• Loading...
 
Văn Chấn chuyển đổi số nâng chất lượng dạy và học
Ngày xuất bản: 14/08/2023 8:28:00 SA
Lượt xem: 699

 Năm học vừa qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Văn Chấn đã đạt nhiều kết quả trong triển khai thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong công tác quản lý trường học, giảng dạy và học tập.

Một tiết học sử dụng bài giảng điện tử của cô và trò Trường THCS Sơn Thịnh.

Thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 09/8/2022 của UBND tỉnh về nhân rộng mô hình chuyển đổi số trong trường học và của ngành GD& ĐT tỉnh, năm học vừa qua, ngành GD&ĐT huyện Văn Chấn đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện CĐS trong công tác quản lý trường học, trong giảng dạy và học tập.

 

Ngành đã chỉ đạo các trường áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý trường học (Vnedu) bao gồm: quản lý hồ sơ giáo viên, học sinh, phân công giảng dạy, lịch báo giảng; quản lý sổ điểm, học bạ, giáo án, điểm danh điện tử. 

 

Tăng cường sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp (VOffice), các văn bản theo quy định được xử lý, ký số và ban hành hoàn toàn trên môi trường mạng; đầu tư mới, hiện đại, đồng bộ các phòng học, phòng chức năng phục vụ học tập; nâng cấp hạ tầng, đường truyền Internet cáp quang đáp ứng yêu cầu, đảm bảo an toàn thông tin cho công tác chuyển đổi số.

 

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch thực hiện 10 chỉ tiêu về CĐS trong giáo dục. Đến nay, toàn huyện có 3/61 trường đạt 10/10 tiêu chí về CĐS, có 58/61 trường đạt 9 tiêu chí. 3 đơn vị trường học thực hiện đạt 10/10 tiêu chí về CĐS, đó là: Trường Mầm non Sơn Thịnh, Trường THCS Sơn Thịnh và Tiểu học THCS Liên Sơn đã triển khai thực hiện có hiệu quả các tiêu chí về CĐS; trong đó có một số tiêu chí khó như việc triển khai thực hiện thu học phí của học sinh không sử dụng tiền mặt. 

 

Cô giáo Trần Thị Ngát - Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Thịnh cho biết: "Bước đầu khi mới triển khai thực hiện thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt cũng gặp một số khó khăn do phụ huynh không có điện thoại thông minh và tài khoản cá nhân… song nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các phụ huynh. Đến nay, việc thực hiện cơ bản được đảm bảo. Bên cạnh đó, nhà trường triển khai áp dụng các phần mềm: kế toán, chữ ký số, văn thư, thư viện, VNEDU, sổ tay đảng viên điện tử,  bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế điện tử và một số phần mềm phục vụ cho hoạt động dạy và học.... đáp ứng 10/10 tiêu chí”

 

Các cơ sở giáo dục tích cực thay đổi phương pháp giảng dạy, sử dụng khai thác triệt để tài nguyên có trên môi trường mạng Internet áp dụng trong các bài giảng, thay đổi cách hướng dẫn dạy học tại nhà, cách kiểm tra bài tập về nhà của học sinh. Cá nhân mỗi giáo viên luôn tự học qua đồng nghiệp hoặc trên môi trường mạng để nghiên cứu các bài giảng sinh động phù hợp với đặc thù của học sinh. Đến nay,  100% nhà trường thực hiện khai thác kho học liệu số tại các địa chỉ: giaoduc.vn; hoc10.com; violet.vn; vietjack.com…  Đã có tổng số 2.463 bài giảng điện tử, 995 đề thi mẫu được tạo ra trong năm.

 

Cô giáo Bùi Thị Lệ Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Khê cho biết: "Nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh tham gia vào việc CĐS; cụ thể là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, nhất là việc dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhà trường vận động các nguồn xã hội hóa mua ti vi để phục vụ công tác dạy và học cho học sinh các lớp 1, 2 đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, dạy trên sách mềm điện tử, mang lại hiệu quả cao, các em tiếp thu bài rất tốt”.

 

Ông Nguyễn Minh Đức - Trưởng phòng GD& ĐT huyện Văn Chấn cho biết: "Thực hiện CĐS, hiện nay, tại các trường học, các thầy, cô đều sử dụng kho học liệu số, bài giảng E-Learning; ngân hàng đề… và tổ chức cho 100% giáo viên, học sinh khai thác, chia sẻ dữ liệu dùng chung gồm bài giảng điện tử, ngân hàng đề thi mẫu, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, các học liệu điện tử khác hỗ trợ dạy và học”.

 

Qua thực hiện CĐS, ngành GD& ĐT huyện Văn Chấn đã được VNPT tỉnh Yên Bái trang bị Trung tâm Điều hành giáo dục (VNEdu IOC), bao gồm: máy tính, ti vi,  hệ thống quản lý trường học để quản lý hồ sơ giáo viên, học sinh, phân công giảng dạy, lịch báo giảng; quản lý sổ điểm, học bạ, giáo án, điểm danh điện tử… với tổng trị giá gần 60 triệu đồng.

 

Văn Chấn cũng là huyện đầu tiên trong tỉnh có 100% đơn vị trường sử dụng phầm mềm quản lý giáo án điện tử; 100% học sinh các trường được điểm danh điện tử; 100% trường sử dụng chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để phát hành văn bản hành chính trên phần mềm Quản lý văn bản VOffice; 100% cuộc họp chuyên môn, sinh hoạt đảng không sử dụng giấy tờ…

 

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Minh Đức cho biết thêm: Để triển khai hiệu quả công tác CĐS trong trường học trong năm học tới và những năm tiếp theo, đặc biệt là để thực hiện tốt hai nội dung CĐS trong quản lý và CĐS trong dạy học, kiểm tra, đánh giá, thời gian tới, Phòng sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thông qua tập huấn để nâng cao nhận thức, vai trò CĐS đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; quán triệt về việc thủ trưởng các đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác CĐS của đơn vị; tập trung triển khai hiệu quả một số phần mềm phục vụ cho công tác quản lý; thực hiện chuyển đổi số trong dạy và học. 

 

Đồng thời tiếp tục chỉ đạo bộ phận chuyên môn hướng dẫn các nhà trường xây dựng kho học liệu số và tổ chức cho 100% giáo viên, học sinh được khai thác, chia sẻ dữ liệu dùng chung gồm bài giảng điện tử, ngân hàng đề thi mẫu, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, các học liệu điện tử khác hỗ trợ dạy và học như đã thực hiện.

 

Ngành cũng sẽ tổ chức cuộc thi xây dựng đồ dùng dạy học số đối với các lớp thực hiện chương trình GDPT 2018 và chương trình giáo dục mầm non ngay từ đầu năm học 2023-2024 để bổ sung kho học liệu giảng dạy số; bố trí, sắp xếp hợp lý cơ sở vật chất , thiết bị đảm bảo 100% trường đủ điều kiện dạy Tin học theo Chương trình GDPT 2018; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin và hạ tầng công nghệ thông tin từng bước đáp ứng nhu cầu tự học và đổi mới sáng tạo trong các nhà trường.

 

BYB