• Loading...
 
Nhìn từ đại án Việt Á: Cái gọi là “Đề tài khoa học” và những trò đánh bóng để bán hàng
Ngày xuất bản: 17/08/2023 3:27:00 CH

Mới đây Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra bản Kết luận điều tra (KLĐT) Vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.

Bản kết luận chỉ ra “liên minh ma quỷ" đã “phù phép” đề tài khoa học sử dụng tiền của Nhà nước cho tư nhân “độc quyền" khai thác sử dụng. Hơn nữa, cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) còn dùng thủ thuật để “đánh bóng" tên tuổi cho doanh nghiệp, gây nên biết bao hệ luỵ cho cộng đồng.

Bản KLĐT cho thấy, các bị can Chu Ngọc Anh (Cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN), ông Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH&CN)... đã bỏ qua nhiều quy định của Nhà nước trong việc thực thi đề tài khoa học cấp quốc gia, tạo điều kiện cho Phan Quốc Việt (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) được “độc quyền" sử dụng đề tài này và sản xuất ra các bộ test xét nghiệm. Với giá gấp nhiều lần giá thị trường, các bộ test xét nghiệm này vẫn được nhiều cơ quan ban ngành địa phương mua và tổ chức việc “ngoáy mũi" cho hàng triệu người dân suốt trong 2 năm 2020-2021. Việc này đã giúp cho Công ty Việt Á thu được khoản lợi nhuận bất chính lên đến hơn 1.200 tỷ đồng. Phan Quốc Việt đã dùng số "tiền bẩn" này để hối lộ hàng loạt các quan chức, cán bộ thuộc Bộ KH&CN, Bộ Y tế số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng.

Các bị can trong vụ án cũng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài, nhanh chóng “dọn đường” cho Việt Á đưa sản phẩm ra thị trường. Quá trình từ đề tài khoa học cấp Nhà nước cho đến lúc ra thành phẩm được thực hiện “thần tốc" chưa đầy 45 ngày. Cụ thể:

Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và nhiều nước trên thế giới, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ KH&CN về việc chủ động nghiên cứu, phục vụ công tác phòng, chống dịch, Học viện Quân y đã có chủ trương giao Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (trực thuộc Học viện Quân y) tiến hành nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện virus Corona (test xét nghiệm).

Ngày 21/1/2020, ông Hoàng Công Lương, Phó Giám đốc Học viện Quân y đề xuất Bộ KH&CN giao Học viện Quân y triển khai nhiệm vụ phát triển test chẩn đoán viêm phổi do virus Corona (không đề cập đến Công ty Việt Á). Sau khi Học viện Quân y có văn bản, ông Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự gọi điện thông báo cho Trịnh Thanh Hùng biết.

Trước đó Công ty Việt Á đã từng phối hợp với Học viện Quân y thực hiện Đề tài nghiên cứu, sản xuất test xét nghiệm vi khuẩn Lao do Bộ KH&CN phê duyệt năm 2012 - 2013. Việc này đã mở ra mối quan hệ giữa Trịnh Thanh Hùng và Phan Quốc Việt. Để giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu và sau đó sản xuất test xét nghiệm COVID-19, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và bán ra thị trường, Trịnh Thanh Hùng đã gọi điện cho Hồ Anh Sơn yêu cầu trong đề xuất của Học viện Quân y phải đưa Công ty Việt Á là đơn vị tham gia phối hợp nghiên cứu và được ông này đồng ý.

10 ngày sau, Bộ KH&CN đã tổ chức hội thảo các nhà khoa học để xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo ba hướng: “Nghiên cứu để có test xét nghiệm phân biệt người có bệnh hay không có bệnh; Nghiên cứu về dịch tễ xem việc lây nhiễm như thế nào để hạn chế lây lan trong cộng đồng; Tìm hiểu trong và ngoài nước về việc phương pháp chữa trị về mặt lâm sàng, thuốc điều trị”.

