• Loading...
 
12 đồng chí đại diện đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái tham gia Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" do Trung ương Đoàn tổ chức
Ngày xuất bản: 25/04/2024 7:55:00 SA
Lượt xem: 759

Ngày 24/4, TƯ Đoàn tổ chức Lễ xuất quân Hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" năm 2024 tại Hà Nội, đoàn hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" di chuyển qua 02 tuyến. Tuyến 02 do đồng chí Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm UBKT T.Ư Đoàn làm trưởng đoàn đã khởi hành tới các địa danh lịch sử gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Đoàn đại biểu nghe hướng dẫn viên thuyết minh về lịch sử trong kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta bến phà Âu Lâu

Trưa cùng ngày, đoàn đã tới thăm di tích lịch sử bến Âu Lâu. Di tích này nằm bên bờ sông Hồng. Bờ tả ngạn thuộc tổ dân phố Phúc Tân (P.Nguyễn Phúc), bờ hữu ngạn thuộc thôn Cửa Ngòi (xã Âu Lâu, TP.Yên Bái).

Trên tuyến đường giao thông huyết mạch, cửa ngõ phía tây bắc của Tổ quốc, bến Âu Lâu là địa danh in dấu nhiều chiến công oanh liệt của quân và dân tỉnh Yên Bái, góp phần làm nên chiến thắng vang dội của quân và dân ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), bến Âu Lâu là cửa ngõ đi vào Tây Bắc, lại là nơi duy nhất có thể vận chuyển được các loại vũ khí hạng nặng như: pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe ô tô chở đạn dược, khí tài qua sông, bởi thế nơi đây được xác định là điểm cực kỳ quan trọng trong những năm kháng chiến.

Trong thời gian này, bến Âu Lâu được tăng cường cả về cơ sở vật chất và nhân lực để rồi gồng mình chống đỡ những trận bom mà vẫn chuyên chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men và con người ùn ùn vượt sông Hồng tham gia chiến dịch Lý Thường Kiệt (năm 1951), chiến dịch Tây Bắc, giải phóng Nghĩa Lộ (năm 1952) và đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7.5.1954, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam.

Đoàn chụp hình lưu niệm tại di tích lịch sử bến Âu Lâu

Sau khi rời bến Âu Lâu, đoàn đã đến thăm Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đèo Lũng Lô. Đèo Lũng Lô nằm trên QL37 (đường 379 cũ, nối QL32 với QL32B) tại ranh giới 2 huyện Văn Chấn (Yên Bái) và Phù Yên (Sơn La). Đèo dài 15 km, từ Km349 đến Km364, độ dốc 10%.

 

Đoàn di chuyển đến Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đèo Lũng Lô thực hiện nghi lễ chào cờ, hát quốc ca và hô to khẩu hiệu "Vì Tổ quốc Việt nam giàu mạnh và văn minh - thanh niên" - "Tiến"!

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, T.Ư Đảng quyết định mở con đường 13A bắt đầu từ bến Hiên, thuộc tỉnh Tuyên Quang, vượt qua bến Âu Lâu, đi qua đèo Lũng Lô tới ngã ba Cò Nòi, nối với đường 41 phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuyến đường mà công binh và dân công phải mở dài trên 120 km, địa hình chủ yếu là núi cao, vực sâu, đi qua 3 con sông lớn là sông Chảy, sông Hồng và sông Đà.

Đèo Lũng Lô là nơi địch đã ném xuống đây gần 12.000 tấn bom, có những ngày địch ném xuống 200 quả bom. Trong suốt chiến dịch, mỗi ngày có từ 16 - 18 chiếc máy bay địch oanh tạc từ 5 - 6 lần. Vượt qua nguy hiểm, bất chấp bom rơi đạn nổ, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến đã có hàng vạn lượt người ngày đêm bám đường. Hàng vạn tấn quân trang, vũ khí đạn dược, hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm tập kết ở khu vực Thượng Bằng La đã vượt đèo vào chiến trường và được bảo vệ an toàn.

 

Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương trao 20 suất quà cho cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách; tặng 20 bản đồ khung, 500 bản đồ giấy cho địa phương

Tại đèo Lũng Lô, đoàn công tác đã trao tặng 200 lá cờ Tổ quốc cho các tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn huyện Văn Chấn; tặng 20 suất quà cho cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách; tặng 20 bản đồ khung, 500 bản đồ giấy cho H.Văn Chấn; trao tặng một "Nhà Hạnh phúc" cho học sinh dân tộc thiểu số mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái; khởi công "Ngôi nhà nhân ái" tặng cho gia đình thương binh Hà Minh Sứng tại H.Văn Chấn./.