Ai đã đến với mảnh đất cửa ngõ miền Tây Văn Chấn chắc hẳn cũng mong ít nhất được đặt chân đến vùng chè Shan tuyết Suối Giàng một lần. Lên Suối Giàng để cùng thưởng thức thứ chè không riêng người Mông bản địa, mà nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Văn Chấn vẫn thường nhắc đến như một niềm tự hào. Lên Suối Giàng, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp, thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc của người Mông giữa lưng chừng trời.
Hẹn hò nấn ná mấy bận, cuối cùng chúng tôi cũng thu xếp được công việc trở lại mảnh đất đặc sản chè Shan tuyết theo lời mời của già làng Giàng Nhà Lử ở thôn Giàng B, xã Suối Giàng từ lâu.
Xuất phát từ thành phố khá sớm, 8 giờ sáng chúng tôi đã có mặt tại Suối Giàng. Những ngày này, ở thành phố nắng nóng oi ả là vậy mà không khí nơi đây vẫn se se lạnh, chút sương sớm vẫn còn vương víu nơi ngọn chè, lấp loáng tia nắng mai óng ánh xuyên qua lớp tơ nhện.
Ông Giàng Nhà Lử hồ hởi đón chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt: "Ngóng mãi hôm nay phóng viên mới trở lại thăm già làng này! Vào nhà ngồi uống chén chè cho ấm bụng rồi tôi dẫn đi thăm cây chè tổ”. Hít hà hơi nóng thơm dịu phảng phất đầy sức quyến rũ từ chén chè được pha bằng nước suối nguồn.
Cầm chén chè trên tay, nhấp một ngụm nhỏ để thấy vị đậm đà đặc trưng, bắt đầu là vị đắng, vị chát quện vào đầu lưỡi rồi sau đó đến vị ngọt dần dần lan tỏa trong khoang miệng và lắng sâu. Những hương vị tinh túy đó như thấm dần vào từng tấc lưỡi làm cho người thưởng chè có cảm giác lâng lâng, sảng khoái và say mê đến lạ thường.
Nhâm nhi vài ba chén chè cũng hết buổi sáng, mãi tới 11 giờ khi nắng đã gần đứng bóng chúng tôi mới tới đồi chè cổ thụ. Đã tới Suối Giàng nhiều lần nhưng lần này tôi mới có duyên được thăm quan cây chè tổ. Tạo hóa ban cho nơi đây khí hậu quanh năm mát mẻ, người dân nơi đây chăm sóc, gìn giữ cây chè Shan tuyết đời này qua đời khác.
Những cây chè, thân trắng mốc, rêu phong qua năm tháng. Phiến lá to, dày, màu xanh đậm, sẫm, búp chè to mập mạp, trên mặt lá có phủ một lớp lông tơ mỏng, giống như có tuyết phủ lên.
Chỉ tay về gốc chè to dễ đến hai người ôm không xuể, già làng Giàng Nhà Lử giọng đầy tự hào giới thiệu: "Những cây chè tổ ở đây có tuổi đời từ 100 - 300 tuổi. Lâu nay chè Shan tuyết đã trở thành đặc sản, được nhiều nơi trong cả nước biết đến, từ đó, nghề trồng chè, làm chè Shan tuyết phát triển. Khách du lịch đến đây thăm quan cây chè ngày một nhiều hơn, chè bán chạy hơn, đời sống nhân dân phát triển hơn. Bởi vậy, cây chè Shan tuyết cổ thụ được xem như là biểu tượng, là nguồn sống và cũng chính là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Mông ở Suối Giàng chúng tôi đấy, phóng viên à!”.
Vâng! Suối Giàng hôm nay đã đổi mới. Điện đã thắp sáng lung linh những căn nhà nơi bản nhỏ, người Mông có tivi để xem, có xe máy chạy khắp nẻo đường. Tất cả là nhờ cây chè, hương chè, búp chè mang lại. Giữa trưa nắng chan hòa, chợt mây mù từ đâu ùa về giăng phủ khắp lối, người trước, người sau chỉ cách nhau vài bước chân mà không nhìn rõ, ông Lử vội giục chúng tôi quay trở về.
Thấy tôi ngạc nhiên ngơ ngác trông trời, ông Lử giải thích: "Thời tiết trên này là vậy, sương mù có thể ùa về bất cứ lúc nào, có khi mù cả ngày, cũng có hôm sương ùa về mù kín lối nhưng chỉ một lát là lại tan ngay. Tôi chưa được đi Sa Pa bao giờ mà thấy nhiều du khách bảo thời tiết và sương mù ở đây giống Sa Pa”.
Quả nhiên, trên đường về bản mây mù tan dần, những ngôi nhà của đồng bào Mông tựa vào nhau bên sườn núi như một sự sắp đặt khéo léo, mây trắng bồng bềnh trôi ngang núi, rừng chè xanh thẳm một màu kéo dài ngút tầm mắt. Thấp thoáng bên hiên nhà dáng cô gái Mông xúng xính váy, áo thổ cẩm hoa văn sặc sỡ mềm mại mà khỏe khoắn, tràn đầy sức sống.
Rời Suối Giàng, chúng tôi lại hối hả trở về thành phố tấp nập. Thấp thoáng phía sau người già làng tủm tỉm tạm biệt, thiếu nữ bên cây chè tổ tay vẫy vẫy, thấy lòng bâng khuâng những yêu thương. Hương chè Shan tuyết thơm vẫn phảng phất bay xa như lời hẹn ước, lời mời gọi du khách bốn phương.
Theo Báo Yên Bái
Tin khác