• Loading...
 
Người công dân số 1 thực hiện quyền công dân
Ngày xuất bản: 25/04/2021 9:28:00 SA

 Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc ta, trong các bài nói, bài viết và trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, nhiều lần Người bày tỏ sự ham muốn, ham muốn tột bậc của mình là được phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân nhiều hơn nữa, là làm sao cho nước nhà được độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Người thấu hiểu sâu sắc những nỗi bất hạnh của người dân không có tự do, dân chủ bao nhiêu, Người càng nỗ lực phấn đấu để đem lại tự do, dân chủ cho người dân bấy nhiêu.

Ngày 26/4/1960, Hồ Chủ tịch đã đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tại đơn vị bầu cử số 2, tiểu khu Trúc Bạch, khu phố Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: T.L)
Ngày 26/4/1960, Hồ Chủ tịch đã đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tại đơn vị bầu cử số 2, tiểu khu Trúc Bạch, khu phố Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: T.L)
Trong các quyền tự do, dân chủ ấy thì trước hết là quyền tự do, dân chủ trong ứng cử và bầu cử, trong việc lựa chọn người xứng đáng, đại diện cho mình vào Quốc hội, HĐND các cấp, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân, vì dân; một Nhà nước mà ở đó mỗi cán bộ là người đầy tớ trung thành, là công bộc của dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, từ khát vọng cháy bỏng đem lại tự do, dân chủ cho nhân dân, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị làm sao sớm có một bản Hiến pháp bảo đảm quyền tự do, dân chủ cho nhân dân. Điều đó cũng cấp bách như giải quyết nạn đói, nạn dốt. Người chỉ rõ, muốn vậy thì Chính phủ phải tổ chức càng sớm càng tốt, một cuộc tổng tuyển cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu. Thế có nghĩa là, tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử.
Trong bài báo viết để giải thích về ý nghĩa của Tổng tuyển cử, Người nêu rõ: Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức ra gánh vác công việc nhà nước. Người chỉ ra rất cụ thể: Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì có quyền bầu cử không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.
Trong bài báo hô hào quốc dân đi bỏ phiếu, Bác Hồ cũng chỉ rõ: "Ngày mai mồng 6 tháng 1 năm 1946. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng quyền dân chủ của mình”.
Trong bài viết Người cố ý lặp đi, lặp lại nhiều lần hai chữ "ngày mai” là để nhấn mạnh ý nghĩa thiêng liêng về quyền tự do, dân chủ của nhân dân do cách mạng đem lại bằng xương, bằng máu, bằng công lao, trí tuệ của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Quyền tự do, dân chủ trong ứng cử, bầu cử còn được Người thể hiện rất cụ thể trong lời phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội ủng hộ ngày bầu cử: "Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình”. Và Người cũng thẳng thắn nói rõ: "Những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu”.
Trong bầu cử, ai được cử phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân và phải ghi nhớ câu: Vì lợi nước quên lợi nhà, vì lợi chung quên lợi riêng, phải xứng đáng với đồng bào, xứng đáng với Tổ quốc. Ai không được bầu chớ ngã lòng, vẫn phải ra sức giúp ích cho nước nhà.
Tóm lại, trong những bài nói, bài viết, Bác Hồ của chúng ta thể hiện sâu sắc khát vọng đem lại độc lập cho đất nước, tự do, dân chủ cho nhân dân. Người cũng đã chỉ rõ việc thể hiện quyền tự do, dân chủ, trước hết trong ứng cử, bầu cử Quốc hội cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Và chính Người đã nêu tấm gương mẫu mực trong việc thực hiện quyền tự do, dân chủ ấy.
Còn nhớ, trong quá trình lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, 118 vị Chủ tịch đại diện các ngành, các giới của ngoại thành Hà Nội đã gửi một bản kiến nghị lên Chính phủ. Nội dung của bản kiến nghị nêu ra là: "Đề nghị cụ Hồ Chí Minh được miễn, không phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới, vì cụ đã được toàn dân suy tôn là Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Biết được đề nghị ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bức thư cảm tạ, đề nghị đồng bào thủ đô Hà Nội cho Người được thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình. Bức thư của Bác Hồ viết: "Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quý yêu tôi mà đề nghị tôi không phải ra ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nên tôi không thể vượt qua thể lệ tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi khác nữa”.
