• Loading...
 
Chia sẻ
Biển Việt Nam giàu đẹp
Ngày xuất bản: 06/03/2017 3:19:00 CH
Lượt xem: 1587

 Đối với những học sinh ở miền núi như tôi thì biển chỉ có trong giấc mơ. Tôi chưa bao giờ được đến với biển. Chưa bao giờ được chơi với sóng biển, được nếm vị mặn của nước biển, được chạy trên bãi cát trắng trải dài, được thưởng thức cái nắng cháy đặc trưng miền biển...

 

Cứ thế, chúng tôi chỉ biết biển qua trang sách, tờ báo. Cho đến một ngày trên chương trình thời sự nói về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Bấy giờ chúng tôi- những đầu óc non nớt mới biết biển không chỉ là nơi xây lâu đài cát, nơi câu cá, tắm biển, thả diều....

Thầy giáo dạy địa của chúng tôi thường nói Việt Nam có chiếc vương miện tuyệt đẹp chính là đường bờ biển dài 3260km. Trên chiếc vương miện ấy được điểm thêm hơn 4000 viên đá lấp lánh là hơn 4000 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó đẹp nhất, rực rỡ nhất chính là hai viên kim cương có tên Hoàng Sa và Trường Sa.

Ví những hòn đảo kia là những viên đá quí thì cũng chưa lột tả được hết những gì chúng có. Biển Đông là biển lớn, có vị trí chiến lược quan trọng; diện tích khoảng 3,5 triệu km2, được bao bọc bởi 9 nước là Việt Nam, Trung Quốc, Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Sin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây và Phi-líp-pin. Là tuyến đường hàng hải huyết mạch, giao thông nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới; hàng ngày có khoảng 300 tàu vận tải loại lớn qua lại, chiếm 1/4 lưu lượng tàu hoạt động trên biển của thế giới, chuyên chở ½ sản lượng dầu thô và các sản phẩm toàn cầu; có nguồn tài nguyên thủy sản, dầu khí và khoáng sản rất lớn.

Việt Nam có 90 cảng biển lớn, nhỏ, 125 bãi biển có cảnh quan đẹp; tổng trữ lượng dầu khí dự báo địa chất của thềm lục địa khoảng 10 tỉ tấn; là môi trường sống cùa 11.000 loài sinh vật, trữ lượng hải sản khoảng 3,5 triệu tấn và hơn 6 vạn héc-ta ruộng muối biển; tài nguyên khoáng sản có khoảng 35 loại hình… Hầu hết các ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta đều gắn liền với biển như du lịch, dầu khí, thủy sản, giao thông vận tải, công nghiệp tàu thủy… quy mô kinh tế biển và ven biển đạt 48%GDP cả nước (năm 2007), đóng góp to lớn vào quá trình phát triển đất nước.

Các mỏ sa khoáng Titan, Ziacon, đất hiểm ven biển Việt Nam, có 2 mỏ lớn, 7 mỏ trung bình, 6 mỏ nhỏ và hàng chục điểm quặng (dưới 25.000 tấn). Một số mỏ sa khoáng có ý nghĩa kinh tế như các mỏ có chứa Inmenit, Rutin,Monazit, Ziacon và các biểu hiện Manhêtit, Caxiterit, Vàng, Crôm, Corindon, Topa, Spiner,...Những mỏ đang khai thác là Quảng Xương, Thanh Hóa (trừ lượng Ti: 80.198 tấn, Zn: 2.298 tấn), mỏ Cẩm Hoà (trữ lượng Ti: 2.500.000 tấn, Zn: 85.995 tấn), mỏ Kẻ Ninh (trữ lượng Ti: 443.475 tấn, Zn: 35.126 tấn), mỏ Kẻ Sung (trữ lượng Ti:3.370.000 tấn, Zn: 100.000 tấn), mỏ Đề Gi (trữ lượng Ti:1.749.599 tấn, Zr:78.978 tấn), mỏ Hàm Tân (Ti: 1.300.000 tấn, Zn:442.198 tấn).

Ngoài quặng Titan cùng kim loại hiếm đi kèm và cát thủy tinh, các khoáng sản kim loại khác chỉ là những biểu hiện Vàng, Thiếc (Sầm Sơn, vùng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị - Huế, Quảng Nam- Quảng Ngãi, Quy Nhơn- Phú Yên, Bình Thuận – Vũng Tàu). Cần lưu ý tìm kiếm chúng trong các lòng sông cổ. Mỏ sắt Thạch Khê nằm ở ven biển Hà Tĩnh có trữ lượng 532 triệu tấn. Cát thủy tinh là một trong những khoáng sản chính ven biển Việt Nam, phân bố rải rác dọc bờ biển từ Bắc đến Nam. Có mỏ ở ngoài đảo như Vân Hải (Quảng Ninh). Hầu hết các mỏ cỡ lớn tập trung ở ven biển, đoạn từ Cam Ranh đến Bình Châu. Ước chừng có 20 mỏ đã được tìm kiếm, thăm dò với tổng trữ lượng khoáng 584 triệu tấn. Đa số các mỏ là cát thủy tinh. Một số mỏ cát có chất lượng tốt như Vân Hải, Cam Ranh có chất lượng cao để sản xuất pha lê dụng cụ quang học.

Ngoài ra còn phải kể đến dầu khí- nguồn tài nguyên quan trọng nhất. Dầu khí tích tụ trong các bể trầm tích: Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay- Thổ chu, Tư Chính- Vũng Mây và nhóm bể Trường Sa. Dầu khí đã được phát hiện và khai thác ở các bể Cửu Long Nam Côn Sơn, Malay - thổ Chu, sông Hồng, bể Cửu Long có 5 mỏ đang khai thác là Bạch Hổ, Rông, Rạng Đông, Hồng Ngọc, Sư Tử Đen và một số mỏ khác.

Hiện nay tốc độ khai thác các mỏ sa khoáng inmenit ven biển rất cao. Hầu như các mỏ lớn đều được khai thác và chế biến, chủ yếu là tuyển Tian và Ziacon sạch để xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu, công nghiệp trong nước chưa sử dụng nhiều. Không ít mỏ khi khai thác và sau khi khai thác xong không chú trọng đến vấn đề môi trường nên gây ra những tác động xấu. Cát thủy tinh đã được khai thác phục vụ cho sản xuất trong nước nhưng một lượng lớn phục vụ xuất khẩu. Với trữ lượng rất lớn, việc khai thác hiện nay chưa đáng bao nhiêu.

Nguồn tài nguyên biển đảo Việt Nam thật sự rất phong phú. Tôi tin chắc là nếu được đầu tư và phát triển có kế hoạch cụ thể thì nguồn tài nguyên biển sẽ góp phần không nhỏ đưa kinh tế nói riêng mà cả xã hội nói chung đi lên. Đồng thời là một học sinh tôi nghĩ là không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà công việc phát triển kinh tế bảo vệ chủ quyền biển còn là trách nhiệm của toàn dân. Với những học sinh như tôi nên tích cực học tập rèn luyện, nâng cao để có thể tuyên truyền bảo vệ biển đảo.

Xa hơn nữa là sử dụng kiến thức trường lớp để sáng tạo đóng góp ý kiến vào việc bảo vệ chủ quyền phát triển kinh tế biển đảo như sáng tạo ra các loại giống thực vật, động vật có giá trị cao về kinh tế và thích hợp với vùng nước mặn, những thiết bị phòng chống khắc phục hậu quả bão lũ gây ra, đưa ra những biện pháp khai thác tài nguyên biển...

Theo TNV