• Loading...
 
Tuổi trẻ Yên Bái giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc
Ngày xuất bản: 08/09/2022 8:09:00 SA
Lượt xem: 2254

tỉnh miền núi có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những năm qua, cùng với các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, tuổi trẻ tỉnh Yên Bái đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xây dựng tỉnh Yên Bái theo hướng “Xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc” theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Mô hình du lịch cộng đồng kết hợp giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đoàn viên Lý Thị Sam Sung, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình

Với vai trò thanh niên xung kích, đi đầu trong các hoạt động, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Yên Bái luôn nhận thức sâu sắc về việc đề cao nhiệm vụ giáo dục ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cho đoàn viên thanh niên. Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền trên các trang fanpage, facebook của Đoàn; vận động thành lập các nhóm trên mạng xã hội để truyên truyền, trao đổi, chia sẻ đến đoàn viên thanh niên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ đó nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên, nhất là những địa bàn tập trung đông thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng chí Triệu Trí Lộc - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng, Tỉnh đoàn đã tích cực chỉ đạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn, Hội cấp cơ sở gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó quan tâm chú trọng tới các nội dung tuyên truyền, định hướng đoàn viên thanh niên giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc và phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái”.

Nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành Đề án Tuổi trẻ Yên Bái tham gia gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2017 – 2022. Theo đó, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thưc, hiệu quả nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong việc gìn giữ giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Toàn tỉnh đã thành lập và phát huy hiệu quả trên 200 đội thanh niên tình nguyện tập trung tại chỗ nhằm bảo tồn, tổ chức các hoạt động lễ hội; triển khai, cho ra mắt nhiều câu lạc bộ (CLB), mô hình, tiêu biểu như: CLB Giới thiệu quảng bá đất và người Mù Cang Chải tại xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải; Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ; mô hình “Tuổi trẻ quê hương Trấn Yên”; CLB Tuổi trẻ thành phố Yên Bái với hình ảnh quê hương; Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng tại Bản Khéo, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên… Đặc biệt, tuổi trẻ Yên Bái đã cho ra mắt 32 mô hình “Thôn (bản) văn hóa thanh niên gắn với phát triển du lịch cộng đồng” tại 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh với trên 500 đoàn viên thanh niên tham gia thực hiện. Mô hình này được xây dựng nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tổ chức Đoàn và đoàn viên, thanh niên trong tuyên truyền, nâng cao đời sống văn hoá, phát triển kinh tế tại đại phương.

Mô hình du lịch cộng đồng tại xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên do thanh niên làm chủ 

Bên cạnh đó, nhằm cụ thể hóa Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành Hướng dẫn số 20-HD/TĐTN-TG ngày 15/3/2019 về triển khai các hoạt động “Tuổi trẻ Yên Bái tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” với nội dung chủ đề: Giờ ra chơi với các làn điệu dân tộc, điệu nhảy tập thể trong các trường học trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, 270/270 trường học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện xuyên suốt nhiều năm học qua, có xen kẽ thay đổi giữa các ngày với nhiều hình thức khác nhau, không gây nhàm chán cho học sinh như: tập võ cổ truyền, múa xoè, nhảy sạp, rumba, dân vũ, hành khúc Đội… Tiêu biểu như: Liên đội Trường TH&THCS Minh Chuẩn (huyện Lục Yên) tập luyện môn võ cổ truyền; Liên đội Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Yên Bái) tập luyện 6 điệu xoè cổ của dân tộc Thái; Liên đội Trường TH&THCS Nghĩa Sơn (huyện Văn Chấn) tập luyện điệu múa của dân tộc Khơ Mú; Liên đội Trường PTDTBT Tiểu học Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải) tập múa khèn Mông… Em Giàng A Châu - Trường PTDT Nội trú Mù Cang Chải chia sẻ: “Từ ngày trường em luyện tập múa hát tập thể vào các giờ ra chơi, bạn nào cũng hào hứng và vui lắm. Hơn nữa, chúng em cũng thấy rất tự hào về điệu múa khèn của dân tộc mình được đưa vào trong trường học”. Cô giáo Phùng Thị Thuý Kiều - Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Hồng Thái, thành phố Yên Bái cho biết: “Mô hình giờ ra chơi với các làn điệu dân tộc, điệu nhảy tập thể là hoạt động có ý nghĩa trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc tại địa phương, tạo điều kiện để các em học sinh giao lưu văn hoá, hướng đến xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn và hạnh phúc. Qua đó bồi dưỡng những nét đẹp văn hoá, sự hiểu biết và tình yêu của thế hệ trẻ đối với các làn điệu dân tộc”.

Học sinh huyện Mù Cang Chải học múa khèn trong giờ thể dục giữa giờ

Tại thị xã Nghĩa Lộ, các trường học đều xây dựng khuôn viên xanh, sạch đẹp, mang nét văn hoá đặc trưng của đồng bào Thái. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạnh Sơn cho biết: “Mỗi một lớp học đều có góc học cộng đồng đề trưng bày các sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương do chính các em học sinh sáng tạo nên. Mô hình này giúp các em học sinh hiểu hơn về văn hoá của đồng bào mình, từ đó gìn giữ và bảo tồn, phát huy những giá trị quý báu đó”. Cùng với việc xây dựng, nâng cấp khuôn viên thì các trường học trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ cũng hình thành không gian trải nghiệm về văn hóa trong các nhà trường với các trò chơi dân gian như: ô ăn quan, cà kheo, tó mắc lẹ, tung còn, đẩy gậy… và các câu lạc bộ văn hóa dân gian hát Khắp Thái, xòe cổ, học chữ Thái cổ. Cô Lò Thị Phương Lợi – giáo viên Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: “Nhà trường đã thành lập câu lạc hát Khắp Thái với hàng chục thành viên là các em khối THCS. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ 1 buổi/tuần. Tham gia câu lạc bộ này, các em được giáo viên là người Thái và nghệ nhân trên địa bàn thị xã truyền dạy các làn điệu dân ca theo chủ đề, chủ điểm, góp phần giúp các em yêu thêm những làn điệu của dân tộc mình”. Ngoài câu lạc bộ hát Khắp Thái, Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ còn duy trì hiệu quả các câu lạc bộ bảo tồn nét đẹp văn hóa như: câu lạc bộ truyền thống, dân ca, nhạc cụ, trò chơi dân gian, xòe cổ… Để duy trì và đa dạng các hoạt động thu hút các em học sinh tham gia, nhà trường đã xây dựng lịch sinh hoạt cho từng nhóm và tổ chức hoạt động chung vào các buổi ngoại khóa, hoạt động giữa giờ… Đến nay, các mô hình này đều đã phát huy hiệu quả, giúp các em học sinh có điều kiện được giao lưu, trao đổi học tập, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc và nỗ lực học tập tốt để sau này đóng góp công sức xây dựng quê. Anh Triệu Trí Lộc – Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết thêm: “Bản sắc văn hóa chính là “linh hồn” của đồng bào dân tộc thiểu số, phản ánh quá trình hình thành, phong tục, tập quán, lối sống của địa phương, vùng miền. Là những chủ nhân tương lai của đất nước, tuổi trẻ Yên Bái đã và đang mong muốn góp sức mình trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc bằng những việc làm cụ thể. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.