17 tuổi, biển trong tôi vẫn chỉ là cái nắng thiêu đốt, gay gắt đến cháy da thịt, là cơn gió khô đến rát mặt mang trong mình vị mặn của muối.
Tôi sợ biển !
18 tuổi , biển vẫn đầy nắng, đầy gió, vẫn thiêu đốt, vẫn ga gắt , nhưng đó là cái nắng cháy đỏ nước da người lính biển Trường Sa, là cơn gió muối mặn mòi tình yêu Tổ quốc, vị mặn trong từng nụ cười, từng ánh mắt. Vùng hải đảo tưởng như xa xăm ấy nay tôi gặp được giữa đất thị thành tấp nập.
May mắn gặp thầy trong khóa học tại khu quân sự Mai Lĩnh, tôi giương buồm ra khơi trong những lời kể của thầy: “Trường Sa gần lắm, ngay trong trái tim mỗi người”.
Trường Sa trong tôi là hình ảnh người lính bốn năm ở Trường Sa, biển đảo như thấm sâu trong con người thầy mất rồi, từ bề ngoài đến tâm hồn. Làn da rám nắng cứ se sắt lại, đen nhẻm, dưới trời nắng 40 độ C và gió rát mặt họ chỉ nhận ra nhau qua hàm răng trắng và ánh mắt sáng. Ban ngày thì nắng cháy da, ban đêm thì phải đắp chăn tránh sương biển và hơi muối mặn. Không chỉ nắng mà còn cả gió, giữa mênh sóng nước, gió ở đây không phải những con gió bình thường mà là gió muối. Những cơn gió mặn chát vị muối có thể làm lá cây khô cháy và rụng sạch, làm loang lổ màu trắng muối kết tinh lên vai áo ướt đẫm mồ hôi. Những khi làm nhiệm vụ, khi đứng gác, khi ăn, khi ngủ…gió cứ thổi hoài, vô tình hằn sâu trong nỗi nhớ người lính, để rồi giờ đây đứng giữa đất liền cứ khao khát vị mặn mà của biển mãi không thôi.
“Trường Sa khắc nghiệt nhưng cũng khắc khoải lắm phải không thầy
Trường Sa trong tôi ấm áp là nụ cười tỏa nắng của thầy, nụ cười thân thiện như giữa hải đảo xa xôi , lâu lắm mới có chuyến thăm từ đất liền. Nắng gió và nghĩa tình Trường Sa đi vào trong trái tim thầy mà thành nội lực, cháy thành ngọn lửa của tình yêu thiêng liêng bất diệt: yêu Tổ quốc trong dòng nước mắt cùng mặn, dòng máu cùng đỏ, yêu đồng đội những lần vào sinh ra tử, yêu gia đình những khi gọi điện về nhà, tiếng người vợ hiền dạy con học bài vang lên ở đầu kia nỗi nhớ: “Bố em là bộ đội / ở tận vùng đảo xa / chưa lần nào về phép / mà luôn luôn có quà…”.Tôi đã khóc khi được đọc lá thư người vợ hiền viết cho anh lính đảo: “Ngày anh nhận quyết định đi đảo là ngày em sinh con được 15 ngày. Bao cảm xúc xen lẫn nhưng trên hết vẫn là nỗi buồn chia xa.
