• Loading...
 
Thanh niên dân tộc thiểu số Yên Bái khởi nghiệp
Ngày xuất bản: 27/03/2019 11:15:00 SA
Lượt xem: 938

Những năm gần đây, phong trào thanh niên khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Yên Bái phát động đã được triển khai rộng tới các địa phương trong tỉnh. Qua đó, nhiều thanh niên, đặc biệt thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số đã vượt khó, vươn lên làm giàu.

Thanh niên người dân tộc thiểu số Hờ A Sênh (áo đen) là một trong những thanh niên được chọn để thực hiện Dự án khởi nghiệp

Anh Hờ A Sênh, là người dân tộc Mông, thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) phải bỏ học khi đang là sinh viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên, bởi điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Sau đó, anh đi làm ăn xa tại các tỉnh, thành phố khác, thấy cuộc sống bấp bênh, không ổn định nên anh quyết định trở về quê hương. Hờ A Sênh với khát khao lập nghiệp đã từ lâu, nhưng gặp khó khăn bởi không có vốn và thiếu định hướng.

Cuối tháng 2/2018, Tỉnh đoàn Yên Bái đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh triển khai dự án khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số nhằm hỗ trợ, thúc đẩy, khích lệ thanh niên tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất - kinh doanh, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó, Hờ A Sênh đã được chọn để thực hiện dự án.

Với số tiền hỗ trợ 300 triệu đồng, Hờ A Sênh được hướng dẫn kỹ thuật trồng cây gáo vàng, dược liệu, chăn nuôi lợn và hươu nhung. Sau một năm thực hiện dự án, diện tích gần 1 ha đất đồi hoang đã được Hờ A Sênh và Hờ A Chở phủ xanh bởi 400 gốc cây gáo vàng, 2.000 gốc sa nhân, 6 tạ gốc nghệ giống, 30 con lợn và 2 cặp hươu nhung. Năm đầu tiên cho thu nhập 80 triệu đồng.

Hờ A Sênh chia sẻ: “được sự quan tâm của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Tỉnh đoàn Yên Bái đã giúp anh thực hiện được ước mơ lập nghiệp và phát triển kinh tế. Bước đầu dự án đã cho thu nhập ổn định hơn so với trước đây. Trong quá trình thực hiện dự án, cũng có nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh đến tham khảo, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gáo vàng, dược liệu”.

Xác định thanh niên khởi nghiệp góp phần vào sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm qua, Tỉnh đoàn Yên Bái đã tập trung đầu tư nguồn lực để triển khai chương trình thanh niên Yên Bái sáng tạo khởi nghiệp và lập nghiệp; tổ chức kết nối, liên kết giữa các mô hình đã có, giúp thanh niên hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế theo các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, trong đó khuyến khích thanh niên người dân tộc thiểu số. Đến nay, nhiều mô hình liên kết của thanh niên tại Yên Bái đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 700 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó gần 300 mô hình của thanh niên dân tộc thiểu số, nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như mô hình trồng dâu nuôi tằm tại huyện Trấn Yên, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, mô hình trồng rau an toàn…. tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 thanh niên.

Đồng chí Đỗ Minh Huấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái cho biết, để tạo môi trường, giúp cho thanh niên khơi dậy ý tưởng khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm ngay trên mảnh đất quê hương của mình, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn chủ động phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội các huyện cho vay vốn ủy thác; phối hợp triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, kĩ thuật, hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong thanh niên…

Thời gian tới, Tỉnh đoàn Yên Bái tiếp tục định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số phát triển các mô hình kinh tế, cho vay vốn với hình thức ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên hoạt động hiệu quả. Đồng thời, vận động thanh niên vùng sâu, vùng xa tham gia phát triển kinh tế, góp phần cải thiện cuộc sống và xây dựng quê hương.

Theo Cổng TTĐT tỉnh