• Loading...
 
Yên Bái: Đẩy mạnh giải pháp đào tạo nghề
Ngày xuất bản: 29/05/2017 10:23:00 SA
Lượt xem: 16658

Để đạt mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc thì đào tạo nhân lực, nhất là đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cung cấp cho các tỉnh trong khu vực là 1 trong 3 khâu đột phá của Yên Bái.

Đào tạo nghề may cho lao động nữ ở Văn Yên.

Từ việc chú trọng đến công tác đào tạo nghề mà mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 20 cơ sở dạy nghề gồm 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 7 trung tâm dạy nghề và 7 cơ sở tham gia hoạt động dạy nghề.

Trong đó, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư thành 1/40 trường chất lượng cao của cả nước đến năm 2020), được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt đầu tư đào tạo 1 nghề đạt cấp độ quốc tế, 4 nghề đạt cấp độ Asean; 2 trường trung cấp nghề, mỗi trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt đầu tư đào tạo 3 nghề đạt cấp độ quốc gia.

Mạng lưới các trung tâm dạy nghề cấp huyện được củng cố trên cơ sở sáp nhập trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp dạy nghề đã thống nhất về tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được đầu tư xây dựng 230 phòng học lý thuyết, diện tích trên 9.600m2; 60 nhà xưởng thực hành, thí nghiệm diện tích 6.895m2; 11 thư viện, diện tích 1.176m2; 18 nhà hiệu bộ diện tích 6.895m2; 17 ký túc xá diện tích 12.075m2. Cơ sở vật chất này cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo. Đối với các trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên cấp huyện, thiết bị dạy nghề được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo.

Cùng cơ sở vật chất, về đội ngũ, đến nay toàn tỉnh có tổng số 541 cán bộ, giáo viên, giảng viên, trong đó giáo viên và giảng viên là 448 người. Về chất lượng, có 72 người có trình độ thạc sỹ, chiếm 20,8%; 315 người có trình độ đại học, chiếm 69,4%. Trong đó, số giáo viên được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm chiếm 99,55%, đạt chuẩn về ngoại ngữ chiếm 73,7%, đạt chuẩn về tin học chiếm 66%.

Điều này để có kết quả từ năm 2011 đến năm 2016, toàn tỉnh đã có trên 81.000 người được đào tạo nghề, trong đó có 4.932 người hệ cao đẳng, 9.909 người hệ trung cấp, 66.727 người hệ sơ cấp và dưới 3 tháng. Đây là nguồn nhân lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân tại các địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, do số lượng doanh nghiệp trên địa bàn không nhiều, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nhu cầu không lớn. Các cơ sở dạy nghề lại chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, số lượng cơ sở giáo dục ngoài công lập ít, quy mô đào tạo thấp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất nhất là thiết bị dạy học, nhà xưởng thực hành, thí nghiệm, giáo viên dạy nghề cơ hữu... thiếu và chưa đồng bộ.

Hơn thế, do định mức kinh phí cấp chi thường xuyên cho đào tạo nghề thấp, tâm lý chung của toàn xã hội không muốn học nghề làm thợ đã dẫn đến tình trạng các cơ sở khó khăn trong việc tuyển sinh… Những nguyên nhân này đã dẫn đến chất lượng đào tạo nghề thấp; cơ cấu đào tạo chưa cân đối khi hệ trung cấp, cao đẳng chiếm tỷ lệ thấp so với quy mô đào tạo.

Ngành nghề lại chưa đa dạng, một số nghề xã hội đang có nhu cầu như: chế biến chè, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng… thì thiếu; trong khi các ngành nghề như kế toán, sư phạm, y tế… ít nhu cầu sử dụng lại thừa. Điều này dẫn đến nhiều người dù được đào tạo nghề nhưng thiếu việc làm, gây lãng phí cho xã hội.

Đào tạo nguồn nhân lực được xác định là khâu đột phá, vì vậy cùng với việc định hướng lĩnh vực ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo… cho các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh các giải pháp về quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh đầu tư và xã hội hóa, gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, tăng cường hợp tác giáo dục với các tỉnh trong vùng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp…

Những giải pháp trên gắn với đẩy mạnh tuyên truyền vận động, làm thay đổi nhận thức cho người dân về nghề nghiệp chúng ta mới đào tạo được nguồn nhân lực tốt để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Từ mạng lưới cơ sở hiện có, năng lực đào tạo nghề toàn tỉnh đạt khoảng 20.800 người/ năm. Trong đó: cao đẳng 5.700 người, trung cấp 4.000 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 11.100 người. Mục tiêu, trong giai đoạn 2016 - 2020, Yên Bái sẽ đào tạo nghề cho 75.000 người, trong đó 11.475 người hệ cao đẳng, 18.875 người hệ trung cấp, 44.650 người hệ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Các lĩnh vực đào tạo là: nông - lâm - nghiệp, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ

Theo Báo Yên Bái