Tiếp đó Học viện Quân y đã có Phiếu đề xuất đặt hàng, trong đó nêu Học viện Quân y là đơn vị chủ trì, Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp thực hiện Đề tài nghiên cứu, chế tạo test xét nghiệm. Sau khi nhận được văn bản ngày 21/1/2020 và Phiếu đề xuất đặt hàng ngày 31/1/2020 của Học viện Quân y, Trịnh Thanh Hùng không chuyển cho Văn thư Bộ KH&CN mà làm Tờ trình báo cáo trực tiếp ông Chu Ngọc Anh đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ độc lập cấp quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona và được ông Chu Ngọc Anh đồng ý.

Ngày 31/1/2020, ông Chu Ngọc Anh ký Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn gồm 9 thành viên. Tại cuộc họp Hội đồng tư vấn ngày 2/2/2020, Học viện Quân y có báo cáo giải trình về đề xuất nhiệm vụ, giao Học viện Quân y là đơn vị chủ trì, Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp thực hiện. Trịnh Thanh Hùng đồng ý đề xuất của Học viện Quân y và đề xuất gộp nhiệm vụ nghiên cứu với nhiệm vụ chế tạo 20 ngàn test xét nghiệm (mục đích giúp Công ty Việt Á được tham gia Đề tài vì Học viện Quân y chỉ có chức năng nghiên cứu, không có chức năng sản xuất), được các thành viên Hội đồng tư vấn đồng ý và có Biên bản họp Hội đồng tư vấn, trong đó có nội dung "giao trực tiếp cho Học viện Quân y và Công ty Việt Á".

Chỉ một ngày sau, ông Chu Ngọc Anh ký Quyết định phê duyệt danh mục 3 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Trong đó, nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)" giao trực tiếp cho Học viện Quân y chủ trì và Công ty Việt Á phối hợp.

Do biết Đề tài được Bộ KH&CN cấp kinh phí từ ngân sách, kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước, theo Luật KH&CN, Luật Quản lý tài sản công và Hợp đồng thực hiện Đề tài thì kết quả nghiên cứu phải được bàn giao lại cho Bộ KH&CN. Vì vậy, Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Công ty Việt Á được sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu Đề tài.

Trong quá trình tham gia thực hiện Đề tài, Phan Quốc Việt cùng nhóm nghiên cứu Công ty Việt Á và nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y thường xuyên trao đổi với Hồ Anh Sơn, chủ nhiệm Đề tài, đại diện Học viện Quân y và Trịnh Thanh Hùng, đại diện Bộ KH&CN trong việc quản lý Đề tài và việc nghiên cứu Đề tài. Công ty Việt Á đã nhập nguyên liệu và mua vật liệu để phục vụ sản xuất thử nghiệm test xét nghiệm vào giữa tháng 2/2020.

Từ kết quả sản xuất thử nghiệm, Công ty Việt Á sử dụng mẫu bệnh phẩm từ Học viện Quân y để tiến hành thử nghiệm thành công test xét nghiệm. Sau khi Công ty Việt Á nghiên cứu, hoàn thiện quy trình và sản xuất thành công test xét nghiệm, Phan Quốc Việt trao đổi, thống nhất với Trịnh Thanh Hùng và Hồ Anh Sơn để Công ty Việt Á lập hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm gửi Bộ Y tế.

Để có kết quả nghiệm thu test xét nghiệm làm căn cứ cho Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành Kit xét nghiệm, Trịnh Thanh Hùng đã báo cáo được ông Phạm Công Tạc đồng ý cho nghiệm thu Đề tài. Theo đó, Trịnh Thanh Hùng đã yêu cầu Hồ Anh Sơn để Học viện Quân y có văn bản đề nghị nghiệm thu giai đoạn 1. Ngày 2/3/2020, ông Đỗ Quyết ký công văn gửi Bộ KH&CN đề nghị nghiệm thu giai đoạn 1 "Xây dựng và hoàn thiện quy trình chế tạo test xét nghiệm". Sau khi nhận được văn bản của Học viện Quân y, Trịnh Thanh Hùng đề nghị và ông Phạm Công Tạc đã ký Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 Đề tài (trong khi quy định của pháp luật không quy định việc nghiệm thu giai đoạn, mà chỉ quy định nghiệm thu khi kết thúc đề tài).