Những tư tưởng về quyền bầu cử và ứng cử của người dân một nước độc lập được Bác Hồ nêu ra từ những ngày đầu chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, sau này đã trở thành những nguyên tắc cơ bản trong luật bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Đó là nguyên tắc bình đẳng, một nguyên tắc quan trọng, xuyên suốt trong quá trình bầu cử; đó là nguyên tắc bầu cử trực tiếp; nguyên tắc bỏ phiếu kín và nguyên tắc dân chủ, đúng pháp luật, nghĩa là cuộc bầu cử phải tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là lãnh tụ, lại vừa là công dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nên Người hết sức mẫu mực trong việc thực hiện quyền tự do, dân chủ cơ bản của công dân, ấy là quyền ứng cử và bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Đúng 8 giờ sáng ngày mồng 6 tháng 1 năm 1946, ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã có mặt tại phòng bỏ phiếu đặt tại nhà số 10 phố Hàng Vôi - Hà Nội (nay là phố Lý Thái Tổ).
Người là một trong số những người đầu tiên đến bỏ phiếu. Người nhận phiếu bầu rồi đến nơi ghi phiếu, ghi phiếu xong tự tay bỏ phiếu vào hòm phiếu, trước sự ngưỡng mộ và kính trọng của nhân viên tổ bầu cử và đông đảo cử tri.
Làm xong nghĩa vụ công dân của mình, Bác đến thăm phòng bỏ phiếu ở phố Hàng Bạc rồi đến phòng bỏ phiếu phố Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu và phòng bỏ phiếu ô Đông Mác.
Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ấy, Bác Hồ đã trúng cử với số phiếu rất cao. Quốc hội đầu tiên đã bầu Bác làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong phiên khai mạc Hội nghị đầu tiên của Quốc hội khóa I, Bác phát biểu: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải làm, cũng như mọi người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận.
Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Trả lời các nhà báo, khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Bác Hồ cũng trả lời như vậy. Điều đó cho thấy, tư tưởng cao đẹp xuyên suốt của Người là chỉ muốn phụng sự Tổ quốc, chỉ muốn mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, chỉ muốn đem lại độc lập, tự do cho nhân dân.
Không chỉ thể hiện quyền và nghĩa vụ của một công dân trong cuộc Tổng tuyển cử mà ở mọi lúc, mọi nơi Bác Hồ luôn luôn thể hiện sự tôn trọng quyền tự do, dân chủ thiêng liêng ấy. Trong nhiều tài liệu còn ghi lại chuyện Bác Hồ đi bầu cử HĐND cấp huyện và cấp xã. Ấy là, chiều ngày 27/4/1969 - đúng 5 tháng trước ngày Bác Hồ kính yêu của chúng ta qua đời, đi vào cõi vĩnh hằng, Người vẫn tham gia nghĩa vụ của người công dân là bầu cử HĐND cấp huyện và xã.
Theo danh sách cử tri, Bác bỏ phiếu ở hòm phiếu số 6 thuộc tiểu khu I, khu phố Ba Đình - Hà Nội. Hòm phiếu đặt tại Nhà Thuyền (Hồ Tây). Khi thấy Bác Hồ đến, nhân viên tổ bầu cử có ý cho mọi người tạm dừng lại để Bác Hồ bỏ phiếu trước.
Thấy vậy, Bác nói với các nhân viên tổ bầu cử: "Ai đến trước bầu trước, Bác đến sau để Bác chờ”. Và Người chờ đến lượt mình mới nhận phiếu rồi Bác vào phòng viết phiếu. Với lòng ngưỡng mộ và kính yêu được nhìn thấy Bác bỏ phiếu, thực hiện nghĩa vụ của người công dân, các nhà báo giơ máy ảnh lên định chụp khi Bác đang ghi phiếu, Bác lấy tay che lá phiếu rồi thân tình giải thích cho các nhà báo: "Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri, phải tôn trọng tự do và bí mật của công dân”. Bác viết phiếu rồi bỏ vào hòm phiếu. Được biết, trước đó Bác đã đề nghị nhân viên tổ bầu cử cho Bác được xem lý lịch của các ứng cử viên để Bác lựa chọn trước khi viết phiếu.
Nhân dịp cả nước đang tưng bừng, hồ hởi chuẩn bị cho ngày hội toàn dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5/2021, nhớ lại chuyện Bác Hồ - người công dân số 1 của nước ta thực hiện quyền ứng cử và bầu cử của mình.
Những tư tưởng, phong cách, đạo đức của Bác ngày ấy vẫn giữ nguyên giá trị để chúng ta học tập và làm theo, bầu ra được một Quốc hội và HĐND các cấp xứng tầm để cùng toàn dân thực hiện cho kỳ được những chiến lược, mục tiêu do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra; biến khát vọng xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc, trở thành hiện thực trên đất nước tươi đẹp của chúng ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mỗi cử tri thể hiện trọng trách trước Tổ quốc, trước nhân dân trong từng lá phiếu của mình theo tấm gương trong sáng của Bác Hồ kính yêu.