• Loading...
 
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHỐNG BỆNH QUAN LIÊU
Ngày xuất bản: 12/02/2021 4:17:00 CH

Các phân tích khoa học đã chỉ ra rằng, một nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô chính là bệnh quan liêu. Điều này đã được Lênin cảnh báo từ đầu thế kỷ 20: “Toàn bộ công việc của tất cả cơ quan kinh tế của chúng ta bị khốn khổ trước hết vì bệnh quan liêu. Nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”.

hấm nhuần tư tưởng đó, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc chống bệnh quan liêu, xem đó như một cuộc chiến đấu không thể tránh khỏi để xây dựng đảng cộng sản cầm quyền trong sạch, vững mạnh...
Quan liêu là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân
Những người có tư tưởng cá nhân chủ nghĩa thường sống và làm việc theo triết lý vị kỷ, đặt “cái tôi” lên trên hết, việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ nhăm nhăm “mọi người vì mình”.
Chủ nghĩa cá nhân dẫn người ta đến một cuộc sống thấp hèn “không có dũng khí cách mạng, ít lo nghĩ về trách nhiệm của mình, không quyết tâm vươn lên phía trước. Họ hững hờ như người không có lý tưởng, đến đâu hay đến đó, qua tháng, qua ngày”(1).
“Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh.
Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”(2).
Nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là “tư tưởng mẹ” đẻ ra nhiều tư tưởng xấu, trái với đạo đức cách mạng và đạo đức công dân. Người viết: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác... Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(3).
Nguồn gốc của mọi thói hư tật xấu
Quan liêu gắn liền với nhà nước, với bộ máy công quyền. “Quan liêu là sự cai trị của những nhân viên hành chính chuyên nghiệp, một nhóm xã hội riêng biệt gồm những người nắm quyền cai trị, áp đặt ý chí của mình lên toàn xã hội, những thói tật gắn liền với bộ máy hành chính, như giấy tờ phiền nhiễu, hách dịch và thiếu trách nhiệm, thích phô trương”(4).
Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”(5).
Bệnh quan liêu đã làm tiêu vong sự nghiệp của không biết bao nhiêu chính khách và chế độ chính trị. Bệnh quan liêu làm tiêu tan phẩm chất tốt đẹp của cán bộ và cơ quan nhà nước, làm cho dân sợ, dân oán ghét và dân khinh. Quan liêu thường đi đôi với mệnh lệnh, hống hách, vì vậy, Hồ Chí Minh thường gọi chung là “quan liêu mệnh lệnh”. Người cho rằng cán bộ mắc bệnh quan liêu thực chất chỉ là những kẻ giả dối “làm láo, báo cáo hay”, những nhà dân chủ giả hiệu “miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng” nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm, chính sách của Đảng và Chính phủ”(6).
Một nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô chính là bệnh quan liêu. Điều này đã được Lênin cảnh báo từ đầu thế kỷ 20: “Toàn bộ công việc của tất cả cơ quan kinh tế của chúng ta bị khốn khổ trước hết vì bệnh quan liêu. Nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”(7).
Trước khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc nhắc nhở: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí.
Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”(😎.
Tính cấp bách của việc chống bệnh quan liêu
Chúng ta đều biết, sau khi giành được chính quyền thì toàn bộ vấn đề là quản lý xây dựng đất nước để hiện thực hóa những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đã từng có sức mạnh lay động trái tim hàng chục triệu người dân, làm cho họ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh với tất cả kỳ vọng: Chiến đấu vì ngày mai tươi sáng, vì mục tiêu giàu mạnh, dân chủ, công bằng, tự do, no ấm, hạnh phúc...
Lãnh đạo và quản lý là khoa học và nghệ thuật chỉ huy, điều hành đất nước trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Muốn lãnh đạo, quản lý có hiệu lực và hiệu quả thì chủ thể lãnh đạo, quản lý phải làm giàu trí tuệ của mình bằng hai nguồn tri thức: Tri thức khoa học tiên tiến hiện đại và sự hiểu biết thấu đáo tình hình thực tiễn.
Cả hai nguồn ấy, suy cho cùng đều là khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin để cuối cùng đưa ra quyết định đúng. Nhưng do quan liêu nên người (cá nhân, nhóm, tập thể) có quyền ra quyết định, hoặc do chủ quan tự mãn không chịu lắng nghe và học hỏi, hoặc do không sâu sát thực tế, làm việc lối bàn giấy nên “chủ quan, duy ý chí”, không nắm vững quy luật. Cả hai đều đưa tới quyết định sai lầm.
