• Loading...
 
Người cõng chữ nên non – Ươm mầm xanh tri thức nơi rẻo cao
Ngày xuất bản: 16/11/2022 3:14:00 CH
Lượt xem: 229

Cô Đỗ Thị Loan là một trong số 68 giáo viên vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức trong dịp lễ 20/11, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Cô giáo Đỗ Thị Loan được vinh danh trong Lễ Tuyên dương tại chương trình "Chi sẻ cùng thầy cô"

Dành trọn thanh xuân cho trẻ em vùng cao

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người,” nghe theo tiếng gọi của Nhà nước, của ngành, cô giáo Đỗ Thị Loan đã làm đơn tình nguyện lên Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái dạy học khi tuổi mới đôi mươi. Cô đã dành trọn thanh xuân của mình cho việc gieo những mầm non của đất nước.

Ra trường năm 2007, bước chân lên Mù Cang Chải dạy học, cô Loan cầm trong tay hợp đồng lao động với mức lương 400.000 đồng tại đơn vị trường Tiểu học và Trung học cơ sở La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải. Nhìn xung quanh chỉ toàn rừng và núi, phương tiện di chuyển không có, đường sá khó khăn, cô gái 22 tuổi không khỏi hụt hẫng. Nhưng với tấm lòng yêu nghề, sự tâm huyết muốn gắn bó với các em nhỏ vùng cao đã thôi thúc trái tim trẻ đầy nhiệt huyết của cô ở lại cắm bản công tác tại vùng cao này.

Cô chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình trong suốt 15 năm gắn bó với nghề: “Những ngày tháng mới đi dạy học, tôi đi bộ hơn 10km mỗi ngày để đi dạy học. Mỗi sáng dù nắng hay mưa, tôi vẫn luôn mặc áo mưa và đi ủng, bởi con đường vùng cao không như đồng bằng, ở vùng cao mùa nào cũng có sương mù và đường đất, luôn trơn trượt, lầy lội. Từng bước chân đi bộ đến với điểm trường của tôi là từng giọt nước mắt lặng lẽ dấu vào trong bởi sự tủi thân của một cô giáo trẻ xa nhà, khóc bởi sự tủi thân vì đôi chân chưa quen với việc hàng ngày leo dốc đi bộ 5km lên điểm bản và 5km về với điểm trường chính. Khi chúng tôi trả các con về với gia đình và trở về điểm trường chính, thì hầu như trời đã gần về tối ”.

Khó khăn nhất với cô Loan chính là rào cản ngôn ngữ với học trò của mình. Học sinh của cô thời gian đầu chỉ nói tiếng địa phương. Cô gặp trở ngại cả khi giao tiếp với phụ huynh các em.Tuy nhiên, muốn các con được đi học để có tương lai tốt đẹp hơn, cô cùng các đồng nghiệp của mình động viên nhau và tự tìm cách để vượt qua những thách thức. Vậy là mỗi ngày sau giờ lên lớp, cô lại miệt mài tự học tiếng địa phương

Sau khoảng thời gian công tác tại xã La Pán Tẩn và trường Mầm non Bông Sen ở xã Chế Cu Nha, năm 2021 cô Loan được điều chuyển về Trường mầm non Kim Nọi với vai trò là Phó hiệu trưởng trường. Trường hiện có 198 học sinh và 100% các em là dân tộc Mông.

Suốt 15 năm qua, không dừng lại ở việc gieo chữ, cô giáo Loan vẫn luôn trăn trở, ấp ủ về những sáng kiến nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng cao, hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa cho đồng bào dân tộc Mông.

Trong lớp học, cô lên ý tưởng trang trí lớp học với những hình ảnh trang phục của đồng bào dân tộc. Trong tuần, trường tổ chức hoạt động múa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, bố trí “góc địa phương” mở phiên chợ vùng cao ở sân trường để giúp các em nhỏ không quên được những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mình.

Cô Loan luôn nỗ lực tìm tòi phương pháp mới sinh động, có hiệu quả để vận dụng vào việc giảng dạy sao cho học sinh tiếp thu bài, hiểu bài nhanh, có hiệu quả nhất. Với sự tận tâm trong công việc, nhiều năm liền cô là chiến sĩ thi đua cơ sở; trong những năm qua cô Loan đã đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, như đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen trong phong trào thi đua Đổi mới sáng tạo trong dạy và học, trong phong trào thi đua yêu nước,…Cô được bạn bè, đồng nghiệp nhận xét là một giáo viên tâm huyết với nghề, có năng lực chuyên môn, yêu nghề, mến trẻ, là gương điển hình cho tinh thần vượt khó để đồng nghiệp và học sinh noi theo.

Yêu những đứa trẻ vùng cao như chính những đứa con của mình

Chọn nghề cũng một phần vì sinh kế, thế nhưng đối với giáo viên vùng cao thì trước hết phải có lòng yêu nghề và đức hy sinh, tình yêu học trò phải chiến thắng nỗi sợ hãi và muôn vàn khó khăn, thử thách. Nhìn các em học sinh của mình tiến bộ từng ngày, rồi lớn lên, trưởng thành, không còn hạnh phúc nào bằng. Dù vẫn còn đó nhiều gian nan, khó khăn, vất vả, cô Loan luôn tự hào về nghề và sẽ tiếp tục ươm mầm nuôi dưỡng cho những ước mơ của học sinh. Với cô, phần thưởng lớn nhất chính là sự trưởng thành của các thế hệ học trò, giúp các em có tri thức đóng góp cho mảnh đất vùng cao này từng bước thoát khỏi sự khó khăn trong tương lai không xa./.