Ngày 3/3/2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 họp. Trong tài liệu họp nghiệm thu có tài liệu báo cáo kết quả đánh giá test xét nghiệm do ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương gửi qua email cho Trịnh Thanh Hùng. Kết quả họp, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 có biên bản nghiệm thu, đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho test xét nghiệm (không đề nghị cấp phép sử dụng cho Công ty Việt Á).

Phan Quốc Việt đã sử dụng biên bản nghiệm thu này để Công ty Việt Á lập hồ sơ đề nghị đăng ký lưu hành test xét nghiệm. Để Bộ Y tế nhanh chóng thông qua Việt đề nghị Nguyễn Văn Trịnh, Nguyễn Thanh Long cùng các bị can khác can thiệp, tác động, chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), tham mưu, đề xuất Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời (ngày 4/3/2020), đăng ký lưu hành chính thức (ngày 4/12/2020) test xét nghiệm COVID-19 cho Công ty Việt Á.

Cơ quan chức năng xác định việc Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm là không đúng đối tượng, do Công ty Việt Á không phải chủ sở hữu Đề tài; trái quy định tại Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 và Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31/12/2018 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.

Dù vậy, những việc sai trái không dừng lại ở đây...

Trao bằng khen, dựng chuyện test xét nghiệm được WHO chứng nhận đạt chất lượng

Sau khi Bộ Y tế cấp số đăng ký tạm thời test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, ông Chu Ngọc Anh và ông Phạm Công Tạc đã chỉ đạo để Bộ KH&CN tổ chức họp báo ngày 5/3/2020 công bố kết quả nghiên cứu Đề tài và ra thông cáo báo chí thể hiện Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng test xét nghiệm cho Công ty Việt Á và năng lực sản xuất test xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Tiếp đó, ông Chu Ngọc Anh chỉ đạo Trịnh Thanh Hùng tham mưu, phối hợp với Vụ Thi đua & Khen thưởng Bộ KH&CN hoàn thiện thủ tục để ông Chu Ngọc Anh ký Quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN, ký Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cho Công ty Việt Á và Phan Quốc Việt, các thành viên thuộc nhóm nghiên cứu Công ty Việt Á về thành tích trong nghiên cứu, chế tạo thành công test xét nghiệm.

Ngoài ra ông Chu Ngọc Anh chỉ đạo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN ký văn bản đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng cho Công ty Việt Á về thành tích trong việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng test xét nghiệm.

Trong quá trình Công ty Việt Á phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu Đề tài và tổ chức sản xuất, tiêu thụ test xét nghiệm, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và đẩy nhanh quá trình cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, Trịnh Thanh Hùng cùng Phan Quốc Việt đã cung cấp thông tin cho một số cơ quan truyền thông để tuyên truyền sản phẩm test xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Đồng thời, để khẳng định thương hiệu sản phẩm và được xuất khẩu ra nước ngoài, Trịnh Thanh Hùng đã bàn bạc và cùng Phan Quốc Việt làm các thủ tục, gửi hồ sơ đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng nhận sản phẩm test xét nghiệm cho Công ty Việt Á.

Mặc dù văn bản của Tổ chức Y tế Thế giới chưa cấp chứng nhận test xét nghiệm đạt chất lượng nhưng Trịnh Thanh Hùng đã cung cấp để đăng văn bản này lên cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN và đăng bài thể hiện thông tin sai sự thật “Sản phẩm test xét nghiệm của Công ty Việt Á đã được WHO cấp chứng nhận". Theo đó, nhiều bài báo được đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Căn cứ vào thông tin trên, nhiều địa phương, cơ quan, doanh nghiệp đã đổ xô “đặt hàng" của Công ty Việt Á...