Em đã chuẩn bị tinh thần đón nhận tin đó từ một năm trước, vậy mà khi nó đến vẫn thấy ngỡ ngàng. Ngày anh đi, em vẫn còn đang ở cữ nên chẳng thể đi ra ngoài tiễn anh được, em rất buồn vì ngay cả một việc nhỏ nhoi là vẫy tay tạm biệt anh cũng không làm được. Nằm bên con mà em cứ hình dung ra xe anh giờ đang chạy đến đâu rồi? Đến con đường rẽ về nhà mình chưa? Em biết rằng khi xe chạy qua đường đó thể nào anh cũng cố ngoái đầu để chờ mong điều gì đó, để rồi lại hụt hẫng phải không anh? Anh đi, anh bảo nhớ em hơn nhớ con gái bởi vì thời gian anh ở bên con chỉ vẻn vẹn 21 ngày, làm sao đủ thời gian để anh cảm nhận mình được làm bố và phải làm bố như thế nào? Em hiểu điều đó. Anh chỉ biết cảm nhận về con qua những tấm ảnh em gửi, qua những lời em kể mà thôi. Em nhìn con dần lớn lên, bước qua từng nấc thang của sự phát triển mà rất vui, chỉ hơi buồn chút thôi là những lúc đó không có anh bên cạnh để tự hào, để chia sẻ niềm vui , cũng thương con vì không được đầy đủ tình thương như những đứa trẻ khác. Nhưng em tự hào về anh-người lính biển Trường Sa…”
“Trường Sa ấm áp lắm phải không thầy? biển đảo và đất liền, nơi nào cũng là tình thương”
Trường Sa trong tôi là những người lính anh dũng quả cảm, xây dựng và bảo vệ đêm ngày tất cả vì chủ quyền biển đảo, là những hi sinh trong gian khó, lặng thầm. Thầy kể chuyện bơi 3 km giữa biển đêm làm nhiệm vụ mà thấy thương anh lính Cụ Hồ quá thầy ơi! Rồi cả khi vật lôn với nắng gió xây dựng xong một công trình thì cũng là lúc biển nổi giông gió ầm ầm , trời mưa như trút nước. Vẫn mong mưa để có nước ngọt là thế, giờ đây anh em chỉ biết ôm nhau mà khóc, từng mảng tường cứ mòn dần theo nước mưa trôi xuống biển. Nhưng trong màn mưa xé nát bầu trời, lá cờ đỏ sao vàng cứ hiện lên trước mắt, phía trước là bình minh, là Tổ quốc đang vẫy gọi, thế là tạnh mưa anh em lại trộn hồ tiếp tục xây dựng. Lính đảo cứ lặng thầm như thế để rồi từ nghèo khó, thiếu thốn, những hòn đảo, rặng san hô chìm trong nước nay đã được mở rộng, trở thành đảo nổi, đứng sừng sững hiên ngang giữa sóng nước mây trời. Từng hòn đá, từng nắm đất xây đảo là máu thịt thiêng liêng của tổ quốc, nó thấm đẫm bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của người lính. Tôi vẫn nhớ mãi nụ cười của thầy khi kể lại mỗi lần hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nghe câu: “Tổ quốc đời đời ghi công các đồng chí”, nụ cười đó đẹp lắm, hạnh phúc với người lính biển chỉ đơn giản như thế thôi.
“Trường Sa anh hùng lắm phải không thầy?”
Trường Sa trong tôi là tiếng chuông chùa, tiếng kinh ngân nga cùng sóng biển, giữa trùng dương vẫn tồn tại chốn tâm linh an lành, tất cả đều là bằng chứng lịch sử không chỉ là chủ quyền biển đảo mà còn là chủ quyền cho nền văn hóa lâu đời của Viêt Nam trên quần đảo này. Và điều đặc biệt, chính điện của tất cả những ngôi chùa trên đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa lớn đều hướng về thủ đô Hà Nội. Sợi dây tâm linh đã kết nối tất cả, dù có xa cả ngàn cây số đi chăng nữa. Không chỉ là “những dải cát dài” như cái tên Trường Sa mà cha ông đã đặt cho quần đảo này, Trường Sa bây giờ đổi khác nhiều lắm, tất cả đều do bàn tay người lính đảo mà nên, bàn tay hóa đảo hoang sơ đầy màu xanh cây lá, hóa đảo chìm thành đảo nổi, đảo nhỏ mở rộng ra thêm. Giữa nắng cháy, gió muối của Trường Sa, ai nghĩ được rằng cây cối vẫn xanh tươi. Thế mà từng đêm hoa bang vuông vẫn nở và rạng rỡ cho đến tận sáng hôm sau. Từng cánh trắng muốt bung nở với chùm nhụy như đầu tăm, phớt tím, anh lính gọi đó là “hoa quỳnh biển” cho thỏa nỗi nhớ đất liền.
