Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người giản dị. Càng giản dị, Người càng trở nên vĩ đại và vì Người vĩ đại thực sự nên giản dị. Bác rất ghét thói khoa trương, ham chuộng hình thức.
Trong sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh-một huyền thoại kỳ vĩ” của Ban Tuyên giáo Trung ương có đăng câu chuyện về chuyến thăm quê nhà Nghệ An của Bác. Hôm đó, Tỉnh ủy chuẩn bị một chiếc xe ô tô mui trần, kết vải trắng quanh xe để đón Bác. Vừa nhìn thấy chiếc xe đó, Bác đã nói luôn: “Chiếc xe này mấy chú ngồi chứ Bác không ngồi. Các chú làm hình thức, tốn kém quá. Bác về quê là thăm đồng bào, quê hương, chứ có là quan cách đâu”. Bác không chịu ngồi xe có kết vải trắng. Người đi đến chiếc xe mui trần của bảo vệ đi đầu và lên ngồi phía sau lái xe.
Lúc về đến nhà khách, Bác ngồi nói chuyện với các đồng chí trong Tỉnh ủy. Từ trong nhà nhìn ra con đường đi vào, Bác thấy có nhiều bông hoa rực rỡ, nở đều, được trồng hai hàng ngay ngắn. Người đi ra, dùng tay nhổ nhẹ một cành lay ơn. Lạ thay, cành hoa nhẹ bẫng, ở dưới không có một cái rễ nào. Bác gọi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tới và nói: “Chú có thấy đây là việc làm thiếu chân thực, có cái gì dối trá. Bác tưởng các chú trồng được hoa thì hay, có cây làm cảnh đẹp, tốt cho môi trường. Nhưng vì Bác vô thăm nên các chú phải mua bông này “trồng”. “Trồng” hình thức nó không sống được. Đây là một thứ phô trương hình thức giả dối”. Rồi Bác nói thêm: “Bác về là để thăm đồng bào, thăm cuộc sống quê hương, coi các chú làm ăn ra sao. Đón Bác như thế này, Bác không vừa lòng”. Các đồng chí trong Tỉnh ủy Nghệ An liền xin lỗi Bác ngay và hứa với Bác sẽ sửa chữa khuyết điểm.
Lần khác, Bác về Hải Hưng tham gia chống hạn với nông dân. Nghe tin Bác về, các đồng chí lãnh đạo tỉnh tổ chức đón Bác long trọng. Bác không hài lòng, Bác phê bình ngay: “Bác về là đi chống hạn chứ có phải đi chơi đâu mà đón tiếp”. Bác mặc như một lão nông thực sự. Người đi rất nhanh đến chỗ nhân dân đang đào mương. Bác vội xắn quần, xắn tay áo xuống cùng đào đất với bà con, để lại phía sau nhiều cán bộ đang trong những bộ quần áo bảnh bao đứng lúng túng, ngại ngùng.
Khi về Hà Đông chống hạn, đến một con mương chắn ngang đường, một đồng chí lãnh đạo tỉnh mời Bác đi vòng đến chỗ dễ qua hơn. Nhìn xuống, thấy đồng chí này đi đôi giày bóng lộn, Bác bảo: “Chú cứ đi đường ấy”, rồi Bác cởi dép, lội tắt qua cho nhanh để đến với nông dân đang tát nước chống hạn. Sang bờ bên kia, Bác bảo mọi người cùng tát nước giúp dân. Bác chỉ một thanh niên ăn mặc bảnh bao cùng tát nước với Bác, nhưng đồng chí này không biết tát nước, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đỡ lời: “Thưa Bác, đồng chí này là nhà báo ạ”. Bác cười và nói: “Nhà báo của nông dân thì phải biết lao động như nông dân thì viết mới đúng được”.
Những câu chuyện nhỏ mà để lại bài học lớn, sâu sắc.
Bệnh hình thức đã tồn tại từ lâu và đến nay vẫn còn khá phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị, trong thói quen sinh hoạt, làm việc của không ít cán bộ, đảng viên.
Bệnh hình thức thường gắn với quan liêu, cơ hội, lãng phí. Rõ nhất là lãng phí. Nhiều nơi xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị của các cơ quan, đơn vị vượt quá mức cần thiết, trụ sở xây chưa được bao lâu đã đập đi làm mới, theo kiểu “tân quan, tân trụ sở”. Có nơi trụ sở hành chính còn chăng đèn kết hoa, vừa diêm dúa, vừa tốn kém. Tổ chức nhiều hoạt động còn mang tính phô trương, ồn ào, nhằm đánh bóng tên tuổi và làm đẹp lòng cấp trên. Những hiện tượng giăng khẩu hiệu màu mè “xanh xanh đỏ đỏ” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở hoặc giới thiệu, chào mừng dềnh dàng, “kính thưa” tràn lan, hoan hô kéo dài… vẫn còn diễn ra.
Bệnh hình thức còn thể hiện trong tổ chức hội họp. Không ít cơ quan, đơn vị tổ chức tổng kết, hội thảo, tọa đàm, gặp mặt ở những khu du lịch nổi tiếng, ở khách sạn đắt tiền, khách được đưa đón. Chất lượng hội họp không chú trọng thực chất, làm việc nặng nề, báo cáo, ý kiến dài lê thê. Trong khi đó, cố mời cho nhiều lãnh đạo cấp trên, văn nghệ rình rang, tiệc tùng tốn kém.
Để “trị” căn bệnh hình thức, đòi hỏi cần sự thống nhất nhận thức, hành động của từng tổ chức và mỗi cá nhân, nhất là người đứng đầu, trong đó nhiệm vụ trước mắt là tập trung khắc phục trong chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Các cấp ủy cần quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh, nổi cộm đang đặt ra trên địa bàn quản lý. Đổi mới phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đề cao tính nguyên tắc, dân chủ, gương mẫu và nói đi đôi với làm. Tháng 3-1947, trong thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 8 khuyết điểm của cán bộ và yêu cầu “phải kiên quyết tẩy sạch”, trong đó có khuyết điểm “ham chuộng hình thức”: Thích hình thức bề ngoài, phô trương cho oai. Lời nhắc nhở của Người đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự…
Tin khác