• Loading...
 
Ghi từ những ngày “cõng đường trả cho đường”
Ngày xuất bản: 02/03/2017 2:11:00 CH
Lượt xem: 4883

 Vượt 180km theo quốc lộ 32 với hành trang là sự nhiệt tình của tuổi trẻ, tôi đến với Mù Cang Chải một ngày cuối tháng 8. Từ thị trấn Mù Cang Chải, trước mắt tôi là 35km vào xã Chế Tạo với nhiệm vụ cùng đoàn viên thanh niên của 14 xã và thị trấn sửa lại những điểm sạt lở trên con đường từ trung tâm huyện vào xã. Bất giác tôi nghĩ đến một câu nói “cõng đường vào trả cho đường” và mỉm cười.

Thanh niên tình nguyện Mù Cang Chải sửa chữa đường giao thông vào xã Chế Tạo.

Dù đã được nghe kể nhiều về sự khắc nghiệt của con đường vào Chế Tạo nhưng chỉ khi trực tiếp “vật lộn” với nó mới hiểu hơn về một con đường. Trước đây, người dân Chế Tạo ra huyện phải đi bộ. Sáng 5 giờ đi, 6 giờ chiều mới tới nơi. Tuy vất vả, nhưng con đường là sự liên kết duy nhất với sự văn minh phố huyện. Công sức con người đã hình thành nên con đường nhưng sự khắc nghiệt của thời tiết thường xóa đổ đi công sức ấy, chỉ cần một cơn mưa, đường sạt, Chế Tạo lại bị cô lập. Chế Tạo nghèo, ông trời cứ tạo thêm nghèo, cứ dai dẳng từng ngày, trong từng bữa ăn, trên từng số phận.

Ngã ba vào bản Tà Dông - nơi mà có mốc cắm đầu tiên của công trình tuổi trẻ huyện Mù Cang Chải đang "cải tạo" một tuyến đường "bất trị", biến nó ngoan, hiền hơn với những ai đến với Chế Tạo. Một cảm giác khó tả khi đặt chân vào công trường kể từ chỗ cắm mốc này. Vượt qua 17 điểm cắm mốc nữa tôi sẽ vào trung tâm xã.

Tại những điểm sạt lở đã được cắm mốc, công việc chủ yếu là san gạt mặt đường, khuân đá kè những chỗ đường bị lở. Tất cả các điểm cùng ra quân, từ những lán trại thanh niên của 14 xã, thị trấn kéo nhau tới những vị trí thi công. Mỗi người một tay, một việc. Giờ nghĩ lại câu nói “cõng đường vào trả cho đường” mà thấy thật đúng.

Sức trẻ của đoàn viên, thanh niên vào đây vượt qua Háng Gàng "vác đá vá đường", làm cho nó trở thành con đường tốt hơn, bớt nguy hiểm hơn, trả lại sự bình yên cho số phận của mỗi con người qua lại trên con đường này, trả lại cho nó cái tên vốn có là đường vào xã Chế Tạo, con đường thông thương thường xuyên đầy ắp lù cở thảo quả, sơn tra về xuôi và hàng hóa thiết yếu từ miền xuôi lên ngược.

Đường vào trung tâm xã mỗi lúc một hiểm trở. Thiên nhiên khéo tạc nên những con đường kỳ lạ. Vách núi cheo leo, đôi chỗ lại điểm xuyết một con thác chảy xuống lòng đường và nguy hiểm hơn một bên là thác nước, một bên là vực sâu trong khi chỉ có 1m chiều rộng mặt đường. Bất cứ ai qua đó cũng hãi hùng. Mùa lũ, với những cơn mưa rừng kéo dài có lẽ chả ai đủ dũng khí vượt qua nó.

