• Loading...
 
Thành phố Yên Bái xây dựng xã, phường chuyển đổi số
Ngày xuất bản: 20/11/2023 8:41:00 SA
Lượt xem: 640

 Năm 2023, thành phố lựa chọn xây dựng 60% xã, phường CĐS và 20% xã, phường CĐS nâng cao. Trên cơ sở hướng dẫn của tỉnh về quy trình thẩm định, xét công nhận phường CĐS, CĐS nâng cao, thành phố tiếp tục xây dựng một số chỉ tiêu cao hơn để lựa chọn xây dựng 3 phường trở thành phường CĐS nâng cao tiêu biểu.

 

Bí thư Thành ủy Yên Bái Đỗ Đức Minh kiểm tra việc thực hiện công tác chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai tại xã Âu Lâu.

Là một trong những phường được lựa chọn xây dựng trở thành phường CĐS nâng cao tiêu biểu của thành phố Yên Bái, Đảng ủy, chính quyền phường Nguyễn Thái Học xác định CĐS, xây dựng đô thị thông minh là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 

Chủ tịch UBND phường Bùi Ngọc Giang cho biết: Hạ tầng số trên địa bàn phường Nguyễn Thái Học hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet, hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 98%; 100% cán bộ công chức được trang bị máy tính kết nối mạng Internet, sử dụng điện thoại thông minh hỗ trợ phục vụ công tác chuyên môn. 

 

Các hệ thống thông tin của chính quyền được phê duyệt gắn với an toàn, an ninh thông tin mạng. Các tổ dân phố đều được phổ cập dịch vụ mạng di động. Khu vực công cộng tập trung đông người trên địa bàn đang được đề nghị phủ sóng Wifi miễn phí. 

 

Hệ thống camera giám sát cơ bản được lắp đặt phủ kín trên địa bàn. Chính quyền số được triển khai đồng bộ đem lại hiệu quả rõ nét: 100% văn bản của phường gửi cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử được ký số chuyên dụng; tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính một phần và toàn trình đạt 85%; 100% cuộc họp ứng dụng phòng họp không giấy tờ, phòng họp kết nối trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ công việc giải quyết trên môi trường mạng đạt 100%; 100% chi bộ sinh hoạt trên nền tảng Sổ tay đảng viên điện tử. 

 

Phường đã ứng dụng phần mềm hệ thống giám sát điều hành thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương; triển khai ứng dụng bàn làm việc số cho 100% cán bộ công chức phường, giúp lãnh đạo giao nhiệm vụ, quản lý, theo dõi, giám sát việc triển khai nhiệm vụ trên hệ thống phần mềm một cách khoa học, hiệu quả. 

 

Kinh tế số được quan tâm triển khai hiệu quả, dần đi vào thực tế đời sống nhân dân: các sản phẩm, doanh nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu trên môi trường mạng, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt 90%; chợ dân sinh đều có mạng Internet, các tiểu thương, hộ kinh doanh sử dụng mã QR thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

 

100% người dân được lập hồ sơ khám sức khỏe điện tử; tỷ lệ người dân mở giao dịch tài khoản cá nhân đạt 90%; 100% cơ sở giáo dục, y tế thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ hộ dân thực hiện thanh toán tiền điện, tiền nước đạt 75%; 100% tổ dân phố triển khai mô hình nhà văn hóa số; tỷ lệ người dân đủ 14 tuổi trở lên có căn cước công dân có điện thoại thông minh kết nối Internet để xác thực định danh số qua app VNeID đạt 74%; 100% các khoản nộp dịch vụ công ích, các loại quỹ công chuyên dùng, các loại đóng góp tự nguyện... sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. 

 

Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Học Bùi Ngọc Giang cho biết: "Đến nay, qua rà soát và tự đánh giá, phường Nguyễn Thái Học đã hoàn thành 17/17 tiêu chí phường CĐS, hoàn thành 11/13 tiêu chí của phường CĐS nâng cao và hoàn thành 20/25 tiêu chí phường CĐS nâng cao tiêu biểu”. 