Từ Đại hội VI tới nay, trong nhiều nghị quyết của Đảng đã chỉ ra những khiếm khuyết trong chủ trương, chính sách quản lý, kinh tế-xã hội nhưng do bệnh quan liêu nên hầu như ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực đều vẫn còn những chủ trương, chính sách không đúng. Biết bao là dự án treo, quy hoạch treo, dự án không có hiệu quả, đầu tư xây dựng nhà máy, công trình mang tính hình thức, chạy theo số lượng, phong trào. Cơ chế quản lý thiếu đồng bộ, không có sự phân công rành mạch và không có sự phối hợp ăn khớp nên đã tạo ra lỗ hổng để cho tệ lãng phí, tham nhũng có cơ phát sinh và lây lan như bệnh dịch. Số lãng phí, tham nhũng lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, không những gây tổn hại cho công quỹ mà còn gây ra khốn khó cho một bộ phận dân cư, hơn thế, nó còn gây ra tổn thất lớn nhất là làm mất lòng tin của nhân dân với chế độ và làm giảm uy tín của Nhà nước ta đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ tình trạng bê trễ, làm sai, làm ẩu, làm hư hỏng, thất thoát tiền của và công sức của nhân dân trước hết là do quan liêu và thói vô trách nhiệm của người đứng đầu ngành, cấp, cơ quan ở từng lĩnh vực cụ thể. Cần thay thế những người do quan liêu, chủ quan không chịu học tập mà không biết làm việc, lại càng phải thay ngay những kẻ có trình độ nhưng đã thành “ông quan liêu” thiếu tinh thần phụ trách nên làm hỏng việc. Cần có người đứng đầu cơ quan lãnh đạo, quản lý có trách nhiệm, biết rõ công việc chứ không phải là một “ông quan liêu”, người đó sẽ nghiêm túc chịu trách nhiệm về mọi vấn đề ở cơ quan mình chứ không phải chỉ nhận thành tích, công trạng thuộc về người đứng đầu, còn khuyết điểm cụ thể thì đổ thừa cho cấp phó và thủ trưởng cấp trực thuộc, hoặc nếu có thể thì “bắn” sang cho bộ, ngành khác.
Một vấn đề quan trọng là việc bố trí cán bộ, vì công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém. Tiếc rằng, chính tệ quan liêu đã làm cho việc nhận xét, đánh giá, bố trí, sắp xếp, xử lý cán bộ có một số khuyết điểm trầm trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, những ngành và cơ quan chịu trách nhiệm chính về công tác nhân sự, do bệnh quan liêu nên không hiểu rõ cán bộ rồi lại do thiếu đạo đức và kém tính đảng nên thường phạm những bệnh sau:
“1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.
2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực.
3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình.
Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”(9).
Trên thực tế, những hiện tượng trên vẫn đang còn nhiều. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã từng có những văn bản lên án nghiêm khắc. Nhưng sự chuyển biến vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân. Quần chúng vẫn đang chờ đợi sức mạnh của những tư tưởng chính nghĩa và uy lực của nhà nước pháp quyền bắt những “bóng ma” tham nhũng, lãng phí, chạy chức quyền, hối lộ phải hiện nguyên hình để giáo dục, răn đe, trừng trị. Chính bệnh quan liêu đang là kẻ địch “nội xâm” chống lại uy quyền đó.
Muốn chống nó thì, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, cần phải nghiêm từ trên xuống dưới, cấp trên phải “lo trước thiên hạ” và phải tổ chức việc kiểm tra, thanh tra cho tốt, bố trí cán bộ, lãnh đạo và chuyên viên thanh tra là những người có đạo đức và có uy tín chuyên môn, tức là những người “thật tốt”, tiền bạc không thể lung lay, vật chất không thể cám dỗ và phải có dũng khí đương đầu với những phản ứng từ nhiều phía, nhất là sự bao che, ô dù, phe cánh từ phía những người có quyền lực.
Cấp trên không sâu sát và không thường xuyên “kiểm tra những người đi kiểm tra” nên đã để “lọt lưới” nhiều vụ việc tiêu cực. Thiếu liêm chính từ một bộ phận của cơ quan kiểm tra, thanh tra nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật (kiểm sát, công an, tòa án) là nguy cơ gây ra sự nghi ngờ, oán thán, thậm chí là sự đối lập giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ. Phải quyết đẩy tới việc chống bệnh quan liêu. Phải làm cho lòng dân yên. Lòng dân sẽ mãi là thành đồng lũy thép bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lý tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN tốt đẹp của chúng ta. Báo cáo Công tác xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội XIII đã nhận định: "...công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn còn có những hạn chế: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ, chưa nêu cao ý thức và trách nhiệm trước nhân dân".
Chống quan liêu hiện vẫn là một nhiệm vụ cấp bách để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.