"Là một cán bộ trẻ làm công tác quản lý sinh viên của một trường ĐH lớn, tôi đã mơ ước trong nhiều năm được 1 lần tới Trường Sa, thăm hỏi và trải nghiệm về cuộc sống của những chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc để khi trở về đất liền, có thể tự tin đứng trước hàng ngàn sinh viên, nói với tuổi trẻ Học viện Ngoại giao về hành trình đầy ý nghĩa này. Qua sự trải nghiệm này, tôi nhận thức sâu sắc hơn về sự hy sinh thầm lặng của những người chiến sỹ hải quân để chúng ta yên tâm học tập, công tác nơi quê nhà."
Lý Tự Trọng đã từng nói: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”. Vì chiến tranh, bao lớp thanh niên đã xông pha lên đường nhập ngũ, hy sinh máu thịt với mục tiêu, lý tưởng: Tất cả vì tiền tuyến, vì độc lập, vì tự do của đất nước!
Nhà văn Nga Lép-tôn-xtôi cũng từng nói: “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường, không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà ko có phương hướng kiên định thì ko có cuộc sống”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng viết lên lời bài hát: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”
Lý tưởng còn là khi bạn trả lời được câu hỏi: “Mình sống vì điều gì?”
Khi đặt chân lên mỗi hòn đảo trong quần đảo Trường Sa, thực tế tôi thấy những hòn đảo không lớn như trong tưởng tượng của tôi, điều đó không làm cho tôi thất vọng mà còn cho tôi thêm nhận thức sâu sắc câu nói của ông cha ta: “Mỗi tấc đất là máu thịt, là sự gắn bó thiêng liêng biển trời, hải đảo của Tổ quốc”.
Nhìn những con sóng bạc đầu, nhìn những ánh mắt đăm đăm của những người lính đảo vững cây súng nơi đầu sóng, ngọn gió, nhìn chỗ ăn ở đơn sơ của người lính đảo, nhìn những mảnh vườn ít ỏi với vài luống rau họ trồng, những đôi bàn tay và khuôn mặt rám nắng, những cái ôm ghì chặt của các chiến sĩ Trường Sa mà tôi không sao kìm được nước mắt. Tôi tự hỏi: Họ sống, chiến đấu vì điều gì? Nếu họ không có lý tưởng “Sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển trời, hải đảo của Tổ quốc” thì họ có làm được điều đó hay không? Họ cũng giống như chúng ta, thân thể và trái tim đều được làm bằng máu thịt, họ cũng có mẹ già, vợ trẻ, con thơ, đứng trước biển trời với mênh mang nỗi nhớ... Tôi thầm cảm phục sự hy sinh tuổi trẻ của họ, lý tưởng sống của họ khiến tôi phải nghiêng mình. Dẫu bao gian khổ, thiếu thốn, họ vẫn chắc tay súng và vẫn vun đắp cho mình một lý tưởng sống cao đẹp và sự lạc quan vào tương lai, vào cuộc sống, ... Khi tôi tới đảo Đá Đông, một người lính trẻ đã hát trong sự nghẹn ngào ca khúc “Nội tôi” với lời tiễn đưa bà nội từ biển xa với tâm sự: Từ nhỏ anh sống cùng với bà, trưởng thành trong sự yêu thương, chắt chiu từng hạt gạo của bà nuôi anh khôn lớn, rồi anh đi bộ đội ngoài đảo xa, bà lâm trọng bệnh và mất, anh không thể về thắp một nén hương cho bà, chỉ có thể đứng ngoài đảo xa dõi mắt về phía chân trời có đất liền hát nhiều ngày, nhiều lần bài hát ấy. Anh nói rằng: Phải gác lại nỗi đau tình thân để thực hiện nhiệm vụ của Tổ quốc em ạ. Khi tôi theo chân đoàn công tác xuống thăm chỗ ở của các anh em chiến sĩ: một mái nhà tôn bị gió, sóng biển làm cho tung cả hai bên nhà, mỗi chiến sĩ một cái gối, một cái chăn, một manh chiếu và vài thứ đồ đạc đơn sơ...tôi thấy mắt mọi người ai cũng đỏ hoe, còn tôi không dám nhìn thẳng vào đôi mắt các anh, chỉ biết ôm chặt lấy những người chiến sĩ gan dạ ấy như không có bất kì khoảng cách nào, cảm xúc còn lại chỉ là máu thịt quê hương và tình đồng chí, anh em...Vậy mà các anh vẫn lạc quan lắm, các anh bảo: “Nửa đêm gió to có khi bọn anh còn bị cuốn ra ngoài biển chứ nói gì vài miếng tôn, ban ngày gió nhỏ thì nó kêu phần phật cũng vui tai em ạ.
