• Loading...
 
Chia sẻ
Những người đi biển, ra đảo...
Ngày xuất bản: 06/03/2017 3:20:00 CH
Lượt xem: 1599

 Trong số bạn học, tôi là một trong số rất hiếm người biết được các khái niệm như: đảo chìm, nhà giàn DK1. Một số bạn ngạc nhiên hỏi lý do tôi biết được điều này thì tôi vô cùng tự hào và mắt sáng lên khi nói về công việc ba tôi từng làm.

 

Đã ba ngày đã trôi qua kể từ ngày tôi nhận được giấy báo trúng tuyển kỳ thi cao học khoá 24 của đại học sư phạm TpHCM, một kỳ thi căng thẳng trước, trong và sau khi diễn ra. Những ngày này, lòng tôi đang hướng về những người đi biển, ra đảo, trong đó có ông nội tôi, ba tôi. Xa hơn thế, còn là những người đã làm nên điều kỳ diệu trên biển đảo quê hương. Chẳng hạn như là những con người của “Đoàn tàu không số”, những anh chiến sỹ canh gác tại biển đảo Tổ quốc và cả những nhân vật có tầm nhìn rất xa về biển đảo mà bản thân tôi khi được biết vừa kinh ngạc xen lẫn ngưỡng mộ. Vì sao ư? Vì trải qua kỳ thi vừa rồi tôi đã có một cảm giác như mình đang một mình chèo con thuyền lênh đênh trên biển để hướng ra một hòn đảo, hòn đảo của những kiến thức mới; lần đầu tiên tôi tham gia kỳ thi tuyển sinh mà tự mình ôn tập và không có sự kèm cặp của thầy cô như kỳ thi tuyển sinh đại học hay kỳ thi tuyển vào trường trung học phổ thông. Tôi chưa từng có sự trải nghiệm nào sâu sắc về những chuyến đi biển hay ra đảo một cách sâu sắc, có chăng cũng chỉ là những chuyến đi tắm biển cùng gia đình và ý thức được phần nào về vẻ đẹp của biển Việt Nam.

Đi biển, ra đảo, với tôi dù chưa trải nghiệm nhưng nó là hai việc rất thân quen. Ông nội tôi đã là ngư dân đi biển kể từ khi con rất trẻ và ông đã sống cùng với nghề cho đến khoảng sáu tháng trước khi ông ra đi mãi mãi. Tôi rất thương ông nội tôi, dường như cuộc sống gắn liền với biển khơi đã làm cho ông nội tôi trở nên bản lĩnh và kiên cường, ông gần như chưa bao giờ nhận sự báo hiếu nào từ ba mẹ tôi khi thấy sự khó khăn vất vả của ba mẹ tôi trong thời gian đầu lao động để nuôi nấng tôi khi tôi còn rất nhỏ, có gì ngon mà ba mẹ tôi dành cho ông thì ông lại dành cho tôi. Còn ba tôi ư, đó là một niềm tự hào trong tận đáy lòng tôi, ba tôi là bộ đội hải quân đã công tác được ba mươi năm và cũng từng là lính đảo Trường Sa.

Ba tôi đã có rất nhiều chuyến công tác tại Trường Sa, cũng từng ở đảo chìm, nhà giàn DK1, mỗi chuyến đi công tác của ba tôi có khi kéo dài từ sáu tháng đến một năm. Có lẽ rằng, trong đám bạn học cùng với tôi từ phổ thông đến đại học, tôi là một trong số rất hiếm người biết được các khái niệm như: đảo chìm, nhà giàn DK1.  Một số bạn ngạc nhiên hỏi lý do tôi biết được điều này thì tôi vô cùng tự hào và mắt sáng lên khi nói về công việc ba tôi từng làm. Ba tôi và tôi đôi khi trái ngược nhau nhiều vấn đề vì khác nhau về quan điểm sống của từng thế hệ, đôi khi tôi cũng cãi lại ba vì tôi và ba chưa hiểu nhau nhiều chuyện nhưng tận sâu trong lòng tôi thì khi bình tâm, ngồi một mình tự ngẫm nghĩ  lại thì mình nên thương ba mình thật nhiều. Vì ba tôi cũng đã từng làm được công việc thiêng liêng mà chắc chắn nhiều người Việt Nam cũng trân trọng. Khi trở về đời thường, vẫn với tư chất ấy, ba tôi đã nhiều lần “cứu” tôi “những bàn thua trông thấy” mà tôi phải đối mặt trong cuộc sống. Thế tôi mới biết, kinh nghiệm sống của những người ở thế hệ trước là quan trọng như thế nào, thêm vào đó lại là của người đã từng trải qua cuộc sống biển khơi, đảo xa.

Biển đảo luôn luôn có giá trị của nó, nó có thể  là nét đặc trưng của một quốc gia, là con đường để mà con người đi hay là một nơi để con người đến. Lịch sử Việt Nam đã có rất nhiều câu chuyện để chúng ta phải nhớ, phải học hỏi, phải phát huy. Từ một câu nói “của biếu là của no, của cho là của nợ”, Mai An Tiêm đã chấp nhận hình phạt của vua Hùng để lênh đênh trên biển, ra đảo Nga Sơn và tự bản thân làm nên “sự tích dưa hấu”  mà khi đó ông chỉ có năm ngày lương thực. Và thú vị hơn, ông đã thả dưa lênh đênh trên biển và hy vọng biển khơi sẽ chứng minh cho câu nói của ông là đúng. Biển đảo là như vậy, nó có thể là nơi, là con đường ghi nhận mọi công lao của con người khi làm việc đúng, chính nghĩa, nó cũng có thể là một chướng ngại vật để thử thách lòng người. Chúng ta không bao giờ quên những thuỷ thủ của những “Đoàn tàu không số”, những con người sẵn sàng coi như đã hy sinh khi làm nhiệm vụ chi viện cho miền Nam để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với họ, khi được truy điệu sống là một điều đáng tự hào và cũng là một nhiệm vụ cao cả, ra đi để mong ngày thắng lợi.

