• Loading...
 
Hướng tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2017 - 2022 Thanh niên Pá Hu tự tin lập nghiệp
Ngày xuất bản: 27/09/2017 3:11:00 CH
Lượt xem: 2707

Từ chỗ không được quản lý một đồng vốn nào, đến nay, Đoàn xã đã quản lý 3 tổ vay vốn, tổng dư nợ trên 2,5 tỷ đồng với trên 100 lượt ĐVTN được vay.

Mô hình đoàn viên phát triển kinh tế ở Pá Hu được nhiều đoàn viên phát huy

Đoàn xã Pá Hu có 338 đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt tại 6 chi đoàn thôn, bản. Cũng như nhiều xã vùng cao khác, hầu hết những ĐVTN học xong đều muốn thoát ly, số còn lại không thoát ly thì lập gia đình và không tham gia tổ chức Đoàn, bởi vậy, công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở Pá Hu nhiều năm qua luôn gặp rất nhiều khó khăn.

Để tập hợp, thu hút ĐVTN hăng hái tham gia công tác, phong trào Đoàn cũng như khơi dậy tinh thần lập thân, lập nghiệp của mỗi ĐVTN, Ban Chấp hành Đoàn xã đã có nhiều đổi mới trong các hoạt động phong trào Đoàn. Bằng những hoạt động thiết thực như tổ chức các hoạt động tình nguyện, xây dựng các mô hình điển hình làm kinh tế giỏi, các phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp, qua đó khơi dậy lòng nhiệt huyết đam mê của nhiều ĐVTN trong xã.

Theo anh Thào A Mua - Bí thư Đoàn xã, muốn tập hợp thu hút ĐVTN trước tiên các hoạt động Đoàn phải sôi nổi, bên cạnh đó tổ chức Đoàn cũng phải là chỗ dựa vững chắc để họ yên tâm lập thân lập nghiệp tại địa phương thì phong trào Đoàn mới vững mạnh. Bởi vậy, trong các cuộc họp của cấp ủy, chính quyền xã, anh luôn có những kiến nghị chính đáng để gây dựng phong trào; từ đó, các hoạt động giao lưu, tập huấn, tín chấp vay vốn ủy thác được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho Đoàn ngày một thuận lợi hơn. Từ chỗ không được quản lý một đồng vốn nào, đến nay, Đoàn xã đã quản lý 3 tổ vay vốn, tổng dư nợ trên 2,5 tỷ đồng với trên 100 lượt ĐVTN được vay.

Bí thư Đoàn xã Thào A Mua cho biết: "Mình nói được thì mình phải làm được, những ĐVTN khác mới nghe và làm theo, nói không họ không tin đâu”.

Xuất phát từ những suy nghĩ ấy, Thào A Mua đã mạnh dạn đi đầu, hăng hái phát triển mô hình kinh tế của gia đình. Năm 2014, anh mạnh dạn vay 30 triệu đồng mua đôi trâu về nuôi, kết hợp với kinh tế đồi rừng. Đến nay, anh đã có đàn trâu 10 con, hơn 3 ha đồi rừng. Từ mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của anh, nhiều ĐVTN khác trong xã cũng học tập và làm theo.

Mô hình nuôi dê và trồng rừng của anh Thào A Giàng, Chi đoàn thôn Tà Tầu cũng là một điển hình. Năm 2014, thông qua tổ chức Đoàn, Thào A Giàng vay 30 triệu đồng mạnh dạn mua 2 con trâu và mua cây giống để trồng rừng. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, nên chỉ 3 năm sau đàn trâu sinh sôi, Giàng đang có ý định cuối năm nay sẽ bán tỉa diện tích 3 ha đồi rừng để dồn thêm vốn mua khoảng 20 con dê về nuôi. 

Với đoàn viên Giàng A Khu, Chi đoàn thôn Cang Dông, sau gần 4 năm lặn lội nơi đất khách quê người cũng không cho cuộc sống khá hơn, sau lần về nghỉ lễ tại địa phương, tham gia sinh hoạt Đoàn và được giao lưu với một số cơ sở Đoàn ở những địa phương khác, thấy những thanh niên ở đó họ không phải đi đâu xa mà vẫn có cuộc sống khá giả ngay tại quê nhà. Vậy là năm 2014, Khu đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho ĐVTN đầu tư nuôi lợn cắp nách, đến nay đàn lợn của Khu đã có 20 con, Khu vừa bán lợn giống và bán lợn thịt, bình quân mỗi năm cũng thu lãi 30 triệu đồng.

ĐVTN Thào A Mua, Chi đoàn thôn Pá Hu cũng vậy, sau nhiều năm đi làm thuê ở tận Hà Nội, năm 2013, A Mua đã quyết định về quê hương lập nghiệp. Với số tiền được vay 45 triệu đồng, A Mua đã thuê một quán nhỏ ở Km 16 để sửa chữa xe máy.

Đến nay, cuộc sống của Mua đã khá lên trông thấy, thu nhập bình quân mỗi tháng gần 10 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương cũng là ĐVTN với thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng...

Bằng những hoạt động thiết thực, phong trào Đoàn ở xã Pá Hu đã gặt hái khá nhiều thành công, từ chỗ tỷ lệ tập hợp thu hút ĐVTN chưa tới 50% nay đã đạt trên 90%. Các hoạt động, phong trào đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân lập nghiệp đã có sức lan tỏa lớn tới tất cả các chi đoàn thôn, bản góp phần nâng cao đời sống cho ĐVTN để họ yên tâm bám bản làng vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Thanh Tân