Cứ nhắc đến Trường Sa lại thấy nắng, thấy gió, thấy mặn, nhưng không phải lúc nào cũng khắc nghiệt và gay gắt. Tôi mày mò xem ảnh trong trang facebook của thầy, khi mùa giông gió qua đi, mùa biển lặng thực sự là khoảng thời gian ấn tượng về vẻ đẹp của Trường Sa. Nói như nhà văn-người lính đảo Nguyễn Xuân Thủy: Mỗi đảo được mặc một chiếc áo mới màu xanh mỡ màng…nắng pha lê trong suốt rải đều trong vắt và tinh khiết lên biển đảo. Mặt trời tháng tư hiền dịu. Gió cũng chỉ nhè nhẹ đủ lay những lộc non mới nhú và rập rờn đuôi mũ hải quân của các chú bộ đội…Có thể tưởng tượng mình đang ngắm hoàng hôn trên Trường Sa những ngày biển lặng. Không phải ở nơi đâu trên đất nước mình cũng có thể ngắm hoàng hôn trên biển, đây gần như là “đặc sản Trường Sa”, thứ ánh vàng trải trên mặt nước xanh sậm, đậm đà hơn ánh vàng trong suốt và thanh khiết của bình minh. Mặt biển bao la nhuộm một màu vàng suộm, sánh vàng như mật”. Trong cái thanh bình đẹp đẽ đó, ngồi ngắm hoàng hôn xuống, các chú bộ đội đã rất nhớ bố mẹ, người yêu bạn bè nơi đất liền.
“Nhưng với thầy, Trường Sa mùa nào cũng đẹp phải không thầy?”
Trường Sa trong tôi là tình cảm đồng đội, tình quân dân gắn bó nghĩa tình mà khi xa rồi là những nỗi nhớ. Nhớ ánh mắt ngây thơ, tinh nghịch mà sáng ngời của tụi nhỏ trên đảo. Một thời anh cũng ngây người nhìn chúng chơi ô ăn quan dưới gốc bàng vuông, mỗi lần các anh đến lại ríu rít vây quanh đòi anh cõng, ôm cổ anh cười đùa: “Sau này cháu lớn cháu làm lính hải quân như chú nhé!” , “chú ơi cho con đi gác cùng chú , chú đỡ buồn”, “chú ơi chú kể chuyện đất liền nữa nhé”, … “chú ơi…” …Nhớ quá tiếng cười đùa ríu rít của những đứa trẻ khoác trên mình màu áo hải quân, thế hệ tương lai của biển bảo. Thầy ở bốn năm ngoài đảo , bốn năm không thể nào quên trong cuộc đời là lính, miền đất đã chứng kiến những tình cảm thiêng liêng của đồng chí đồng bào, là nơi thầy nhận quân hàm thượng úy trong tự hào và lời hứa quyết tâm chiến đấu vì chủ quyền lãnh thổ dân tộc. thầy ngậm ngùi: “về đất liền rồi thầy nhớ đảo vô cùng, thương anh em ngoài đó lắm, nhiều lúc nghĩ mà rơi nước mắt, đó là những tình cảm chẳng thể diễn tả bằng lời…”
Vâng, tình cảm với Trường Sa không thể diễn tả bằng lời, mà bằng chính hành động , ý chí, quyết tâm giữ gìn biển đảo quê hương, Trường Sa là phần đất không thể tách rời Việt Nam, bảo vệ Trường Sa là nhiệm vụ đời đời của con cháu.
Trường Sa trong tôi là…
Dù chưa một lần đặt chân đến Trường Sa, nhưng nắng gió Trường Sa, nghĩa tình Trường Sa như đang cháy trong lồng ngực nhỏ bé này, mong ước một lần đặt chân đến nơi đầu sóng ngọn gió đã thôi thúc em cố gắng học tập, để một ngày nào đó bước chân trên “những dải cát dài” mà vẽ biển Việt Nam.
“Cảm ơn thầy -người lính đảo, người cho em tìm được tình yêu với thiêng liêng một dải dài đất nước”.
Không xa đâu Trường Sa ơi, dù giữa trùng dương, cũng là quê hương!
Theo TNV