Khi tôi hỏi một chiến sĩ “Anh quê ở đâu?”, Anh trả lời “Anh quê ở Trường Sa”. Tôi ngạc nhiên lắm, nhưng rồi tôi đi đảo nào các anh cũng nói rất vui vẻ và tự hào như vậy vì với các anh “đảo là nhà, biển cả là quê hương”.
Tôi đã nghĩ ra ngoài Trường Sa, các anh sẽ kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn, gian khổ nhưng không chiến sĩ nào nói đến điều đó. Không phải vì không có khó khăn, hy sinh, gian khổ mà mỗi chúng tôi đều tự cảm nhận được điểu đó bằng chính sự trải nghiệm của mình. Ánh mắt các anh vui đến mứckhông tả nổi khi gặp chúng tôi – hơi ấm tình yêu Tổ quốc và con người từ đất liền, vui đến mức quên cả chuyện kể về những “ngày qua ngày, đêm qua đêm” các anh đứng đây “gìn giữ quê hương” thì đã đến giờ chia tay. Mỗi năm các anh có khoảng từ 1 đến 5 lần vui như thế. Ở những nơi xa và sóng lớn như Nhà Giàn DK1, năm nay đoàn chúng tôi đến trong sự hân hoan, nghẹn ngào đầu tiên.
Mỗi khi đến đảo, tôi luôn xuống bếp nhòm xem đời sống hàng ngày của các anh thế nào. Có nhiều cá khô, to lắm vì các anh nói là “câu được mà em”. Những con các nhỏ và mực thường được các anh làm mắm, có thịt hộp và một ít măng khô. Những luống rau các anh trồng chỉ đủ làm canh. Đến mùa mưa bão thì có khi phải nhịn rau tươi vài tháng. Rau thường ngày là măng và dưa chuột hộp. Tôi nghẹn cổ họng và nghĩ: những cái dạ dày của các anh xứng đáng được hưởng Huân chương Chiến công!
Nước ngọt trên đảo bây giờ cũng không còn quá khan hiếm như ngày xưa nữa (ngày xưa mỗi ngày 1 chiến sỹ được dùng 2 lít nước), bây giờ nhà nước đã trang bị hệ thống lấy năng lượng từ mặt trời, sức gió để có điện, nước nhưng mỗi ngày bình quân một chiến sỹ được dùng khoảng 30 lít nước (1 xô) để rửa mặt, tắm, giặt quần áo và sau cùng là tưới rau.
Anh Hoàng Ngọc Tặng, sỹ quan hải quân Vùng 4 thì nhắn nhủ: Anh đã cống hiến gần như cả đời mình cho Trường Sa với hơn 20 năm từ làm lính đảo chìm đến bây giờ là Trưởng phòng máy trên tàu HQ571, đã trải qua và chứng kiến bao hy sinh, gian khổ của người lính. Anh chẳng mong mỏi điều gì cho anh, chỉ mong thế hệ trẻ bây giờ đừng quên máu thịt của cha anh và đừng ngại vào quân ngũ.
Suốt hành trình, cũng có đôi lúc tôi lo lắng chuyện công việc, cuộc sống ở nhà. Trên boong tàu, dõi mắt nhìn những hải đảo xa xa, tôi lại thấy mình và những khó khăn của mình quá nhỏ bé so với sự gian khổ và hy sinh của các anh. Tôi đã nghĩ mình ra đây để động viên các anh nhưng hoá ra tôi lại thấy mình được động viên rất nhiều. Tôi mong rằng thanh niên, sinh viên chúng ta sẽ làm được nhiều điều có ý nghĩa, có trách nhiệm với những người đang mang trên vai trọng trách với đất nước.
Hãy luôn tự hỏi: “Mình sống vì điều gì?” Đó sẽ chính là cái đích của cuộc sống mà mỗi người luôn khát khao đạt được, là những ước mơ, hoài bão tốt đẹp mà chúng ta luôn hướng tới.
Trường Sa thân yêu trong trái tim mỗi chúng ta!"
Theo TNV