• Loading...
 
CHÂN DUNG "NGƯỜI KỂ CHUYỆN BÁC HỒ"
Ngày xuất bản: 11/04/2020 9:45:00 SA

 GS, TS Hoàng Chí Bảo, người đã dành gần 50 năm sưu tầm, nghiên cứu, kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

1. Giáo sư Hoàng Chí Bảo là người gốc Hà Nội, lại được sinh ra ở miền trung du, nơi có phong cảnh nên thơ, rừng cọ - đồi chè, tuổi thơ của ông gắn liền với dòng sông Lô thơ mộng, với đời sống thôn quê hiền hậu, nghĩa tình. Phải chăng vì vậy trong tâm hồn ông có cả sự tinh tế của người Hà Nội, và cả sự hiền hậu, đa cảm của người đất Tổ.

Mỗi lần trở lại Việt Trì (Phú Thọ), GS, TS Hoàng Chí Bảo vẫn thường về Trường Tiểu học Bình Sơn (Huyện Lập Thạch) để kể chuyện Bác Hồ cho các cháu học sinh ở đây nghe. Câu chuyện về Bác dường như dồi dào cảm xúc hơn khi ông kể ở vùng quê nơi mình cất tiếng khóc chào đời.

Cảm phục Bác Hồ bao nhiêu thì GS, TS Hoàng Chí Bảo lại tự dặn lòng mình cố gắng nỗ lực hết sức để sưu tầm, kể về tấm gương đạo đức, phong cách của Bác đến với mọi người, ở mọi miền Tổ quốc bấy nhiêu. Giáo sư Hoàng Chí Bảo đã đưa được những câu chuyện về Bác đến tận vùng biên giới xa xôi nhất, vùng địa đầu Tổ quốc như Hà Giang. Giữa núi rừng Tây Bắc mênh mang, trong không khí lao động hăng say, những người dân háo hức nghe câu chuyện về Bác được phát đi từ những chiếc đài, chiếc loa truyền thanh của thôn bản.

Những câu chuyện của GS, TS Hoàng Chí Bảo còn lay động hàng triệu con người. Đặc biệt những người đã không may mắn được nhìn thấy ánh sáng cũng như khuôn mặt của chính mình, cũng chưa từng được nhìn thấy ảnh Bác Hồ nhưng GS,TS Hoàng Chí Bảo đã khơi gợi cho họ những hình dung thật sống động về chân dung và con người của Bác bằng chính những câu chuyện kể về Người.

Làm việc với GS, TS Hoàng Chí Bảo, người ta nhìn thấy ở ông chân dung của một nhà khoa học thuần túy, luôn làm việc hết mình để cống hiến. Thói quen của một người làm nghiên cứu khoa học đã giúp ông có tư duy minh triết và tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Chỉ những ai thực sự tiếp xúc với ông, đọc những gì ông viết, nghe những gì ông nói mới cảm nhận được sự chân thành, nghiêm túc, hết mình trong công việc của ông. GS, TS Hoàng Chí Bảo luôn tìm tòi những cách kể chuyện sao cho cuốn hút và thuyết phục người nghe.

GS, TS Hoàng Chí Bảo cho rằng: Kể chuyện về Bác Hồ mà chỉ dừng lại ở việc đưa thông tin sự kiện thì khó thuyết phục người nghe. Vì thế, tôi đã kể về Bác theo một cách mới là kể về cái tâm, cái đức của Bác. Điều đó đã mang lại sự thích thú cho những buổi nói chuyện. Ngày đầu đứng lên bục kể chuyện về Bác Hồ, tôi mới ngoài 20 tuổi. Kinh nghiệm chuyên môn còn ít khiến tôi chưa tìm được những điểm nhấn cho câu chuyện để gây sự thích thú cho người nghe. Điều này khiến tôi luôn cảm thấy lo lắng, không yên. Trong các buổi giải lao giữa giờ, tôi đã chủ động đến hỏi chuyện với các học viên để tìm hiểu xem họ muốn nghe những gì, qua trao đổi, tôi nhận ra một điều, đó là; kể những câu chuyện về Bác nhưng không phải đơn thuần là những thông tin trên sách vở mà là những câu chuyện bình dị, đời thường của Bác”.

2. Giờ đây, dù đã có nhiều năm kinh nghiệm kể chuyện về Bác nhưng GS, TS Hoàng Chí Bảo vẫn luôn có nhiều áp lực trước mỗi buổi thuyết trình. Bởi kể cùng một câu chuyện về Bác nhưng phải tùy vào thời điểm, đối tượng và hoàn cảnh khác nhau để tìm ra cách kể chuyện phù hợp. Do đó đòi hỏi người kể phải nhìn thấu, vượt qua những áp lực để tạo cho mình dấu ấn riêng mới có được sự đồng cảm của người nghe.

Bác Hồ đã đi xa nhưng hình ảnh Bác vẫn được lưu truyền mãi qua những trang sách, qua những câu chuyện kể của GS, TS Hoàng Chí Bảo và những người kế tiếp ông, đến với thế hệ hôm nay và mai sau. Những câu chuyện về Bác chắc chắn sẽ tiếp tục được GS, TS Hoàng Chí Bảo mang theo trong những chuyến hành trình đầy nhiệt huyết của mình đến mọi miền Tổ quốc, dù giờ đây ông đã tuổi cao sức yếu. Để rồi sau những chuyến hành trình ấy sẽ có thêm nhiều những “Người kể chuyện Bác Hồ” được ông truyền cảm hứng để nối tiếp ông kể những câu chuyện về Người./.