• Loading...
 
Nền tảng cho năm “bứt phá trong chuyển đổi số”
Ngày xuất bản: 19/01/2023 3:49:00 CH
Lượt xem: 733

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái nỗ lực đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam.

 

Đoàn viên thanh niên phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái hướng dẫn các hộ kinh doanh cài đặt tài khoản Dịch vụ công Quốc gia, sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Yên Bái - Hoàng Minh Tiến cho biết: "Năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành 30 quyết định, kế hoạch, chương trình, chỉ thị về lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS). Đây là khối lượng công việc rất lớn, so với năm 2021 gấp hơn 3 lần về số văn bản. Đặc biệt trong đó có những văn bản, cơ chế chính sách được ban hành lần đầu tiên trên cả nước, như việc thí điểm cho phép việc nộp thủ tục hành chính cấp tỉnh tại huyện, xã hay bộ tiêu chí tạm thời công nhận xã, phường, thị trấn CĐS và CĐS nâng cao. Với hệ thống văn bản này, về cơ bản, tỉnh đã tạo lập được "con đường đi” của CĐS cho giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo”. 

 

Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông Yên Bái, ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái đã triển khai tới 1.276/2.910 chi bộ, tương đương 43,8% tổng số chi bộ trên toàn tỉnh. Số lượng đảng viên đã tạo tài khoản đạt 27.455/60.126, tương đương 45,6% tổng số đảng viên toàn tỉnh. 

 

Số tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia/tỉnh tạo lập mới trong năm 2022 là 50.595, gấp 22,6 lần so với năm 2021 (2.236 tài khoản được tạo lập). 

 

Yên Bái đưa 5.277 sản phẩm nông nghiệp lên 2 sàn thương mại điện tử, trong đó có 138/147 sản phẩm OCOP của tỉnh, đứng thứ 7/63 các tỉnh, thành trên cả nước về số sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử. 

 

Số lượng tài khoản hoạt động trên 2 sàn thương mại điện tử  là Vỏ Sỏ và PostMart là 107.131 tài khoản, tăng trưởng 312% so với năm 2021. Yên Bái đứng thứ 15/63 về số lượng tài khoản hoạt động trên 2 sàn thương mại điện tử. Số lượt giao dịch mua sắm trên 2 sàn này đạt 7.739 lượt, tăng hơn 12 lần so với năm 2021. 

 

Tính đến hết 31/10/2022, tổng số tài khoản hoạt động là 107.131, trong đó trên sàn Vỏ Sò là 25.420 và trên sàn PostMart là 81.711. (năm 2021 là 33.424, trong đó sàn Vỏ Sò là 19.456 và PostMart là 13.968). Tổng số giao dịch trên 2 sàn là 7.739, trong đó trên sàn Vỏ Sò là 1.792 và trên sàn PostMart là 5.947. (năm 2021 là 636, trong đó sàn Vỏ Sò là 544 và PostMart là 92).

 

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã triển khai các ứng dụng thanh toán trực tuyến cùng nhiều chương trình ưu đãi khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM). 

 

Các dịch vụ thanh toán KDTM ngày càng đa dạng, an toàn, tiện lợi hơn. Để tạo thuận lợi cho khách hàng Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần trên địa bàn nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, bảo đảm thuận tiện cho người sử dụng an toàn, bảo mật. 

 

Đến nay, số tài khoản ngân hàng khách hàng cá nhân đạt 532.347, tăng trưởng 30,77% so với năm 2021 (đạt 407.073). Số tài khoản Mobile Money đạt 94.876, tăng trưởng 72,7% so với năm 2021 (đạt 54.944). Tỷ lệ thanh toán tiền điện KDTM đạt 66,15%, tăng 16,2% so với năm 2021. Tỷ lệ thanh toán tiền nước KDTM đạt 40%, tăng 6% so với năm 2021. 

 

Với cách làm sáng tạo, theo cách riêng của Yên Bái, có trọng tâm, trọng điểm và bám sát thực tế, năm 2022, nhận thức về CĐS đã được lan toả trong toàn hệ thống chính trị và xã hội, từng bước chuyển biến thành các hành động cụ thể, đạt được những kết quả tích cực. 

 

Yên Bái đã tăng 13 bậc trong xếp hạng CĐS quốc gia DTI, từ thứ 40 lên 27/63 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong 14 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Yên Bái xếp thứ 5 và là tỉnh có thứ hạng tăng cao nhất trong năm 2021. 

 

Có thể nói, với quyết tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có cách làm đúng và bố trí nguồn lực thoả đáng thì việc "đi sau” nhưng vẫn có thể "đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác nhờ tận dụng những thời cơ mang lại từ quá trình CĐS. Năm 2023 được tỉnh chọn là năm "bứt phá trong chuyển đổi số”. 

 

Ở góc độ quốc gia, năm 2023 là năm CĐS có chủ đề "dữ liệu số” với 3 định hướng trọng tâm: người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh; cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu từ máy sinh ra theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp.

BYB