Chúng ta có rất nhiều cuộc chi viện tới đích và cũng có những con người hy sinh đáng được ghi nhớ qua nhiều thế hệ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Vinh là một trong những người như vậy, hơn mười lần đến đích thành công và đã ra đi khi chiến đấu đến phút cuối cùng với địch khi bị bao vây.

Còn ai mà biển đảo phải ghi nhận công lao nữa ư ? Chắc chắn khi nhắc đến con người này thì  người Việt Nam nào khi sinh ra đều biết đến ông và không bao giờ quên được ông, dù ông đã ra về với đất mẹ, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến dịch Điện Biên Phủ hay chiến dịch Hồ Chí Minh của ông thành công rực rỡ  nhưng ông vẫn không quên một nhiệm vụ quan trọng, đó là giải phóng đảo Trường Sa. Ôi, một tầm nhìn thật là xa và thật là rộng, một con người đã phát huy được tố chất “suy nghĩ thấu đáo” vốn có của mình vô cùng hiệuquả và vô cùng xuất sắc. Trong giờ phút hướng đến sự thống nhất đất nước, non sông liền một dải thì ông luôn hướng ra biển đảo quê hương. Chính ông là một nhân chứng rõ nhất đã làm sáng tỏ câu “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Đó là trong thời chiến, còn trong thời bình thì biển đảo cũng đã có sự ghi nhận tương tự, đảo thanh niên đầu tiên của nước ta, đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), nơi đã ghi nhận 62 thanh niên xung phong và một số hộ ngư dân  ra sinh sống và phát triển cho đảo. Và từ một tên gọi quen thuộc của đảo là Vô Thuỷ (không có nước) thì ngày nay hòn đảo này có một giá trị kinh tế không nhỏ cho đất nước trong các ngành thương mại và công nghiệp chế biến.

Còn rất nhiều, rất nhiều điều để nói về biển đảo quê hương. Những người đi biển hay ra đảo cho dù vì điều gì thì cũng luôn luôn có nhận thức rằng mình đang đi trên biển là biển của nước mình, mình ra đảo là đảo thuộc chủ quyền nước mình.

Còn với tôi, một thầy giáo tương lai, tôi muốn rằng mình không chỉ truyền đạt cho học sinh về kiến thức chuyên môn mà còn là nhiều điều khác, tình yêu biển đảo chẳng hạn. Việt Nam nước ta có rất nhiều hòn đảo và vùng biển “ mang tên hay -có cảnh đẹp” mà. Đất nước chúng ta không chỉ là dải hình chữ S quen thuộc mà còn là các đảo và biển bao quanh. Tôi muốn rằng học trò của tôi biết được diện tích biển đảo Việt Nam được xác định ra sao, theo công thức nào hay theo điều luật nào. Tôi mong rằng đất nước của chúng ta sẽ có một ngày của biển đảo thật sự và ngày đó nằm trong khoảng thời gian của năm học, hy vọng là nó rơi vào tháng thanh niên. Giờ sinh hoạt chủ nhiệm của tôi nếu có khi hướng đến ngày đó sẽ không như thường lệ, đó không phải là giờ thống kê lại tình hình học tập và kỷ luật trong lớp. Giờ đó sẽ là giờ tôi trao đổi với học trò phần nào về kiến thức biển đảo Việt Nam. Sẽ là một sự trao đổi nhẹ nhàng mà ý nghĩa, các khái niệm lãnh hải, nội thuỷ, đường cơ sở,… sẽ có một sự trực quan dễ hiểu hay chí ít cũng phải đạt được mục tiêu là kêu gọi sự tìm hiểu mở rộng về biển đảo Việt Nam sau giờ học này qua phương tiện thông tin đại chúng (Sách báo, Internet,..), bên cạnh đó còn là những câu chuyện lịch sử ý nghĩa, lôi cuốn về biển đảo; lịch sử Việt Nam vốn rất hay không phải chỉ ở những con số ấn tượng mà nó hay ở những chi tiết thú vị, bất ngờ và sau đó là sự ngưỡng mộ về những điều mà các nhân vật lịch sử đã làm.

Lúc này khi tuổi đang còn trẻ, tôi có một tham vọng là khi có điều kiện thì mình sẽ được tham quan được nhiều hòn đảo thật sự của đất nước, tôi ao ước mình sẽ có những tấm ảnh mà mình đang đứng bên cột mốc của một số đảo, tôi sẽ có thêm nhiều kiến thức mới, đa dạng hơn, chân thực hơn. Nó không chỉ là niềm vinh dự mà còn là một sự tự tin để giúp tôi có thể trao đổi kiến thức biển đảo với học trò của mình được thuận lợi, trôi chảy. Những bằng chứng đó sẽ giúp cho tôi có thể khẳng định rằng “Biển đảo Việt Nam thật là đẹp và phong phú về nhiều mặt. Biển đảo Việt Nam là của người Việt Nam. Chỉ có người Việt Nam mới có quyền và có đủ khả năng để hiểu được đặc trưng của biển đảo Việt Nam”.

Theo TNV