Với nghiên cứu đăng trên tạp chí Q1 cùng điểm học tập xuất sắc, Phúc Tiên giành giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ 2024.
Nguyễn Ngọc Phúc Tiên, sinh viên năm thứ ba khoa Kỹ thuật điện, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính của Đại học VinUni, là một trong 20 nữ sinh giành giải thưởng này của Trung ương Đoàn.
"Em tự hào khi là người đầu tiên của trường được giải", Tiên, 21 tuổi, nói.
Nữ sinh kể ngày nhỏ thích những bộ phim về phát minh, khoa học viễn tưởng và vũ trụ. Niềm yêu thích đó lớn dần khiến em say mê học và đỗ vào chuyên Lý, trường THPT chuyên Trần Văn Giàu, Long An. Thời phổ thông, nữ sinh từng giành giải nhì học sinh giỏi tỉnh, huy chương bạc kỳ thi Olympic truyền thống 30/4...
Tiên sau đó trúng tuyển ngành Kỹ thuật máy tính của Đại học Bách khoa TP HCM. Hết năm đầu, nữ sinh chuyển sang Đại học VinUni với học bổng 90%.
Xác định theo đuổi con đường nghiên cứu nên ngay khi mới vào trường, Tiên xin vào phòng thí nghiệm của TS Trần Thị Mai, giảng viên Vật lý của Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính. Ban đầu, em phụ dọn dẹp, cân hóa chất, chủ yếu quan sát thầy cô và anh, chị khóa trên do chưa có kiến thức và kinh nghiệm.
Để tăng thêm hiểu biết về ngành, em chịu khó đọc sách, báo, công bố quốc tế và xem bài giảng miễn phí của các giáo sư nước ngoài trên mạng. Dần dần, Tiên trở thành trợ lý cho các dự án của phòng thí nghiệm.
Vào học kỳ II, em được TS Mai giao nghiên cứu chế tạo các cảm biến trở kháng nhanh, dùng một lần, dựa trên vật liệu nano lai mới MoS₂ để phát hiện DNA của Escherichia coli. Đề tài này Tiên làm một mình, dưới sự hướng dẫn của cô Mai và một thầy giáo ở trường Đại học Bách khoa TP HCM.
Nữ sinh cho biết khó nhất là phần vật liệu và xử lý tín hiệu. Nhiều lần sai do thiếu kinh nghiệm, Tiên phải làm đi làm lại thí nghiệm suốt ba tháng.
"Em rất căng thẳng nhưng cô Mai luôn động viên em đừng bỏ cuộc", Tiên nhớ lại. "Em báo cáo tiến độ hàng tuần và nếu sai, cô luôn cho cơ hội làm lại".
TS Mai cho hay học trò có các tố chất của một nhà nghiên cứu. Ngoài năng lực, động lực, Tiên dám theo đuổi và kiên trì với mục tiêu. Dù ban đầu kiến thức về khoa học vật liệu và sinh học còn hạn chế, Tiên chưa từng lung lay.
"Em ấy đã dành nhiều thời gian để đọc tài liệu chuyên sâu và lặp lại các thí nghiệm một cách tỉ mỉ", cô Mai nói. Cô cũng bất ngờ với kỹ năng viết, phân tích và tư duy logic của Tiên.
Cuối cùng, kết quả nghiên cứu của Tiên được đăng trên tạp chí Plos One hồi tháng 2. Đây là tạp chí Q1 - nhóm 25% tạp chí tốt nhất trong một lĩnh vực.
Theo cô Mai, việc phát hiện nhanh chóng và chính xác vi khuẩn gây bệnh rất quan trọng trong kiểm soát an toàn thực phẩm. Các kỹ thuật phát hiện truyền thống, như khuếch đại dựa trên trình tự axit nucleic và phản ứng chuỗi polymerase, mất nhiều thời gian, đòi hỏi thiết bị chuyên dụng cùng nhân viên được đào tạo.
Nghiên cứu của Tiên đã chế tạo được một cảm biến đơn giản, giá thành thấp, mang đến một hướng đi hứa hẹn để phát hiện DNA (phân tử mang thông tin di truyền) hiệu quả và chính xác. Kết quả nghiên cứu cũng có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong công nghệ sinh học và chẩn đoán y khoa.
Việc có bài báo quốc tế khi mới học năm thứ hai là động lực để Tiên đăng ký giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ.
Ngoài nghiên cứu, Tiên hai năm liên tiếp giành giải President's list cho sinh viên xuất sắc của trường. Ở năm thứ hai, em là người duy nhất được học bổng hiệu trưởng, trị giá 60 triệu đồng. Tiên cũng đạt giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường, huy chương đồng một cuộc thi Vật lý sinh viên quốc tế...
Để học và nghiên cứu hiệu quả, Tiên thường chọn ưu tiên công việc quan trọng ở từng thời điểm. Vào những đợt thi bận rộn, em xin nghỉ ở phòng thí nghiệm để tập trung cho bài vở.
Nữ sinh dự kiến du học thạc sĩ về Khoa học vật liệu sau khi tốt nghiệp đại học, theo đuổi con đường trở thành nhà nghiên cứu.