• Loading...
 
Đèo Lũng Lô - Di tích mang đậm dấu ấn lịch sử đặc sắc của Yên Bái
Ngày xuất bản: 16/04/2024 3:00:00 CH
Lượt xem: 211

Với chiều dài 15 km mang vẻ đẹp hùng vĩ nhưng vô cùng quanh co hiểm trở của vùng núi rừng Tây Bắc - Đèo Lũng Lô là một trong những cung đường đèo huyền thoại từng đi vào thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

I.Vị trí của Đèo Lũng Lô

Đèo Lũng Lô nằm trên Quốc lộ 37 (đường 379 cũ, nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32B) tại ranh giới hai huyện Văn Chấn (Yên Bái) và Phù Yên (Sơn La), nằm về phía Đông Bắc và cách thị trấn Phù Yên 33 km.

Tọa lạc ngay giữa ranh giới của tỉnh Sơn La và tỉnh Yên Bái, Đèo Lũng Lô chính là đoạn đường huyết mạch để đất nước ta tiếp tế lương thực, chuyển quân nhằm phục vụ mục tiêu đánh tan cứ điểm Điện Biên Phủ. Hiện nay cung đường huyền thoại ghi nhận bao dấu ấn lịch sử này trở thành một trong những cung đường vô cùng nổi tiếng tại tỉnh Yên Bái.

Đèo Lũng Lô dài 15 km được xem là người bạn đồng hành của nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trải qua biết bao thăng trần, con đèo huyền thoại này giờ đây đã thay đổi khá nhiều so với lúc trước, nhiều khúc đèo bị cắt thành nhiều đoạn. Tuy nhiên những dấu ấn lịch sử đặc sắc thì vẫn mãi ở đó, ghi lại những năm tháng đấu tranh hào hùng của dân tộc ta.

II. Những đóng góp to lớn của cung đường Đèo Lũng Lô trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Xác định rõ nhiệm vụ chính trị là đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông ra chiến trường, ngay từ tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, tỉnh Yên Bái đã quyết định thành lập cung đường 13, huy động 124.458 lượt dân công tham gia mở đường với 173.197 công đào, đắp và san lấp hố bom chống lún sạt. Nhân dân địa phương đã tự nguyện quyên góp hàng nghìn cây gỗ, hàng vạn cây tre, bương, vầu, cột nhà lót đường, bắc cầu thông xe, vận tải quân lương vào chiến dịch. Sau hơn 200 ngày đêm, quân và dân ta vừa mở đường vừa bảo vệ và vận chuyển được hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược đến nơi an toàn. Tuyến đường qua đèo Lũng Lô được thông suốt nối với chiến khu Việt Bắc và các tỉnh Tây Bắc, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, nhờ đó mà hàng vạn ô tô, xe thồ chở hàng vũ khí tiếp ứng đầy đủ kịp thời cho chiến trường.

Với vị trí chiến lược quan trọng của đoạn đường này, trong suốt thời kỳ kháng chiến, Đèo Lũng Lô luôn được bộ đội công binh, thanh niên xung phong và dân công hỏa quyết tâm canh giữ và bảo vệ đến hơi thở cuối cùng. Tất cả đều đứng lên chiến đấu nhằm đảm bảo ổn định lưu thông, không để con đường huyết mạch bị cắt ngang.

Từ ngày 13/03 đến 07/05/1954, Đèo Lũng Lô được sử dụng để tiếp tế đạn dược, lương thực phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, đoạn Đèo Lũng Lô được cải tạo lại và mở rộng hơn để việc tiếp tế cũng như chuyển quân được thuận lợi, dễ dàng hơn. Để làm được điều này, các đơn vị công binh và dân công của hai tỉnh Sơn La, Yên Bái đã phải cùng nhau ngày đêm tham gia mở đường.

                                  

III. Đèo Lũng Lô – Địa danh đã đi vào sử sách

Được xem là đoạn đường huyết mạch trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đèo Lũng Lô đã cùng bộ đội ta trải qua những trận chiến sống còn vô cùng ác liệt. Trong đó không thể không kể đến việc Đèo Lũng Lô đã từng phải hứng chịu hơn 2000 quả bom của địch nhằm cản bước tiến của quân dân ta. Ác liệt là thế, tàn phá là thế nhưng Đèo Lũng Lô vẫn kiên cường chiến đấu, luôn hoàn thành sứ mệnh của mình xuyên suốt thời kỳ kháng chiến.

Ngày nào cũng phải hứng chịu lên đến 12.000 tấn bom đạn và chịu sự oanh tạc của gần 18 chiếc máy bay của địch, Đèo Lũng Lô không chỉ hư hỏng mặt đường nặng nề mà còn thường xuyên sạt lở, lấp kín hết lối đi. Trên đường vận chuyển và tiếp tế lương thực, những hố bom rộng từ 4 - 5 m và 10m - 12 m xuất hiện khắp nơi. Chỉ trong khoảng 400m đến 500 m mà đã có tới hàng chục hố bom sâu như thế gây cản trở.

Tuy nhiên bất chấp mọi khó khăn, gian lao, những chiến sĩ với lòng can đảm, sẵn sàng hi sinh thân mình mà bất chấp hiểm nguy vẫn ngày ngày vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình. Vừa phải đào bới, kích nổ để vô hiệu hóa các quả bom còn sót lại trên đường, vừa chiến đấu can trường để lương thực, vũ khí được đến tay bộ đội ta một cách nguyên vẹn.

IV. Đèo Lũng Lô hiện tại – dải lụa vắt ngang núi rừng Tây Bắc

Bước vào thời đại mới, Đèo Lũng Lô đã dần chuyển mình sang một vai trò mới – Từ một trong những tuyến đường huyết mạch cung cấp nhân lực, vật tư trong chiến dịch Điện Biên Phủ trở thành một trong những con đường đẹp nhất của vùng Tây Bắc. Điều khiến Đèo Lũng Lô đầy nguy hiểm trở thành điểm khám phá cực hot của giới trẻ ngày nay chính là khung cảnh hai bên đường đèo. Bao quanh đường đèo chính là màu xanh của núi rừng Yên Bái. Cảnh sắc đồi núi trập trùng, đẹp mắt khiến bất cứ ai cũng phải đổ gục dẫu chỉ mới là lần đầu tiên đến đây.

Đi dọc hết cung đường, bạn sẽ đến được các điểm tham quan hấp dẫn tại Yên Bái như Mường Cơi, Thượng Bằng La...Hay không cần nói đâu xa, chỉ cần dành chút thời gian đứng trên đỉnh đèo là bạn đã có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn cảnh Yên Bái đẹp yên bình ngay bên dưới. Khung cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải cứ thế thu trọn vào trong tầm mắt, đem đến sự thích thú khi đứng giữa lưng chừng mây trời.

Nhìn xa xa, những nếp nhà tranh của người dân bản thấp thoáng ẩn hiện trong làn sương mờ hay những trang trại chăn nuôi dê, bò càng tô điểm thêm cho bức tranh làng quê Yên Bái đẹp đến lạ kỳ. Dù cho có đến đây vào bất kỳ thời điểm nào, cảnh sắc của Yên Bái vẫn đủ khiến bạn đắm say không lối thoát.

Chiến tranh đã lùi xa, di tích đèo Lũng Lô hôm nay còn đó như một minh chứng hào hùng của lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. Trên mảnh đất một thời máu lửa, một thời đạn bom, sự hồi sinh đã trở lại, ta lại thấy được những giá trị của độc lập, tự do. Để thêm trân trọng và tự hào hơn những thế hệ cha ông, bỏ bao máu xương, làm lên cung đường huyền thoại.