 

Minh Tân cũng là phường được lựa chọn để phấn đấu xây dựng thành phường CĐS nâng cao tiêu biểu năm 2023. Để thực hiện mục tiêu này, phường chú trọng tập trung công tác tuyên truyền cũng như hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, tiếp cận và sử dụng các ứng dụng dịch vụ tiện ích, nhằm mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số theo tinh thần Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy. 

 

Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet và mạng di động 4G đạt 137%. Tỷ lệ hộ gia đình có máy tính, điện thoại thông minh đạt gần 99%. Tỷ lệ các tổ dân phố được phổ cập dịch vụ mạng di động 4G đạt 100%. 

 

Ngoài ra, các hệ thống thông tin của chính quyền được phê duyệt cấp độ gắn với an toàn, an ninh thông tin mạng của phường đạt 100%. Minh Tân đã hoàn thành đạt và vượt mức 17/17 mục tiêu CĐS, hoàn thành 11/13 mục tiêu CĐS nâng cao. 

 

Bà Bùi Huyền Trang - Phó Chủ tịch UBND phường Minh Tân cho biết: "Chỉ đạo thực hiện mục tiêu CĐS nâng cao tiêu biểu năm 2023, phường tập trung đầu tư phát triển hạ tầng số, đảm bảo đầy đủ các trang, thiết bị tại cơ quan, lắp đặt hệ thống Internet tại các nhà văn hóa để nhân dân sử dụng, đầu tư các trang thiết bị cho phòng họp trực tuyến, phòng họp không giấy tờ, thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, và có kế hoạch lắp đặt Internet tại chợ Minh Tân để phục vụ việc thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân”. 

 

Tuy nhiên, việc thực hiện triển khai xây dựng xã phường CĐS ở thành phố Yên Bái cũng gặp những khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân về công tác CĐS, xây dựng đô thị thông minh còn hạn chế, còn ngại khi tham gia các ứng dụng số trong sinh hoạt, công tác, sản xuất, kinh doanh. 

 

Năng lực cán bộ làm công tác CĐS, xây dựng đô thị thông minh cấp xã, phường cũng còn hạn chế. Việc chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến của cán bộ công chức cho công tác CĐS, phát triển đô thị thông minh chưa nhiều, đặc biệt là chưa huy động được giải pháp, sáng kiến tham gia của chính người dân. 

 

Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác CĐS, xây dựng đô thị thông minh còn chậm so với tốc độ phát triển các ứng dụng; hệ thống các ứng dụng, phần mềm còn thường xuyên sửa đổi, cập nhật, nâng cấp, chưa tích hợp vào các dữ liệu dùng chung nên khó khăn cho công tác triển khai và tiếp cận của người dân. 

 

Năm 2022, thành phố Yên Bái lựa chọn xây dựng 30% xã, phường CĐS, gồm các phường: Minh Tân, Đồng Tâm, Nguyễn Thái Học và xã Âu Lâu. Năm 2023, thành phố tiếp tục lựa chọn xây dựng 60% xã, phường CĐS và 20% xã, phường CĐS nâng cao. Trên cơ sở hướng dẫn của tỉnh về quy trình thẩm định, xét công nhận phường CĐS, CĐS nâng cao, thành phố tiếp tục xây dựng một số chỉ tiêu cao hơn để lựa chọn xây dựng 3 phường trở thành phường CĐS nâng cao tiêu biểu. 

 

Bà Hoàng Thị Hồng Diệp - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Yên Bái cho biết: Để hoàn thành được mục tiêu này, Phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết, tầm quan trọng và lợi ích của CĐS, trọng tâm là những lợi ích thiết thực từ việc thực hiện CĐS trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. 

 

Tiếp tục chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, trọng tâm là chỉ tiêu về tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, người dân trong độ tuổi lao động được tập huấn, phổ biến kỹ năng số cơ bản; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện thanh toán tiền điện, tiền nước không dùng tiền mặt. 

 

Tăng cường ứng dụng và sử dụng những nền tảng số, dữ liệu dùng chung của tỉnh, thành phố để nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành của chính quyền, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, công dân số; tạo lập hạ tầng khung cho mục tiêu CĐS để tạo sự đồng bộ trong thực hiện CĐS của từng lĩnh vực. 

BYB