• Loading...
 
Làm rõ bản chất "dân chủ", "nhân quyền"
Ngày xuất bản: 10/06/2023 10:00:00 SA

 Lên án Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, “không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”, kêu gọi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới đem lại nền dân chủ thực sự”…là những luận điệu không mới của các thế lực thù địch, phản động, nhưng vẫn đánh lừa được một bộ phận những người nhẹ dạ, cả tin. Đây là sự phủ nhận sạch trơn những thành quả mà Nhân dân ta đã đạt được trong hơn 70 năm qua, thực tế là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Dân chủ, nhân quyền là thành tựu chung của nhân loại trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bất công dưới chế độ phong kiến hà khắc, không phải là sản phẩm do chủ nghĩa tư bản tạo ra. Trong cuộc đấu tranh đó, giai cấp vô sản đã từng là động lực to lớn, là lực lượng không thể thiếu của cách mạng tư sản. Mặc dù, dân chủ, nhân quyền đã được đề cập trong các bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ, Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền năm 1789 của Pháp, nhưng, Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp đều là các cuộc cách mạng không đến nơi, bởi vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục (tước đoạt) công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Vì vậy, không thể coi dân chủ, nhân quyền theo kiểu Mỹ, Pháp là mẫu mực chung nhất để áp đặt cho các quốc gia có chủ quyền khác, càng không thể áp đặt với một nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam được.

Dân chủ, nhân quyền do chúng ta bền bỉ đấu tranh mà có, không phải do các nước thực dân, đế quốc phương Tây đem đến cho Nhân dân ta. Họ không có quyền và tư cách phán xét dân chủ, nhân quyền của ta. Mặc dù luôn rêu rao tự do, bình đẳng, bác ái, song cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã gây ra các cuộc chiến tranh tàn khốc, hao người tốn của ở Việt Nam. Chúng ta chỉ thực sự có dân chủ, nhân quyền sau khi tiến hành kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thành công. Vì vậy, các nước phương Tây như Pháp, Mỹ không có quyền và tư cách để phán xét nền dân chủ mà chúng ta đã và đang xây dựng.

Dân chủ của ta là dân chủ xã hội chủ nghĩa – dân chủ cho tất cả nhân dân lao động, đối lập hoàn toàn với dân chủ tư bản chủ nghĩa – dân chủ cho giai cấp tư sản. Bản chất của dân chủ là tất cả mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đẳng định “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2013 viết “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức… Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Nếu phương Tây, điển hình là Mỹ tự hào về tính ưu việt của chế độ tự do, coi nhân quyền cơ bản là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo và tuyển cử, thì chúng ta lại coi vấn đề nhân quyền cơ bản nhất là chăm sóc sức khỏe, cung cấp nhà ở, đất đai, chăm sóc giáo dục không mất tiền và ai cũng có công ăn việc làm. Vì tính ưu việt đó mà nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam luôn là mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch.

Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân chủ, nhân quyền. Đó là Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các Nghị quyết số 45/1998/NQ – UBTVQH; số 4655/1998/NQ - UBTVQH; số 60/1998/NQ – UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ ban hành các nghị định về thực hiện Quy chế dân chủ ở ba loại hình cơ sở. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ – CP quy định về Quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã. Hiện nay, Nghị định này được thay thế bởi Nghị định số 79/2003/NĐ – CP về ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Ngày 01/7/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL – UBTVQH về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2013 dành hẳn Chương II để nói về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Chúng ta cũng đã ban hành Luật báo chí, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật bình đẳng giới, Luật bảo vệ bà mẹ, trẻ em, Luật hôn nhân, gia đình... Như vậy, không có chuyện chúng ta vi phạm dân chủ, nhân quyền như truyền thông phương Tây đã đưa tin.

