Hồ sẽ không bao giờ quên ký ức đẹp đẽ về khoảng thời gian lịch sử ấy, cũng như hình ảnh đồng chí Đỗ Mười - cố Trưởng ban Ban Phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người luôn sát cánh bên anh em trong suốt quá trình xây dựng Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, để Lăng Bác hôm nay trở thành nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người Việt Nam đối với người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất./.
Tài liệu tham khảo:
Nhà văn Hồ Phương, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đài hoa vĩnh cửu, Nxb Quân đội nhân dân, H. 2015.
(Nguồn Trang thông tin điện tử Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Tin khác