• Loading...
 
Người thanh niên "gác phấn hồng” về quê làm kinh tế
Ngày xuất bản: 05/06/2018 8:38:00 SA
Lượt xem: 1017

Sinh ra và lớn lên tại bản Tông Cại, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên đoàn viên Phạm Hải Chiều sinh ra trong gia đình có 4 anh em. Học hết THPT, Chiều thi vào Đại học Hải Phòng. Khoa Giáo dục thể chất hệ cao đẳng. Năm 2010 ra trường với nhiều dự định ấp ủ, rồi nộp đơn xin việc tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nhưng chưa có nhu cầu tuyển giáo viên, nên đầu năm 2011 Chiều đã nộp đơn tình nguyện lên công tác Trường Tiểu học Mồ Sì San, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Phạm Hải Chiều kiểm tra và chăm sóc thỏ tại trang trại của mình

Những tưởng, sau khi có được việc làm ổn định, Chiều yên tâm công tác nhưng đam mê nuôi thỏ vẫn đeo đẳng với Chiều. Khi nhận công tác ở Lai Châu, Chiều đưa 10 con thỏ giống lên nuôi. Sau 2 tháng sinh được khoảng 60 thỏ con nhưng do thời tiết trên này thường lạnh giá, nhất là vào mùa đông nên thỏ con chết gần hết, số còn sống Chiều chuyển về cho bố mẹ nuôi ở quê.

Ngày đi dạy học, đêm về cần mẫn lên mạng tìm hiểu về phương pháp nuôi thỏ. Bởi, theo Chiều nuôi thỏ vẫn là vật nuôi siêu lợi nhuận so với các loại vật nuôi khác. Niềm đam mê đó càng được thôi thúc khi cuối năm 2015, Chiều nhận được tin vui là Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam thuộc Tập đoàn Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản hoàn thành việc xây dựng nhà máy chiết xuất vắc - xin và ký hợp đồng thu mua thỏ làm nguyên liệu tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn.

Sau bao cố gắng xin chuyển công tác về gần nhà để có thời gian, điều kiện nuôi thỏ cung ứng một phần cho Công ty đều bị bế tắc. Tháng 10/2016, Phạm Hải Chiều viết đơn xin nghỉ việc về quê bắt tay vào nuôi thỏ. Tuy nhiên, bước đầu Chiều bị gia đình phản đối quyết liệt, mọi người đều cho rằng việc nghỉ dạy sẽ phí công ăn học bao năm. Lại một lần nữa Chiều giải thích và vận động gia đình ủng hộ quyết định của mình. Chiều giải thích cho bố mẹ hiểu rằng việc học chuyên nghiệp là để có kiến thức sau này lập nghiệp, chứ không nhất thiết phải đi dạy học. Đến cuối cùng gia đình đã đồng ý và ủng hộ cho quyết định của Chiều.

Nói là làm cùng với nguồn vốn có sẵn, anh tiếp tục vay mượn vốn đầu tư chuồng trại và dành nhiều thời gian đi tham quan, học hỏi các mô hình nuôi thỏ trong và ngoài tỉnh; đồng thời, tìm đối tác cho đầu ra. Cùng với số thỏ có sẵn, tháng 4/2017, Chiều mua thêm 50 thỏ giống về nuôi. Nhờ học được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi thỏ nên đàn thỏ của anh sinh trưởng nhanh, phát triển tốt.

Chia sẻ về những khó khăn của mình trong quá trình nuôi thỏ bán công nghiệp, Chiều chia sẻ: "Thỏ rất mẫn cảm với môi trường hay bệnh bại huyết nên chuồng trại phải đảm bảo ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè; thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêm phòng định kỳ 6 tháng 1 lần; thức ăn phải ổn định cả về số lượng và chất lượng tránh gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, mình phải tâm huyết, phải thường xuyên theo dõi, nếu thấy đàn thỏ có biểu hiện bất thường thì nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và chăm sóc kịp thời. Hiểu được từng giai đoạn phát triển của thỏ để có phương án chăm sóc cho hợp lý. Con thỏ sinh sản nhanh, nếu khai thác tối đa thì 35 ngày đẻ 1 lứa, mỗi lứa từ 6 - 8 con. Nuôi khoảng 90 ngày đạt trọng lượng xuất bán khoảng 2,3 kg. Thức ăn của thỏ ăn chủ yếu là hạt ngũ cốc, cỏ... nên tận dụng được các nguyên liệu có sẵn làm thức ăn. Tuy nhiên, cái khó nhất là vấn đề đầu ra”

Lại một lần nữa Chiều lại lặn lội lên Thái Nguyên tìm cơ hội và đầu ra cho sản phẩm của mình. Với sự nhiệt huyết cùng với mô hình đảm bảo chất lượng và số lượng Thỏ thương phẩm. Chiều đã được Hợp tác xã Thanh niên Tân Linh, xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên bao tiêu sản phẩm.

Với sự đam mê và cần mẫn, lao động, sáng tạo, vượt qua khó khăn Phạm Hải Chiều đã xây dựng cho mình một hướng đi mới đầy tiềm năng và hiệu quả kinh tế. Hiện trang trại nuôi thỏ của anh phát triển tốt, với 120 con thỏ sinh sản, trên 1.200 con thỏ thương phẩm, giá theo hợp đồng 70.000/kg, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng.

Phạm Hải Chiều nhận bằng khen trong chương trình "Khát vọng khởi nghiệp - Bừng sáng bản làng"

Ghi nhận và biểu dương những thành quả đạt được, gần đây nhất Phạm Hải Chiều đã được Tỉnh đoàn Yên Bái giới thiệu đại diện cho thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái tham gia Chương trình “Khát vọng khởi nghiệp – Bừng sáng bản làng” và được  Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ tặng bằng khen. Đây là chương trình do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhằm hỗ trợ và khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số chung nhịp cùng Quốc gia Khởi nghiệp, thực hiện mục tiêu phát triển “Không ai bị bỏ lại phía sau”; đồng thời tôn vinh những cá nhân, tập thể đồng bào DTTS khu vực phía Bắc tích cực trong phong trào khởi nghiệp và góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp vùng DTTS trong thời gian tới đi vào thực chất và hiệu quả hơn, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ở tất cả các cộng đồng DTTS trên địa bàn cả nước.

Chia sẻ với chúng tôi, trong thời gian tới Chiều sẽ tiếp tục phát triển mô hình của mình đồng thời sẽ hướng dẫn và giúp đỡ các đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã có đam mê nuôi thỏ. Hướng tới thành lập Hợp tác xã thanh niên ở xã Lâm Thượng nhằm có đủ tư cách pháp nhân ký hợp đồng cung cấp con giống, các dịch vụ liên quan đến nuôi thỏ và thu mua lại thỏ thương phẩm cho các hộ chăn nuôi trong vùng, góp phần làm giàu bền vững ở các vùng quê nghèo.

Hoàng Nối