Trong xã, không điện, không có sóng điện thoại nên cũng vì thế mà nơi đây có những chuyện rất lạ. Văn bản từ cấp trên chuyển về xã lại được đem ra trung tâm huyện xử lý rồi lại đem trở về xã triển khai, con dấu của địa phương cũng thường xuyên để ở huyện. Mọi công việc cũng chỉ tại con đường mà trở nên chậm chạp. Tôi được nhìn thấy một chiếc điện thoại di động, được buộc vào một gốc cây. Chỉ có nó là có thể bắt được sóng điện thoại từ Sơn La lạc vào Chế Tạo. Ai đó muốn gọi điện thì phải ra sát nó, ghé tai để nói chuyện. Hay là một chai Pessi được cắt ra buộc vào cột tre ở trạm y tế xã, ai đó may mắn đặt điện thoại vào đó đúng lúc có sóng điện thoại lạc vào sẽ liên lạc được với bên ngoài…

Tu sửa một con đường, có vẻ như một công việc rất bình thường, thế nhưng nó chứa đựng những sự trải nghiệm thú vị.

Đến đây, tôi được gặp những con người thân thiện và nhờ họ tôi có thêm những bài học cho vốn sống của mình. Tôi gặp người Chủ tịch xã tận tụy, người Bí thư xã đến tận công trường động viên anh em mặc cho trời mưa. Tôi gặp anh Bí thư Đoàn xã luôn sẵn sàng làm thêm những đoạn đường giúp nhóm khác, và những chàng trai Mông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, họ thực sự là những đứa con của núi rừng Tây bắc. Nhờ có họ, tôi được thưởng thức món nhộng ong đất, được đi soi ếch lúc mưa phùn và ăn món ếch xào ngon tuyệt, được họ dạy cách làm ruốc cá mắm với rau thơm và hạt sẻn… Tôi được họ dạy cho cách phân biệt tiếng chim, tiếng thú rừng, và cả những nơi có những loài phong lan đẹp …

Tôi cũng không thể quên những người cùng lán với tôi, họ là anh kỹ sư tên Tuân làm ở Phòng Kinh tế hạ tầng luôn theo các đội tình nguyện chỉ cho họ cách làm con đường cho an toàn, hiệu quả. Những anh công an sẵn sàng xắn tay áo cùng anh em đẩy những tảng đá to mặc cho bùn đất trát đầy, loang lổ trên bộ cảnh phục. Những cán bộ y tế luôn bám sát công trường sẵn sàng chăm sóc, giúp đỡ anh em khi lao động. Một vết xước cũng được kiểm tra, băng bó lại một cách cẩn trọng. Những anh phóng viên và cán bộ Huyện đoàn luôn theo sát  các trọng điểm trên công trường, ghi chép tỉ mỉ tiến độ thi công. Bên họ tôi thấy mình tự tin và nhiệt huyết hơn trong công việc.

Trong đợt đến Chế Tạo lần này, tôi gặp rất nhiều các đoàn tình nguyện đến đây. Không đi làm đường như chúng tôi mà họ đến vì niềm đam mê vượt qua những thử thách của thiên nhiên nơi đây để trao quà cho trẻ em khi các em bước vào năm học mới. Đó là một công việc ý nghĩa và đầy tính nhân văn. Tự nhiên tôi thấy họ phi thường quá và nhận ra công việc sửa đường của mình cũng thật đáng tự hào, không chỉ giúp cho bà con nơi đây mà cũng một phần giúp sức cho những con người tình nguyện đến với Chế Tạo để làm những việc có ích nơi “thâm sơn” này.

Với sức trẻ của hơn 600 con người vào tình nguyện làm đường, cùng với thanh niên trong xã, con đường như khoác tấm áo mới. Hơn hai ngày mà những con suối cạn đã được lấp đầy, những hàm ếch đã được kè lại và hàng chục đống đất đá sạt xuống đường đã được dọn xong. Trên 5.600 khối đất đá được vận chuyển san lấp. Đó là mồ hôi, là công sức của tuổi trẻ các dân tộc huyện Mù Cang Chải. Con đường không chỉ thể hiện sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của tuổi trẻ Mù Cang Chải đối với xã xa nhất, nghèo nhất huyện mà nó còn thể hiện sức mạnh của tuổi trẻ.

Sức trẻ trên những con đường làm nên những chiến công thầm lặng, xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Nhân dân xã Chế Tạo sẽ vững tin hơn vào sự quan tâm của huyện, rồi sẽ có một ngày đường bê tông sẽ chạy đến với nơi đây. Người dân sẽ không bao giờ quên hình ảnh những màu áo xanh tình nguyện, những người thanh niên ướt đẫm mồ hôi trên công trường “cõng đường trả lại cho đường".

Lại Tuyến