Trong thực tế, cơ hội lúc nào cũng sẵn sàng với bạn. Nhưng bạn có chủ động đón nhận cơ hội đó hay không mới là điều quan trọng. Bạn cho rằng mình hoàn toàn có khả năng giao tiếp? Nhưng giao tiếp như thế nào để nắm được cơ hội đó thì lại là cả một nghệ thuật! Làm được điều này hay không lại phụ thuộc vào kỹ năng giao tiếp của bạn. Cách đơn giản nhất là chủ động nói chuyện với người khác. Thực sự điều này không hề khó như bạn nghĩ. Điều cốt yếu là bạn phải tự tin và thực hiện theo các bước sau:
1. Phá vỡ sự im lặng
Đừng sợ phải nói chuyện "sáo". Hãy nói và hỏi về những vấn đề như thời tiết, phim ảnh, vật nuôi, trẻ em, thể thao, hay những sở thích chung… Đó là cách tốt nhất để mọi người có một bắt đầu thoải mái, dễ dàng. Tất cả đều là những chủ đề mà ai cũng có thể nói được, và từ đó sẽ dễ dàng dẫn đến chủ đề khác mà bạn đang muốn đề cập.
2. "Giải quyết" cơn bối rối
Trung thực luôn là sách lược hữu hiệu nhất trong trường hợp này. Nếu như trong khi nói chuyện, bạn cảm thấy không tự tin và thoải mái cho lắm, bạn có thể nói thật, nhưng phải khéo léo và tế nhị, kiểu như: "Đây là lần đâu tiên tôi tham dự những buổi gặp như thế này. Và quả thực tôi cảm thấy hơi bối rối, không biết nói gì cả". Hoặc nếu như bạn lỡ bỏ qua một phần nào đó của câu chuyện, bạn có thể nói: "Lúc nãy tôi không chú ý lắm nên giờ không hiểu lắm. Có thể gợi ý cho tôi một chút được không?".
Thông thường những cuộc như thế này sẽ tạo nên sự gần gũi, và đó cũng là cách để bạn cảm thấy tự tin hơn. Điều này rất hữu dụng bởi khi bạn đã tự tin và có đủ chuyên môn thì khi đi phỏng vấn xin việc, bạn sẽ không bị căng thẳng quá và hoàn toàn có thể thành công.
3. Tích cực hỏi, không phải tích cực nói
Thông thường, một cuộc trò chuyện tuyệt vời nhất là khi bạn ít nói về mình nhất và hỏi về người đối diện nhiều nhất. Bằng cách này, người đối diện với bạn có cơ hội nói về bản thân họ, về những gì họ quan tâm và đó là cách tốt nhất để bạn có thể bắt đầu và tiếp tục câu chuyện thành công. Khi ai đó đang tự "thể hiện" mình bạn có thể hỏi về nghề nghiệp, công ty hay công việc của họ. Điều này thường mang đến cơ hội cho bạn thể hiện lại mình.
Tuy nhiên, để thực sự có đựợc những thông tin như ý muốn, và cuộc gặp gỡ này được kéo dài, bạn nên hỏi những câu hỏi mở như: "Tại sao?", "Cái gì?", "Quan điểm của anh chị về vấn đề này như thế nào"…Hoặc đơn giản chỉ là một câu phụ hoạ: "Thật tuyệt. Hãy kế tiếp chuyện này đi".
4. Thân thiện
Nếu bạn hỏi mà sau đó lại không chú ý lắng nghe hoặc lơ đãng, bạn sẽ mất đi cơ hội tạo lập mối quan hệ riêng tư cũng như trong công việc. Hãy đưa ra những cử chỉ đáp lại và bàn luận về những câu hỏi tiếp theo để cho thấy bạn rất quan tâm đến câu chuyện hoặc vấn đề mà người ta nói. Sau khi nói xong vấn đề bạn mới đi đến kết luận. Đừng ngắt quãng và hãy bắt đầu chủ đề mới ngay lập tức. Nếu bạn tỏ ra gần gũi và chú ý nghe họ nói, họ sẽ rất quý, tôn trọng và tất nhiên sẽ "để ý" đến bạn.
5. Hiểu biết
Để đảm bảo không bị lạc hậu, hãy cập nhật liên tục các sự kiện, các vấn đề trên thế giới, các công nghệ mới và khái niệm mới. Đọc, đọc, đọc... và trau dồi thêm kiến thức. Tầm hiểu biết của bạn sẽ làm cho đề tài cuộc nói chuyện thêm phong phú và nâng cao kỹ năng giao tiếp của bạn.
6. Kéo dài câu chuyện
Nếu như bạn nhanh chóng đưa ra kết luận về cá nhân, nghề nghiệp cũng như công ty của người đối diện, bạn có thể mất đi cơ hội để có những người bạn thực sự, cơ hội học hỏi về công việc, và cơ hội nghề nghiệp và đơn giản là mất đi một khoảng thời gian thư giãn. Vì vậy, hãy tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác sau đó bàn luận và đưa ra những ý kiến của bạn để tranh luận. Hãy nhớ, luôn luôn tìm kiếm, học hỏi càng nhiều càng tốt từ mọi người.
7. Chủ động kéo cơ hội về mình
Sau khi bạn đã tìm thấy ở họ sự tương đồng thực sự và bạn nghĩ mối quan hệ này cần được bồi đắp thêm, bạn nên chỉ ra rằng bạn rất muốn nói chuyện và gặp lại họ một lần nữa để thảo luận về công việc và muốn giúp họ bất kể việc gì. Bạn hãy xin một tấm card của họ đồng thời đưa card của mình cho họ. Vài ngày sau bạn có thể gửi thư hoặc tốt hơn hết là gọi điện và mời họ đi ăn, bữa sáng chẳng hạn, nhằm tạo cơ hội gắn bó với nhau hơn. Nếu như bạn không hỏi hay không chủ động trước, chắc chắn sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cả.
8. Kết thúc hoàn hảo
Kết thúc cuộc hội thoại phải làm sao cho thật khéo. Thậm chí khéo léo hơn khi mới gặp. Vì nó thật sự quan trọng. Đó là cách để bạn gây cảm tình với đối tác, để lần sau họ còn muốn liên lạc với bạn. Trong khi nói chuyện, bạn hãy linh hoạt câu chuyện của mình vì có rất nhiều chủ đề mà bạn có thể nói. Nhưng phải để ý xem đối tượng của bạn có muốn nghe nó nữa hay không, đừng có thao thao bất tuyệt. Một trong những lỗi nặng nhất cần tránh là nói quá nhiều mà không cần biết đến những người xung quanh. Có rất nhiều cơ hội và cách thức để bạn có thể thiết lập được mối quan hệ với người khác. Tuy nhiên bảo đảm rằng nếu như bạn làm theo những cách trên từng bước một, bạn sẽ tìm được công việc như mong muốn mà lại ít tốn công sức.
BBT sưu tầm