• Loading...
 
Yên Bái đẩy mạnh phát triển y tế số
Ngày xuất bản: 24/05/2023 9:29:00 SA
Lượt xem: 943

Y tế là một trong những lĩnh vực triển khai chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ và đem lại những kết quả tích cực. Từ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động quản lý nhà nước của ngành đến giải quyết các bài toán trong chăm sóc sức khỏe của người dân đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB), tạo sự thay đổi tích cực trong các hoạt động của hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở.

 

Lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh thăm hệ thống Telemedicine trong Phòng Hội chẩn, Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đã gắn bó nhiều năm với người dân tại xã Tân Hương, huyện Yên Bình, y sĩ Lê Thị Tuyết Hương - Trạm trưởng Trạm Y tế (TYT) xã Tân Hương chia sẻ: "Trước đây những ca bệnh khó như: sốc phản vệ, đột quỵ, ngộ độc… chúng tôi chỉ có thể gọi điện để xin tư vấn từ các bác sĩ tuyến trên. Từ đầu năm 2022, Trạm được trang bị hệ thống KCB từ xa nên chúng tôi có thể trực tiếp trao đổi chuyên môn, người bệnh được các bác sĩ tuyến trên tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị nên người dân rất tin tưởng, yên tâm. Từ đó, số lượt người đến KCB tại TYT xã tăng lên. Trong 3 tháng năm 2023, Trạm đã KCB cho hơn 1.100 lượt bệnh nhân, góp phần giảm tải bệnh nhân cho tuyến trên”.

Có thể thấy, CĐS đã và đang tạo đà cho đội ngũ cán bộ y tế tại tất cả các tuyến ứng dụng CNTT nâng cao trình độ chuyên môn, giúp người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ KCB hiện đại ngay tại địa phương mình sinh sống, nhất là người dân ở những nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Là bệnh viện hạng I tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đi đầu CĐS trong hoạt động quản lý, KCB. Có mặt tại phòng đọc kết quả hình ảnh của Khoa Chẩn đoán hình ảnh được biết, nếu trước đây bệnh nhân phải chờ đợi khá lâu mới lấy được kết quả bởi phải đợi in phim và chiếu lên đèn chụp phim mới xem được thì nay với sự hỗ trợ của các chương trình máy tính, thông qua triển khai sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh không in phim tại Bệnh viện (còn gọi là hệ thống PACS) đã giúp các bác sĩ có thể dễ dàng tương tác, xử lý ảnh trong quá trình phân tích.

Với khả năng lưu trữ và trích xuất thông tin, kiểm tra hồ sơ bệnh án, hình ảnh nhanh chóng, chính xác mọi lúc, mọi nơi, giúp bác sĩ đọc, trả kết quả hình ảnh sau khi người bệnh được chụp X-Quang, CT scanner, MRI và bệnh nhân có thể xem trực tiếp hình ảnh trên điện thoại thông minh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng là đơn vị thứ 35 trên cả nước triển khai Bệnh án điện tử.

Chị Nguyễn Khánh Vân, ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cho hay: "Giờ đi khám bệnh tôi thấy rất thuận lợi. Các thủ tục hành chính đăng ký KCB được rút gọn, người bệnh không còn phải mang nhiều giấy tờ khi đi khám, nên rất nhanh mà không sợ làm mất. Mọi thông tin sức khỏe, thông tin tiền sử bệnh khi đã đến điều trị tại Bệnh viện được lưu trữ đầy đủ, góp phần hỗ trợ tốt cho việc khám và điều trị bệnh”.

Vài năm trở lại đây, ngành y tế Yên Bái đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong KCB đã giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, nâng cao sự hài lòng của người bệnh. Các đơn vị đã triển khai hệ thống KCB từ xa Telehealth, Telemedicine để hội chẩn từ xa với bệnh viện tuyến trên; triển khai hệ thống tư vấn chữa bệnh từ xa, hướng tới đăng ký KCB online.

Cùng với đó, hệ thống giao ban trực tuyến được triển khai từ Sở Y tế đến các đơn vị trực thuộc để giao ban định kỳ, giao ban chuyên môn hàng ngày; học tập, đào tạo chuyên môn nâng cao trình độ trên môi trường mạng.

Các cơ sở KCB trong tỉnh đã triển khai hóa đơn điện tử, đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 đạt từ 15% trở lên; tối thiểu 89% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Song Hào - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Việc áp dụng CĐS trong ngành y tế là một hướng đi tất yếu mà bất kỳ một cơ sở chăm sóc sức khỏe nào cũng sẽ phải ứng dụng trong hiện tại và tương lai. Để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh hơn, theo dõi quy trình KCB thuận tiện, chính xác, thời gian tới, ngành y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh CĐS để phân tích số liệu về hoạt động y tế kịp thời, chính xác, giúp dự báo về diễn biến tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng, từ đó, có chính sách quản lý y tế phù hợp."

"Đồng thời, đẩy mạnh triển khai Bệnh án điện tử tại các cơ sở KCB theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Từng bước tham mưu, xây dựng kho dữ liệu chung của ngành y tế, liên thông dữ liệu, triển khai Hệ thống điều hành cấp cứu ngoại viện thông minh tích hợp với Dự án đô thị thông minh của tỉnh… nhằm từng bước nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân”, Tiến sĩ, bác sĩ Hào nói thêm.

BYB