• Loading...
 
Rộn ràng áo xanh lên bản
Ngày xuất bản: 02/03/2017 10:01:00 SA
Lượt xem: 4301

 Mỗi người ai cũng mong muốn mình làm được thật nhiều việc tốt, có ý nghĩa cho xã hội. Thật hạnh phúc biết bao mỗi ngày qua đi cuộc sống lại trở nên ý nghĩa khi “Sống để được hiến dâng và được yêu thương” cho dù việc làm đó rất nhỏ bé.

Đoàn viên thanh niên tình nguyện giúp bà con thu hoạch lúa mùa.

Hành trang giản đơn - đóng góp bé nhỏ

Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè lại về như đến hẹn lại lên và màu áo xanh tình nguyện lại tiếp tục lên đường đến với bà con các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh Yên Bái.

Với mũ tai bèo, chiếc ba lô trên vai, 71 gương mặt cán bộ Đoàn cấp tỉnh với bầu nhiệt huyết, tinh thần tình nguyện đã chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết để đến với hành trình tình nguyện. Năm nay, điểm đến của các bạn là các thôn thuộc xã Tà Xi Láng, Làng Nhì (huyện Trạm Tấu); Nậm Mười (huyện Văn Chấn) và Chế Cu Nha, Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải).

Theo dấu chân các đội tình nguyện trong chiến dịch mới cảm nhận được cái khó khăn mà các bạn đã và đang trải qua. Những chàng trai, cô gái hàng ngày vẫn quen với việc cầm bút; quen với âm thanh sôi động, ánh đèn rực rỡ của phố phường thì giờ đây đang được trải nghiệm thực tế với bao khó khăn và tưởng chừng những khó khăn đó các bạn không thể và phải dừng bước bỏ cuộc. Nhưng không khí của hoạt động tình nguyện diễn ra hết sức sôi động, ấm áp và đầy ắp tiếng nói, cười của những màu áo xanh.

Ban ngày lên nương, lên rẫy giúp bà con thu hoạch mùa màng, làm đường giao thông nông thôn; tối đến lại vận động bà con nhân dân, các em thiếu nhi tham gia sinh hoạt, tham dự các buổi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; hướng dẫn cách ăn, ở hợp vệ sinh, không sinh con thứ 3, không tàng trữ và tái trồng cây thuốc phiện…

Bao đêm như vậy, những đôi chân không mỏi leo hết ngọn đồi này, lội qua con suối khác đến với các em, bà con với mong muốn làm thay đổi một phần suy nghĩ ăn sâu trong tiềm thức bấy lâu nay của đồng bào. Đó chính là nguồn động viên để các bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Anh Hoàng Văn Chinh - đội trưởng đội tình nguyện tại xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu cho biết: “Đây là lần thứ ba tham gia chiến dịch tình nguyện nhưng mỗi lần đến với bà con, bản thân tôi lại có nhiều cảm xúc khác nhau. Nhìn đời sống của các em thiếu nhi và nhân dân ở đây còn khó khăn, thiếu thốn, tôi cũng như các đồng chí trong đoàn lại muốn làm nhiều việc hơn nữa để phần nào đó chia sẻ khó khăn, vất vả với bà con, học sinh nơi đây”.

Không chỉ có vậy, 10 đội viên chính thức và 5 đội viên dự bị, là những sinh viên ngành giáo dục tiểu học của Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái đã bám bản, bám trường triển khai dạy xóa mù chữ mức 1 cho 150 người dân xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) trong vòng hai tháng tại 5 bản: La Pán Tẩn, Tà Chí Lừ, Pú Nhu, Trống Páo Sang và Trống Tông.

Các bạn đã khắc phục mọi khó khăn về bất đồng ngôn ngữ, cơ sở vật chất để vận động bà con ra lớp học thêm tiếng phổ thông và biết cái chữ: “Mình thuyết phục, bây giờ đi chợ mua bán đều phải dùng tiếng phổ thông, muốn dạy con cái học cũng phải biết tiếng phổ thông, vì thế, cần đi học tiếng phổ thông để phục vụ cuộc sống tốt hơn. Người ta nghe thấy đúng nên đi học…”- một tình nguyện trẻ chia sẻ.

Sau những ngày học tập vất vả, vui mừng khi viết được tên mình bằng tiếng phổ thông, “học sinh đặc biệt”  Thào Thị Nhứ (46 tuổi) nói: “Mình đã đánh vần được những câu từ đơn giản và viết được tên mình rồi, vui lắm á”.

Nói về sự cống hiến của tuổi trẻ, Bí thư Đảng ủy xã Tà Xi Láng Vàng Nỏ Dia cho biết: “Thanh niên đã mang một luồng khí mới đến với bà con để bà con nhận thức được những hạn chế bấy lâu nay vẫn đang tồn tại trong tiềm thức”.

Trải nghiệm cùng bà con của thanh niên thủ đô

Vượt trên 200km, trên 200 sinh viên đến từ các trường đại học: Học viện Tài chính, Đại học Mỏ địa chất, Đại học Thương mại Hà Nội, Đại học Kinh doanh công nghiệp Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội cùng tham gia tình nguyện. Có bạn tham gia tình nguyện năm thứ nhất nhưng cũng có bạn tham gia lần thứ hai và đây cũng là lần đầu tiên được đến với đồng bào vùng cao. Thấy bà con và các em học sinh nơi đây còn khó khăn, còn thiếu thốn, nhiều bạn đã phải thốt lên: “Lý thuyết, phim ảnh và thực tế còn khác xa nhau quá!”.

Bạn Đỗ Thị Nhà - sinh viên năm thứ 3 Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Chúng mình phải đi bộ hơn 5km đường rừng để dạy chữ, tổ chức sinh hoạt cho các em. Mệt nhưng vui và phải cố gắng vì có nhiều em còn đi bộ đoạn đường dài hơn chúng mình để đến lớp học cái chữ”.

Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè là một phong trào thường niên được duy trì từ nhiều năm nay, có ý nghĩa xã hội cao, vừa để khẳng định vai trò tổ chức đoàn, cũng là dịp để mỗi đoàn viên thanh niên được thâm nhập cuộc sống thực tế, đem sức trẻ tình nguyện của mình đến với những địa bàn khó khăn...

Khép lại bài viết xin được trích dòng lưu bút của một đoàn viên về màu áo xanh tình nguyện: “Ngày mai, trên những đỉnh non xanh, nơi có những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo lại rộn ràng niềm vui đón thanh niên tình nguyện, giữa gió núi mây ngàn, tuổi trẻ Yên Bái lại cùng dân trồng rừng, tra bắp, trồng lúa, khai hoang và giữa đại ngàn xanh, khúc hát thanh niên lại được ca vang “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Minh Quang