Đa nguyên, đa đảng không bảo đảm được dân chủ đích thực. Quyền lực luôn luôn thuộc về một giai cấp – giai cấp thống trị, không bao giờ có quyền lực cho mọi giai cấp. Bản chất của đa nguyên, đa đảng trong xã hội tư bản chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là bảo đảm quyền lực cho giai cấp tư sản bóc lột. Nước Mỹ tự xưng là đa đảng, nhưng thực chất chỉ là một đảng, đảng của giai cấp tư bản, dù là Dân chủ hay Cộng hòa. Vì vậy, đa nguyên, đa đảng không bao giờ tiến tới một nền dân chủ thực sự. Hãy nhìn vào các nước nhận sự tài trợ về dân chủ, nhân quyền của Mỹ hiện nay như Lybia, Irac, Afghanistan…chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.

Mọi chế độ xã hội, dân chủ phải gắn với pháp luật, kỷ luật, kỷ cương, không thể có dân chủ vô chính phủ, dân chủ đứng trên pháp luật. Việc Nhà nước ta tiến hành các biện pháp ngăn chặn thông tin xấu, độc, kiểm soát hoạt động báo chí, Internet là hoàn toàn đúng, nhằm bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân. Mỹ và phương Tây lên án ta vi phạm tự do báo chí, tự do Internet là vô căn cứ, là can thiệp vào công việc của một quốc gia có chủ quyền, là phủ nhận, chà đạp lên pháp luật Việt Nam. Thực tế, hoạt động báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam rất phát triển. Theo thống kê, Việt Nam đã có hơn 850 cơ quan báo in, 105 cơ quan báo điện tử, 207 trang thông tin điện tử, 67 đài phát thành truyền hình, 75 kênh truyền hình nước ngoài như CNN, BBC, TV5, NHK, KBS, Bloomberg…Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển Internet hàng đầu khu vực, với hơn 35 triệu người có tài khoản Facebook; khoảng 50 triệu người sử dụng Internet, chiếm hơn 52% dân số. Vì vậy, nói Việt Nam không có tự do báo chí, tự do Internet thì thật là trơ trẽn, thiếu thiện chí.

Thực tế dân chủ, nhân quyền phương Tây hiện nay, đó là nền dân chủ giả hiệu, với rất nhiều vụ vi phạm dân chủ, nhân quyền. Điển hình như vụ truy nã Edward Snowden, cựu nhân viên CIA vì đã tố giác Chính phủ Mỹ nghe lén điện thoại của công dân và chính phủ các nước khác; vụ tấn công trụ sở báo Charlie Hebdo (Pháp) làm 29 người thương vong. Đặc biệt, vụ nữ phóng viên Alison Parker, 24 tuổi và quay phim Adam Ward, 27 tuổi của Đài truyền hình WDB7 bị bắn chết vào sáng 26/8/2015 tại thành phố Moneta, bang Virginia, Mỹ. Về tuyển cử thì có tiền mới được ra ứng cử, ứng cử viên Tổng thống Mỹ phải thoả mãn những tiêu chuẩn bắt buộc do Hiến pháp nước này quy định, trong đó điều kiện “sinh ra tại Mỹ” hiện vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi, song cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. Đó là nạn phân biệt chủng tộc, sắc tộc, Mỹ là quốc gia có nhiều vụ xả súng kinh hoàng nhất thế giới, đơn cử vụ xả súng ngày 12/6/2016 ở hộp đêm Pulse, trung tâm thành phố Orlando do Omar Saddiqui Mateen, 29 tuổi thực hiện, khiến 50 người thiệt mạng và 53 người khác bị thương. Hoặc trắng trợn vi phạm dân chủ, nhân quyền các quốc gia có chủ quyền khác như Afghanistan, Irac, Lybia, Xyria…bằng bom, đạn.

Thực tế sinh động ở Việt Nam những năm qua đã cho thấy tính chất ưu việt của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nó khác xa so với những gì mà truyền thông phương Tây đưa tin, đối lập hoàn toàn với dân chủ kiểu phương Tây. Vì vậy, đoàn kết đồng lòng xây dựng chế độ, cảnh giác, đập tan luận điệu xuyên tạc của bọn phản động là trách nhiệm của toàn dân. Đó chính là cuộc đấu tranh vì cuộc sống và hạnh phúc của chính mình.