Sinh ra và lớn lên tại xã Vũ Linh, huyện Yên Bình – mảnh đất giàu truyền thống và đậm đà bản sắc dân tộc. Nhờ chuyến du lịch “định mệnh” của một đoàn du lịch người Pháp, cô đã nên duyên với chồng mình - người cùng cô viết nên giấc mơ làm du lịch cộng đồng, đổi thay diện mạo của vùng quê nghèo khó.
Đến với thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh huyện Yên Bình vào những ngày đầu tháng 6/2019, sau gần 1h di chuyển từ thành phố Yên Bái bằng ô tô về hướng Đông Bắc, huyện Yên Bình. Thôn Ngòi Tu dần hiện ra như một bức tranh thủy mạc đặc trưng của làng quê Việt Nam với những đàn trâu, cánh cò xen lẫn hàng cau thẳng tắp, cánh đồng lúa xanh mượt, những sườn đồi thấp với cây xanh soi bóng xuống Hồ Thác mênh mông…
Chúng tôi ghé thăm mô hình du lịch cộng đồng của đoàn viên Lý Thị Sam Sung – cô gái người Dao sinh năm 1994 với cái tên rất đặc biệt, trong thời điểm mô hình của cô kết hợp với 02 mô hình du lịch cộng đồng khác do thanh niên làm chủ thành lập Tổ hợp tác Thanh niên phát triển Du lịch cộng đồng vừa được ra mắt. Chia sẻ với chúng tôi, cô gái trẻ với đôi mắt sáng và nụ cười tươi say sưa kể về vẻ đẹp của quê hương, những điểm thu hút du khách trong và ngoài nước, và cơ duyên đến với quyết định khởi nghiệp theo mô hình du lịch cộng đồng.
Lý Thị Sam Sung với trang phục dân tộc Dao truyền thống
Phong cảnh nên thơ, hữu tình tại thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình)
Từ năm 2012, thôn Ngòi Tu xã Vũ Linh huyện Yên Bình của tỉnh Yên Bái được ông Fredo Bình – Việt kiều người Pháp sinh sống tại Việt Nam đã nhiều năm đầu tư xây dựng. Với tầm nhìn chiến lược vào một địa danh ít ai biết đến nhưng lại có vẻ đẹp bình dị, không khí trong lành nằm sát bên hồ Thác Bà thơ mộng với hàng trăm đảo lớn nhỏ được ví như Vịnh Hạ Long của khu vực miền núi phía Bắc. Là nơi sinh sống của đồng bào của người Dao quần trắng với văn hóa đa dạng, ẩm thực phong phú. Ông đã từng bước xây dựng nên một khu du lịch sinh thái Lavie Vũ Linh tươi đẹp được du khách thập phương biết đến.
Duyên phận đối với chàng trai hướng dẫn viên du lịch
Vào năm 2014, trong một lần dẫn đoàn khách du khách người Pháp đến thăm và khám phá thôn Ngòi Tu, chàng hướng dẫn viên du lịch đã quen với cô gái bản địa có cái tên đặc biệt Lý Thị Sam Sung. Từ lần gặp gỡ ấy, từ những câu chuyện mà chàng hướng dẫn viên du lịch cùng xã nhưng khác thôn tâm sự với cô đã gieo vào cô gái trẻ niềm đam mê làm du lịch cộng đồng. Và theo tiếng gọi của trái tim cùng sự đồng điệu về tâm hồn đã đẩy đưa chàng hướng dẫn viên cùng cô xây tổ ấm, cùng cô viết tiếp ước mơ làm du lịch cộng đồng với khát vọng thay đổi diện mạo của vùng quê nghèo khó.
Khám phá thôn Ngòi Tu, chúng tôi cảm nhận được sự thanh bình của làng quê, khí hậu của vùng hồ trong lành và mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú với sự hiếu khách của người dân nơi đây. Trong thôn, hình ảnh những đoàn khách nước ngoài người tản bộ, người đạp xe để khám phá Ngòi Tu, thấp thoáng bên hồ là những đứa trẻ đang ngụp lặn trong làn nước xanh biếc, bên cửa một người phụ nữ Dao vấn khăn ngồi dệt vải, vài con thuyền đang cùng du khách sải mái chèo khám phá các đảo… cảnh sắc yên bình làm cho chúng tôi cảm giác như ở nơi đây thời gian trôi thật chậm.
Sam Sung chia sẻ với chúng tôi, ở đây người dân thân thiện, hiếu khách, có rất nhiều nhà đã, đang và sẽ làm du lịch cộng đồng như vợ chồng cô. Điều ấy khiến cô rất vui! Tôi hỏi: Họ làm nhiều, em không sợ lượng khách đến với mô hình của em sẽ ít đi à? Cô tươi cười nói: Làm kinh tế thì ai cũng muốn thu nhập cao, nhưng làm du lịch cộng đồng này vừa là để phát huy thế mạnh địa phương, vừa giới thiệu về văn hóa, con người, ẩm thực của người Dao đến với du khách thập phương; thế nên càng nhiều nhà làm thì càng có nhiều người lưu giữ và giới thiệu văn hóa của Ngòi Tu, càng tốt chứ anh. Lượng khách biết và đến với Ngòi Tu ngày một đông nên nhiều nhà làm còn có chỗ cho du khách ở lại và khám phá nơi này anh ạ.
Các dịch vụ trải nghiệm đặc sắc, hấp dẫn
Với cách nói chuyện hồn nhiên, cô gái trẻ tiếp tục giới thiệu về các chương trình, dịch vụ giúp cho du khách có thể chọn hình thức nghỉ dưỡng hoặc trải nghiệm khám phá. Các dịch vụ được du khách ưa thích nhất là thăm thú Hồ Thác Bà bằng thuyền nan, leo núi Yến, núi Cao Biền, trải nghiệm cuộc sống trên các hoang đảo, khám phá Vũ Linh bằng xe đạp, thăm quan các gia đình có nghề dệt truyền thống, nghề đan rọ tôm, nghề đan lướt hoặc theo người dân đánh cá, câu cá trên hồ Thác Bà…
Đêm đến, dưới mái nhà sàn truyền thống, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn dân dã được chuẩn bị công phu, khéo léo như gà nướng, cá nướng, xôi trắng, bánh kếp, nộm hoa chuối rừng, thịt gà nấu măng chua, gỏi cá, nem trứng kiến… cùng gia vị độc đáo của đồng bào ở đây. Được trải nghiệm các điệu múa chuông, múa lù, làn điệu dân ca Dao say đắm lòng người bên ánh lửa trại bập bùng… Ngoài ra, du khách còn được ngâm mình trong các bồn tắm với lá tắm của người Dao nổi tiếng giúp thư giãn, sảng khoái sau một ngày dài khám phá thiên nhiên và văn hóa của Vũ Linh.
Các du khách đến trải nghiệm tại homstay
Tất cả các dịch vụ du lịch của các hộ dân đều gắn với tự nhiên, hạn chế tối đa những kết cấu hạ tầng có thể ảnh hưởng lớn đến cảnh quan thiên nhiên. Khiến nơi đây dù là vùng đất du lịch nhưng bình dị, không hối hả trong xây dựng tạo ra nhịp sống chậm rãi, yên ả… khiến cho du khách đã dừng chân lại chẳng muốn về.
Hiện nay, mô hình đã mở rộng được 02 nhà sàn, 03 phòng nghỉ khép kín cho thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 04 lao động. Lượng khách bình quân là 40 đến 50 lượt khách/tháng. Khách đến đây cơ bản là khách nước ngoài và tập trung lớn ở Châu Âu. Chồng cô hiện vẫn đang là hướng dẫn viên du lịch, còn mọi việc ở nhà đều do cô quản lý.
Phải đam mê, kiên trì và nắm bắt thị hiếu du khách
Cô chia sẻ: Làm du lịch cần phải có đam mê và kiên trì, xây dựng mục tiêu rõ ràng, không được nản trước khó khăn thậm chí là thất bại. Chất lượng sản phẩm luôn phải đặt lên hàng đầu, không vì lợi nhuận trước mắt mà đưa khách hàng tới những sản phẩm kém chất lượng, đặc biệt là thực phẩm. Du khách nước ngoài đến đây vì vẻ đẹp tự nhiên vốn có của phong cảnh cũng như cơ sở vật chất. Bản thân em khi làm du lịch, lúc đầu khó khăn nhất là ngoại ngữ, những dần dần tự học và nhờ chồng chỉ bảo thêm, giờ đây em cũng đã nói thành thạo được Tiếng Anh; các ngôn ngữ khác có thể giao tiếp được chút ít. Thời gian tới, em sẽ tích cực quảng bá địa chỉ của mình trên các trang mạng xã hội, các website, nhất là các website nổi tiếng về du lịch như: booking.com; agoda.com… đưa địa chỉ lên google map; tăng cường kết nối với các tour, tuyến du lịch của các công ty lữ hành… Cùng với đó, tích tham gia hoạt đồng Đoàn – Hội tại địa phương, qua đó, sẽ tìm được những người bạn, người thầy, được tập huấn, kết nối và chia sẻ để phát triển thành công hơn nữa loại hình du lịch cộng đồng này.
Đoàn công tác của Tỉnh đoàn chụp ảnh lưu niệm với du khách và chủ mô hình
Lý Thị Sam Sung (đứng ngoài cùng bên trái) nhận bằng khen của UBND huyện tại Đại hội Hội LHTN Việt Nam huyện Yên bình lần thứ V
Tôi hỏi: Em có nghĩ tên của em cũng là một thế mạnh trong quảng bá về mô hình không? Cô cười tươi: Tên em gắn liều với một kỷ niệm đẹp của bố mẹ. Có lẽ cái tên đặc biệt ấy có một sứ mệnh cũng đặc biệt.
Chia tay Ngòi Tu, chúng tôi thực sự ấn tượng trước kiến thức, nghị lực, và sự nhanh nhạy trong cách làm du lịch của hai vợ chồng trẻ này. Cô chủ nhỏ người Dao xinh đẹp với ánh mắt thông minh, đầy nghị lực cho chúng tôi niềm tin rằng chính cô và lực lượng thanh niên nơi đây chứ không phải ai khác sẽ giúp Ngòi Tu ngày một phát triển, là điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến với vùng “Đông Hồ” và trong hành trình du lịch, khám phá vùng Tây Bắc./.
Thác Vân